Nếu Samsung chuyển đi thì bài toán ổn định vĩ mô tính thế nào?
Samsung chuyển đi thì bài toán ổn định vĩ mô tính thế nào là băn khoăn được ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đặt ra tại hội thảo đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam .
Chuyên gia Phạm Xuân Hoè phát biểu tại hội thảo.
|
Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 30/11.
Tại đây, TS Nguyễn Hoàng Hà (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu một thực tế ở Việt Nam là nhiều địa phương không muốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Bởi có những nhà đầu tư đang có tên trong danh sách các tập đoàn lớn của thế giới nhiều khi cũng chỉ chiếm đất rồi để đấy.
Ông Hà cũng dẫn lại kết quả nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng doanh nghiệp FDI đang lấn át các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam dường như có hai nền kinh tế.
Trước đó, TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban chính sách đầu tư của CIEM khi đánh giá chung về hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam cũng đề nghị cần xác định các ngành ưu tiên với mục tiêu định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động.
Chỉ ưu đãi, khuyến khích những gì mà Việt Nam thực sự cần và không làm được, giảm sự phụ thuộc vào khối kinh tế ngoài nước, ông Thắng kiến nghị.
Vẫn theo ông Thắng thì cần chuyển từ ưu đãi dựa trên quy mô và tổng lợi nhuận sang ưu đãi dựa trên hiệu quả và giá trị gia tăng trong nước.
Trong bối cảnh không đầy đủ về dữ liệu để có thể đưa ra những đánh giá dựa trên các con số chắc chắn, các ý kiến tại hội thảo cũng băn khoăn về hiệu quả thực sự và các chi phí - lợi ích của các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài để lại nhiều hệ luỵ hơn là cái được, ông Phạm Xuân Hoè khẳng định.
Theo ông Hoè thì đó là hệ quả của việc "quá sính ngoại" và điều này dẫn đến nguy cơ rất lớn khi mà xuất khẩu của khối FDI chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế.
"Cán cân thương mại cũng do ông ấy (khối FDI- PV) giả sử ông Samsung mà chuyển đi nước khác thì Việt Nam tính bài toán ổn định vĩ mô thế nào?", ông Hoè đặt vấn đề.
Vị chuyên gia đến từ ngành ngân hàng quả quyết rằng chính sách ưu đãi đầu tư đang có vấn đề, khối FDI được rất lớn, còn Việt Nam chỉ được mấy đồng lương còi cho người lao động. Trong khi ô nhiễm môi trường không biết phải chi bao nhiêu cho đủ và người công nhân cũng luôn phải đối mặt với rủi ro.
Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng qua tìm hiểu thực tế của ông thì công nhân Việt Nam lao động cho một số doanh nghiệp FDI, nếu không may bị nhiễm hoá chất thì chắc chắn bị ung thư.
Nếu tính hệ số ICOR thì khối này rất cao nhưng thực ra là họ chuyển giá chứ làm gì có chuyện lỗ liên tục mà vẫn mở rộng đầu tư, ông Hoè nhận xét.
Khẳng định nếu cứ tiếp tục ưu đãi thu hút đầu tư như hiện nay thì sẽ để lại hệ quả rất lớn về kinh tế vĩ mô, song ông Hoè cũng chia sẻ với một số quan điểm rằng cái khó hiện nay là thuyết phục được các nhà lãnh đạo, các nhà điều hành thay đổi.
Tại sao bao nhiêu năm giờ mới có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hết sức chung chung. Như thế thì doanh nghiệp Việt không thể lớn được, tài nguyên cũng chỉ dành cho mấy ông FDI "xơi", ông Hoè bày tỏ lo lắng.
Nhấn mạnh là rất trăn trở, vị chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng cần có cách nghiên cứu sâu hơn, đo lường kỹ tác động của FDI với ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và môi trường của Việt Nam.
Chia sẻ với những trăn trở của ông Phạm Xuân Hoè, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM bình luận, những cải cách gần đây rất buồn là đã thu hẹp chức năng và vai trò của giới nghiên cứu. Và theo ông Cung thì đấy là một mất mát của cải cách.
Viện trưởng CIEM nói thêm rằng, trong tuần cơ quan này có khá nhiều hội thảo được tổ chức nhưng phần lớn người tham dự là giới chuyên gia chứ có mấy người "đáng nghe" chịu đến.
Dù thế, ông Cung vẫn động viên những cán bộ, chuyên gia trẻ cần giữ vững tính "chiến đấu" nhưng phải có "nghệ thuật", bởi đôi khi nói đúng mà không có "nghệ thuật" thì cũng khó được lắng nghe.
Nguyễn Vũ
Vneconomy
|