Thứ Tư, 26/12/2018 14:38

Các nước Đông Nam Á sẽ đối mặt với thách thức gì trong năm 2019?

Năm ngoái, các chuyên gia kinh tế dự báo Đông Nam Á sẽ có một năm 2018 đầy sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ. Còn năm tới, họ cảm thấy chẳng mấy lạc quan.

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lãi suất cao hơn vẫn là những vật cản mà các quốc gia cần phải vượt qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục khiến nhà đầu tư “lắc đầu ngao ngán” khi họ đưa ra lộ trình lãi suất khó đoán hơn trong năm 2019 (dựa vào số liệu kinh tế để đưa ra quyết định chính sách), còn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã và đang gây tổn thương tới hoạt động xuất khẩu ở khu vực này.

“Tăng trưởng và lạm phát tại khu vực ASEAN dường như yếu hơn trong năm 2019”, Tamara Henderson tại Bloomberg Economics cho hay. “Ngay cả là thế, nếu muốn hút vốn đầu tư thì các ngân hàng trung ương khu vực này vẫn nghiêng hướng về thắt chặt chính sách – ít nhất là cho tới khi nhà đầu tư nhận thấy khả năng Fed tạm ngưng thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc các biện pháp kích thích của Trung Quốc mang lại kết quả”.

Ngoài những vấn đề trên, Thái Lan, Indonesia và Philippines còn phải đối mặt với các cuộc bỏ phiếu và do đó có thể biến động còn mạnh hơn nữa.

Sau đây, Bloomberg cũng dẫn ra những thách thức về kinh tế mà Đông Nam Á phải đối mặt trong năm 2019:

Đà giảm tốc trên toàn cầu

Phần lớn chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc thêm trong năm 2019, chỉ giống như chuyện tăng trưởng năm nay có thể không bằng năm trước. Mặc dù các nền kinh tế như Philippines và Việt Nam vẫn vẫn có thể những nước có tăng trưởng vượt trội, nhưng đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có lẽ sẽ tác động tiêu cực tới Đông Nam Á.

Chưa hết, vì mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, sự suy giảm nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa lúc bị áp thuế quan và phải thay đổi về cấu trúc sẽ tác động tiêu cực tới các nước láng giềng.

Đà giảm tốc về thương mại

Hiệu ứng domino từ chiến tranh thương mại vẫn còn là rủi ro lớn giữa lúc các tác động của các hàng rào thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể hiện rõ và nhà đầu tư cảm thấy bất ổn về thỏa thuận đình chiến thương mại.

“Châu Á sẽ đối mặt với một vài thách thức lớn” vào đầu năm 2019, Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận kinh tế thị trường mới nổi và bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Nomura Holdings, nói với các phóng viên vào ngày 13/12/2018. Đặc biệt là về hoạt động thương mại toàn cầu, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn, trong đó chu kỳ công nghệ sẽ chạm đáy trong nửa đầu năm 2019, các chuyên viên phân tích Nomura dự báo.

Giao thương hàng hóa chiếm hơn 200% GDP của nền kinh tế Singapore và hơn 100% GDP của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Sự không chắc chắn về kết quả bầu cử

Thái Lan dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu vào ngày 24/02/2019 sau 4 năm dưới sự kiểm soát của chính quyền Quân chủ lập hiến, và các chuyên viên phân tích cảm thấy lo sợ về khả năng xảy ra bất ổn xã hội – một yếu tố có thể tác động tới lĩnh vực du lịch và tâm lý nhà đầu tư.

Trong khi đó, Indonesia sẽ tổ chức bỏ phiếu vào tháng 4/2019 – một cuộc “tái đấu” giữa Tổng thống Joko Widodo và đối thủ Prabowo Subianto. Còn Philippines sẽ tổ chức bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ vào tháng 5/2019.

Dõi theo bước chân của Fed

Các ngân hàng trung ương sẽ gặp rắc rối với lộ trình lãi suất của Fed và hành động theo đó để bảo vệ đồng nội tệ của nước mình và giữ tài khoản vãng lai trong tầm kiểm soát.

Trong khi các chuyên viên phân tích tại Nomura nhận thấy nửa sau năm 2019 sẽ tươi sáng hơn so với nửa đầu năm, nhưng Selena Ling – Chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp. ở Singapore – cho rằng thách thức sẽ ngày càng nhiều khi càng về cuối năm. Lý do đằng sau quan điểm tiêu cực của cô xuất phát từ quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của Fed giữa lúc họ đang thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán và khả năng Fed nâng lãi suất vượt ngưỡng trung lập – tức không kìm hãm cũng không thúc đẩy nền kinh tế.

Bất ngờ từ lạm phát

Các chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát ở phần lớn châu Á sẽ lặng lẽ tăng trong năm 2019. Chỉ riêng lạm phát ở Philippines sẽ suy giảm, dựa trên cuộc thăm dò của Bloomberg.

Các quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Philippines vừa hạ dự báo lạm phát, khi giá dầu giảm liên tục và việc nới giới hạn nhập khẩu gạo.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Nỗi đau từ chiến tranh thương mại sẽ thể hiện rõ trong năm 2019? (26/12/2018)

>   Donald Trump: Chứng khoán Mỹ mang lại cơ hội mua “to lớn” cho nhà đầu tư (26/12/2018)

>   Những vấn đề định hình thế giới năm 2019 (26/12/2018)

>   Ông Trump lại buông lời "cay đắng" về Fed (25/12/2018)

>   Khối bất động sản khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài (24/12/2018)

>   Bộ trưởng Tài chính Mỹ điện đàm với CEO của các ngân hàng lớn về thị trường (24/12/2018)

>   Volkswagen tiếp tục mất hàng tỷ USD trong 2019 do bê bối khí thải (23/12/2018)

>   Bloomberg: Ông Trump tính chuyện sa thải Chủ tịch Fed sau đợt nâng lãi suất (22/12/2018)

>   Chuyện gì xảy ra khi chính phủ Mỹ hết tiền, đóng cửa trước Giáng sinh? (22/12/2018)

>   Peter Navarro: Trung Quốc đang cố lấy cắp tương lai của nước Mỹ (22/12/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật