Thứ Sáu, 02/11/2018 17:16

Hà Tiên lên thành phố

Kể từ ngày 1.11, TX.Hà Tiên chính thức trở thành TP.Hà Tiên, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Đô thị TP.Hà Tiên ngày càng khang trang. Ảnh: Việt Phương

Đây là sự kiện trọng đại của người dân Hà Tiên và cũng là dịp nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của đô thị ven biển, giáp biên, sầm uất bậc nhất miền Tây Nam bộ.

TX.Hà Tiên thành lập năm 1998 theo trên cơ sở tách ra từ huyện Hà Tiên cũ, gồm các phường Đông Hồ, Tô Châu, Pháo Đài, Bình San và các xã Mỹ Đức, Thuận Yên, Tiên Hải.

Tháng 9.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập P.Mỹ Đức, thuộc TX.Hà Tiên và thành lập TP.Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Kể từ ngày 1.11, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh xã Mỹ Đức và TX.Hà Tiên chính thức đổi tên thành phường và thành phố theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lịch sử Hà Tiên sang trang mới.

Những con số “biết nói”

Nhìn vào số liệu về phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hà Tiên có thể thấy những con số như “biết nói”. Nếu như năm 1998, thu nhập bình quân đầu người người của Hà Tiên là 4,450 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2017 con số này là 68,930 triệu đồng, tăng gấp 15,49 lần. Tổng giá trị sản xuất của thành phố tăng bình quân 17,71%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng, ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 59,78% lên 70,47% (1998 - 2017). Thu ngân sách năm 1998 chỉ đạt trên 16,2 tỉ đồng thì năm 2017 là hơn 109,6 tỉ đồng.

Người dân vùng đất giáp biên giới, nơi cực Nam Tổ quốc này luôn tự hào Hà Tiên là nơi hội tụ nhiều danh thắng nổi bật ở miền Tây Nam bộ, đó là: chùa Tam Bảo, núi Pháo Đài, Mũi Nai, bãi biển phía Nam, Thạch Động, đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, xóm chài Rạch Vược, núi Bình San và thắng cảnh Đá Dựng, quần đảo Hải Tặc, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên... Chính nhờ những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên ưu đãi, ngành thương mại - dịch vụ du lịch đã nhanh chóng được định hình là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Tiên. Ấn tượng nhất là lượng khách du lịch đến Hà Tiên tăng trông thấy. Năm 1998, chỉ đón hơn 437.000 lượt khách thì năm 2017 đã có 2,4 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch tại Hà Tiên. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt gần 960 tỉ đồng, tăng gấp 40 lần so với năm 1998.

Tập trung cho hạ tầng

Hiện tại, Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận (Hòn Đất - Kiên Hải, U Minh Thượng). Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo ra bước phát triển mới về du lịch cho thành phố. Theo số liệu thống kê đến năm 2018, trên địa bàn có 161 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.449 phòng; chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch trên địa bàn thành phố được nâng lên rõ rệt.

Hệ thống chợ và siêu thị cũng được đẩy mạnh đầu tư để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách tham quan, du lịch. Hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu ở Hà Tiên diễn ra nhộn nhịp và tăng trưởng ổn định. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên là nơi xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho các tỉnh, thành trong khu vực góp phần phát triển kinh tế địa phương với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 51,833 triệu USD tăng 3,23 lần so năm 1998.

Giao thông đi lại giờ đây cũng đang chuyển mình mỗi ngày khi nhiều công trình được xây dựng, nâng cấp mở rộng, nhiều tuyến đường quan trọng tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội gồm các tuyến đường nội ô, đường vào các khu du lịch, đường giao thông nông thôn. Cụm cảng Bến tàu Tô Châu hình thành và phát triển mạnh mẽ, với số lượng vận chuyển hàng hóa tăng 36,6 lần, vận chuyển hành khách tăng 7,6 lần so năm 1998. Số lượng tàu cao tốc, phà tăng 20 chiếc so với trước đây (gồm 11 phà, 9 tàu cao tốc) phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời cũng là cầu nối quan trọng của Hà Tiên với đảo ngọc Phú Quốc và xã đảo Tiên Hải của thành phố.

