Thứ Sáu, 02/11/2018 20:00

Uỷ ban Kinh tế "sốt ruột" vì tiến độ sân bay Long Thành

Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019...

Giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành được cho là khá chậm.

Chủ trương đầu tư sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua từ tháng 6/2015, nhưng đến tháng 6/2018 mới ký hợp đồng với tư vấn về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 là quá chậm.

Đó là nhận định của Uỷ ban Kinh tế tại báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành, mới được gửi đến Quốc hội.

Sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Chính phủ thì hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019. Nếu được Quốc hội thông qua, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2019.

Việc sau ba năm từ ngày được thông qua chủ trương mới ký hợp đồng với tư vấn về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 được Uỷ ban Kinh tế cho là quá chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện chung của dự án.

"Do vậy, đề nghị Chính phủ phân tích làm rõ nguyên nhân, tác động và giải pháp khắc phục", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu rõ.

Đối với hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc tính chất phức tạp của hồ sơ báo cáo để đề xuất với Quốc hội quyết định xem xét trong một hay hai kỳ họp để bảo đảm thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2019.

Về việc lập báo cáo khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động vào cuộc nhưng việc thẩm định và phê duyệt báo cáo khả thi cũng còn khá chậm.

Sau 1 năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương tách riêng dự án, đến nay vẫn chưa được quyết định đầu tư. Việc chậm tiến độ của dự án tái định cư có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành và ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân do việc thực hiện các quyền sử dụng đất bị hạn chế, cơ quan thẩm tra đánh giá.

 Báo cáo thẩm tra cũng nêu nguyên nhân khách quan của hạn chế nêu trên là do chính sách, pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ, việc lần đầu tiên một dự án giải phóng mặt bằng phải lập báo cáo khả thi là chưa có tiền lệ. Ngoài ra, đây là dự án lớn, liên quan đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình, cá nhân và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan...

Nguyên nhân chủ quan được chỉ ra tại báo cáo thẩm tra là chất lượng của hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm, chưa được xây dựng, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng dẫn đến phải bổ sung nhiều lần theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.

Sự phối hợp của các bộ, ngành trong hướng dẫn trả lời các vướng mắc của địa phương chưa chặt chẽ làm kéo dài thời gian hoàn thành báo cáo.

Nhân sự và tổ chức của tổ chuyên gia thẩm định liên ngành của Hội đồng thẩm định thay đổi nhiều và không có tính kế thừa nên phải chuẩn bị nhiều nội dung có tính chất trùng lặp, kéo dài thời gian phê duyệt.

Báo cáo thẩm tra cho biết, theo đề xuất của Chính phủ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tế triển khai dự án, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, bố trí nguồn lực để thực hiện dự án, tuy nhiên việc triển khai lại chậm trễ.

Để thúc đẩy tiến độ dự án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm sớm hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tiến độ theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát việc lập quy hoạch bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông cả bên trong và bên ngoài sân bay Long Thành. Đồng thời quan tâm chỉ đạo các cơ quan tư vấn dự án tính toán phương án vốn, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách.

Đề nghị tiếp theo với Chính phủ là chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh, làm căn cứ để quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực sân bay; công khai thông tin quy hoạch và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân để tránh khiếu kiện.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ sự khác biệt về số liệu diện tích thu hồi đất dự án và tổng mức đầu tư trong báo cáo của Chính phủ so với Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Nghị quyết số 53 năm 2017 thì diện tích đất phân khu 3 của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 22.938 tỉ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ thì diện tích này là 81,86 ha, tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 22.856 tỉ đồng.

NGUYÊN VŨ

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Hà Tiên lên thành phố (02/11/2018)

>   TP HCM quyết trị dự án "treo", xử lý dứt điểm sai phạm (02/11/2018)

>   TP HCM khẳng định 'không có trở ngại' khi thu hồi 5.000 m2 đất vàng (01/11/2018)

>   'Có doanh nghiệp sẵn sàng ứng 3 tỷ USD để làm dự án Thanh Đa' (01/11/2018)

>   "Quan" tiếp tay phá quy hoạch Pleiku (01/11/2018)

>   Phê duyệt cưỡng chế 18 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (31/10/2018)

>   Đề xuất gần 10.500 tỉ làm cao tốc từ TP.HCM đi Tây Ninh (31/10/2018)

>   Đại biểu Quốc hội: Công trình sai phép xảy ra giữa 'thanh thiên bạch nhật' (30/10/2018)

>   TP.HCM muốn chỉnh quy hoạch để có biển (30/10/2018)

>   Kỷ luật hàng loạt tập thể, cá nhân liên quan dự án cao tốc 34.500 tỷ (29/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật