Dầu sụt hơn 2% tuần qua
Tuần qua, dầu WTI sụt 2.7%, dầu Brent giảm 2.3%
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (14/12), qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên hơn 2%, khi đồng USD mạnh hơn đã làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh và đà sụt giảm của thị trường chứng khoán cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý chấp nhận rủi ro, MarketWatch đưa tin.
Bên cạnh đó, các hợp đồng khí thiên nhiên tương lai đã lao dốc 15% trong tuần qua – tuần giảm mạnh nhất trong gần 3 năm, khi dự báo thời tiết làm giảm triển vọng nhu cầu.
Hôm thứ Năm (13/12), giá dầu đã nhảy vọt khi nhà đầu tư xem xét dữ liệu cho thấy sản lượng hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng ngay cả khi thỏa thuận cắt giảm trong tương lai đến gần, cũng như báo cáo định kỳ gần đây cho biết nguồn cung và sản lượng dầu thô tại Mỹ sụt giảm. Giá dầu tăng thêm vào cuối phiên ngày thứ Năm sau khi các hãng tin cho biết Ả-rập Xê-út lên kế hoạch cắt giảm xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu của Mỹ để tránh việc mở rộng dự trữ tại nước này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex lùi 1.38 USD (tương đương 2.6%) xuống 51.20 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 2.7%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn mất 1.17 USD (tương đương 1.9%) còn 60.28 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 2.3%.
Chứng khoán Mỹ suy yếu khi các dấu hiệu về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến chứng khoán và làm tăng lo ngại về nhu cầu dầu mỏ của gã khổng lồ kinh tế. Trong khi đó, chỉ số đồng USD tiến 0.6%, khi những lo ngại về tăng trưởng và bất ổn địa chính trị làm dấy lên nhu cầu trú ẩn an toàn.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng về thị trường dầu mỏ hôm thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu thô của OPEC tăng 100,000 thùng/ngày lên 33.03 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Sản lượng của Ả-rập Xê-út – nhà sản xuất hàng đầu OPEC – đã cộng 410,000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 11.06 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, báo cáo từ IEA hoàn toàn trái ngược với báo cáo định kỳ của OPEC đã công bố hôm thứ Tư (12/12), báo cáo này cho biết sản lượng trong tháng 11 của OPEC giảm nhẹ bất chấp đà tăng vọt của sản lượng Ả-rập Xê-út.
Cả 2 báo cáo này được công bố chưa đầy 1 tuần sau khi OPEC đồng ý với các nhà sản xuất đồng minh ngoài OPEC – dẫn đầu là Nga – để cùng nhau cắt giảm sản lượng dầu thô 1.2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2019. OPEC dự kiến cắt giảm 800,000 thùng/ngày, trong khi Nga và 9 nước đồng minh sẽ gánh vác phần còn lại.
James Williams, Chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, nhận định: “Kế hoạch cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ của Ả-rập Xê-út cho thấy nước này rất nghiêm túc trong việc cân bằng thị trường. Họ muốn dự trữ dầu thô (nguồn cung) giảm xuống mức bình quân 5 năm”.
Ngoài ra, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 1 mất 3% còn 1.434 USD/gallon và sụt 3.5% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 lùi 1.7% xuống 1.845 USD/gallon, đồng thời ghi nhận mức giảm 2.2% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 sụt 7.2% xuống 3.827 USD/MMBtu, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 14.7% - tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
An Trần
Fili
|