"Quan" tiếp tay phá quy hoạch Pleiku
Hàng chục cán bộ, trong đó có cả giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã giúp sức cho các cá nhân phân lô, bán nền, xây dựng công trình trái phép ở Gia Lai
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, vừa ký kết luận thanh tra việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên địa bàn TP Pleiku và xã Ia Dêr, huyện Ia Grai.
Vô tư san lấp, phân lô, bán nền
Nhiều năm qua, một số người dân đã "thâu tóm" đất nông nghiệp tại các vùng ven TP Pleiku. Sau đó, hàng loạt công trình xây dựng không phép mọc lên gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị và quy hoạch chung của TP Pleiku và tỉnh Gia Lai.
Có sự giúp sức của một số cán bộ, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự ý phân lô, bán nền phá nát quy hoạch chung TP Pleiku
|
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai đã phát hiện tổng cộng có 21 vị trí, tại 10 phường, xã bị san lấp, phân lô, bán nền với tổng diện tích khoảng 33 ha. Trong đó, phân lô, tách thửa là hơn 32 ha (321.023,6 m2) với 1.523 thửa đất không đúng quy định. Đến nay, đã có 351 thửa đất chuyển sang đất ở.
Điển hình, vào năm 2017, ông Nguyễn Văn Kế (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) mua của 4 cá nhân tại thôn 5, xã Diên Phú hơn 21.000 m2. Sau khi làm thủ tục hợp thửa, ông Kế tự mở con đường bê-tông dài 305 m, rộng 6 m và bị UBND xã Diên Phú xử phạt hành chính. Sau đó, ông Kế xin tách thửa và được Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Pleiku đo đạc địa chính để tách thành 160 thửa đất (khoảng 150 m2/thửa).
Ngoài trường hợp này, còn hàng chục trường hợp khác cũng có những sai phạm tương tự. Thậm chí, trường hợp ông Nguyễn Tấn Thành (trú tổ 5, phường Ia Kring, TP Pleiku) còn tự ý lấp cả mương nước để lấy mặt bằng. Theo hồ sơ, ông Thành nhận chuyển nhượng lô đất hơn 9.000 m2 (chỉ có 58,5 m2 đất ở) tại tổ 11, phường Yên Đổ. Khu đất này tiếp giáp với 2 mương thoát nước có chiều rộng trung bình mỗi bên từ 2-4 m và đã được phê duyệt với mốc bảo vệ dòng chảy mỗi bên 6 m. Tuy nhiên, chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, ông Thành tự ý đổ đất để san lấp, xây tường rào, kè đá… chỉ chừa lại mỗi mương khoảng 1 m. Đáng nói, trong thời gian thi công gần 9 tháng, ông Thành không bị kiểm tra, xử lý.
Cán bộ giúp sức
Để được tách thửa đất nông nghiệp phải được UBND tỉnh quy định diện tích tối thiểu. Cho đến tháng 3-2018, tỉnh Gia Lai chưa có quy định diện tích tối thiểu đất nông nghiệp được tách thửa. Tuy nhiên, VPĐKĐĐ Chi nhánh TP Pleiku và VPĐKĐĐ tỉnh Gia Lai đã đo vẽ, thẩm định và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hơn 1.400 lô đất đã tách thửa sai quy định.
Tỉnh Gia Lai chỉ rõ hành vi của cán bộ, công chức, viên chức tại các VPĐKĐĐ trên và lãnh đạo Sở TN-MT cho tách thửa đất nông nghiệp khi chưa có quy định của nhà nước là không đúng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trong đó, từ năm 2015-2017, ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku, đã ký 13 quyết định cho mở đường trên đất nông nghiệp trái phép, không bảo đảm quy hoạch, kết nối, phá vỡ quy hoạch chung với mục đích cho các cá nhân tách thửa, phân lô, bán nền trên con đường mới hình thành. Phòng TN-MT TP Pleiku chỉnh lý, cho phép mở đường với 2 khu vực (phân thành 168 lô đất) trái thẩm quyền, tạo điều kiện cho chủ đất hưởng lợi từ việc phân lô, bán nền. Trách nhiệm chính thuộc về ông Ngô Xuân Hiền, Phó Phòng TN-MT TP Pleiku. Các đời lãnh đạo của VPĐKĐĐ TP Pleiku còn nhiệt tình giúp sức bằng cách cho đo đạc địa chính để chia tách, từ đó chủ sử dụng đã sử dụng tờ trích lục này để rao bán đất nền.
Để xảy ra việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch chung của TP Pleiku một phần là do trong thời gian gần 11 năm (từ năm 2007 đến ngày 20-3-2018), tỉnh Gia Lai mới ban hành quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp. Trách nhiệm thuộc về Sở TN-MT do chậm tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này.
Đặc biệt, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Pleiku được UBND tỉnh phê duyệt là đất nông nghiệp nhưng UBND TP Pleiku đã dự thảo kế hoạch sử dụng đất và Sở TN-MT chủ trì thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trái quy định tại nhiều vị trí đất vào các năm 2016, 2017 và 2018.
Kiểm điểm hàng loạt cán bộ
Thanh tra tỉnh Gia Lai đã đề nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với hàng chục cán bộ liên quan. Trong đó, các ông Phạm Duy Du, Trần Xuân Hùng, Giám đốc và nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai; ông Trần Xuân Quang, Chủ tịch và ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku, phải báo cáo kiểm điểm về UBND tỉnh, Sở Nội vụ trước ngày 15-11. Giám đốc Sở Nội vụ gửi văn bản tham mưu cho UBND tỉnh xem xét kỷ luật các cán bộ, công chức còn lại trước ngày 25-11.
Riêng đối với những thửa đất đã tách không đúng quy định, những trường hợp nào đã chuyển mục đích và xây dựng nhà ở thì giữ nguyên hiện trạng; các trường hợp còn lại tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nhà ở và không cấp phép xây dựng đối với các trường hợp không phù hợp quy hoạch; UBND TP Pleiku xây dựng phương án khắc phục các sai phạm tại các vị trí san lấp mặt bằng, phân lô, tách thửa...
|
Bài và ảnh: Hoàng Thanh
Người Lao động
|