Một góc TP.Hà Tiên nhìn từ kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Ảnh: Giang Thành

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Tiên, trước mắt TP.Hà Tiên tập trung khai các đề án, kế hoạch phát triển du lịch sinh thái, lên kế hoạch bảo tồn và phục hồi những cảnh quan bị xuống cấp do thời gian, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các khu vui chơi giải trí, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng… Phát huy quần đảo Hải Tặc (xã đảo Tiên Hải) trở thành khu du lịch mới. Thành phố cũng không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng, linh hoạt thu hút, mời gọi đầu tư. Đến nay, thành phố đã thu hút được 35 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 3.000 tỉ đồng.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Về Hà Tiên hôm nay có thể thấy đã có nhiều công trình trọng điểm trở thành điểm nhấn, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá của thành phố như: Công viên văn hóa Bình San, Tượng đài Mạc Cửu, Quảng trường Chiêu Anh Các, Tượng 9 Cô tiên... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của Hà Tiên trong 20 năm qua cũng đạt được những kết quả tích cực.

Giáo dục, đào tạo được củng cố và phát triển, hiện có 9/18 trường đạt chuẩn quốc gia; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện. Đến nay Hà Tiên có 1 bệnh viện đa khoa quy mô 150 giường bệnh, Trung tâm y thành phố và 7 trạm y tế xã, phường với quy mô 5 giường bệnh/trạm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1 - 2%/năm, đời sống người dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 1998 tỷ lệ hộ sử dụng điện là 68,6% thì đến năm 2017 đã tăng lên trên 98%. Đặc biệt là đô thị biên giới, vùng biển đảo rộng, phức tạp nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Hà Tiên luôn được giữ vững, ổn định.

Sau 20 năm thành lập, Hà Tiên trở thành thành phố, là nguyện vọng của nhân dân Hà Tiên nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung. Chắc chắn vị thế mới sẽ là động lực thúc đẩy Hà Tiên phát triển hơn nữa cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Hà Tiên, đến năm 2030, Hà Tiên dự kiến hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao. Mục tiêu cụ thể, năm 2020: Thu hút trên 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 38.000 lượt, doanh thu ước đạt 2.700 tỉ đồng. Năm 2025: Thu hút trên 4,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 80.500 lượt (chiếm 1,8% trên tổng lượng khách), doanh thu ước đạt 9.400 tỉ đồng. Năm 2030: Thu hút trên 6,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 168.900 lượt (chiếm 2,6% trên tổng lượng khách), doanh thu ước đạt 34.500 tỉ đồng.

 Tú Uyên

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   TP HCM quyết trị dự án "treo", xử lý dứt điểm sai phạm (02/11/2018)

>   TP HCM khẳng định 'không có trở ngại' khi thu hồi 5.000 m2 đất vàng (01/11/2018)

>   'Có doanh nghiệp sẵn sàng ứng 3 tỷ USD để làm dự án Thanh Đa' (01/11/2018)

>   "Quan" tiếp tay phá quy hoạch Pleiku (01/11/2018)

>   Phê duyệt cưỡng chế 18 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (31/10/2018)

>   Đề xuất gần 10.500 tỉ làm cao tốc từ TP.HCM đi Tây Ninh (31/10/2018)

>   Đại biểu Quốc hội: Công trình sai phép xảy ra giữa 'thanh thiên bạch nhật' (30/10/2018)

>   TP.HCM muốn chỉnh quy hoạch để có biển (30/10/2018)

>   Kỷ luật hàng loạt tập thể, cá nhân liên quan dự án cao tốc 34.500 tỷ (29/10/2018)

>   Ba lỗ hổng ở các dự án BOT (26/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật