Dầu tăng nhẹ khi nhà đầu tư cân nhắc giữa thỏa thuận cắt giảm sản lượng và triển vọng nhu cầu
Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi sắc trong ngày thứ Ba (11/12), sau sự gián đoạn sản lượng ngắn hạn tại Libya, nhưng đã rút khỏi đỉnh trong phiên do sự không chắc chắn xung quanh việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cũng như lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng suy yếu, MarketWatch đưa tin.
Bên cạnh đó, trong một báo cáo công bố vào ngày thứ Ba, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã cắt giảm dự báo giá dầu trong năm nay và năm tới, sau khi giá dầu lao dốc gần đây trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số đồng minh quyết định cắt giảm sản lượng bắt đầu vào tháng 1/2019.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 65 xu (tương đương 1.3%) lên 51.65 USD/thùng, sau khi dao động tại mức cao trong phiên 52.43 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn cộng 23 xu (tương đương 0.4%) lên 60.20 USD/thùng.
Công ty dầu mỏ quốc gia Libya đã tuyên bố một sự kiện không mong muốn xảy ra đối với xuất khẩu dầu từ mỏ dầu El Sharara sau một cuộc tấn công quân sự hồi cuối tuần qua, Wall Street Journal đưa tin. Các chuyên gia phân tích tại Commerzbank cho biết trong một lưu ý ngày thứ Ba rằng: “Hiện sản lượng dầu tại Libya bị mất 400,000 thùng/ngày bởi vì sản xuất bị gián đoạn tại mỏ dầu lớn nhất Libya”.
Vào ngày thứ Sáu (07/12), OPEC đã thông báo sẽ cắt giảm tổng sản lượng 800,000 thùng/ngày từ mức sản lượng hồi tháng 10 trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2019. Tổ chức này không nêu rõ chi tiết sản lượng cắt giảm của các thành viên ngoài OPEC, trong đó có Nga, nhưng các hãng tin cho biết các nước này sẽ cắt giảm 400,000 thùng/ngày, để đưa tổng sản lượng cắt giảm đạt 1.2 triệu thùng/ngày.
Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định: “Mặc dù thỏa thuận chung OPEC+ về cắt giảm sản lượng bổ sung vẫn có thể hỗ trợ thị trường trong những tháng tới, nhưng việc thiếu mục tiêu cụ thể cho từng quốc gia đã khiến thị trường ngần ngại để tăng giá mạnh mẽ”.
Đà sụt giảm gần đây của giá dầu thô xảy ra do lo ngại về mối quan hệ thương mại quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, làm tăng dự báo về khả năng nhu cầu năng lượng suy yếu. Vào ngày thứ Ba, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới nhất bằng một cuộc điện đàm có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Mỹ – Robert Lighthizer, và Phó thủ tướng Trung Quốc – Lưu Hạc.
Trong cuộc điện đàm, Trung Quốc đã đồng ý giảm thuế quan đối với ô tô Mỹ từ mức 40% hiện tại xuống 15%. Diễn biến về thương mại đã giúp hỗ trợ tâm lý đối với chứng khoán Mỹ và các thị trường rủi ro khác.
Ngoài ra, về mặt dữ liệu, báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn của EIA vào ngày thứ Ba dự báo giá dầu WTI bình quân trong năm 2018 đạt 65.18 USD/thùng, giảm 2.4% so với dự báo trong báo cáo tháng 11. Cơ quan này cũng cắt giảm triển vọng giá dầu trong năm 2019 sụt 16.4% xuống 54.19 USD/thùng. Về dầu Brent, EIA cũng hạ dự báo giá dầu trong năm 2018 giảm 2.3% xuống 71.30 USD/thùng, trong năm 2019 sụt 15.2% xuống 61 USD/thùng.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 1 tiến 1.5% lên 1.44 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 nhích 0.2% lên 1.847 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 mất 3% còn 4.407 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|