Thứ Tư, 24/10/2018 16:42

Trình luật khắc phục tình trạng công trình kiến trúc phản cảm

Sáng 24/10, dự án Luật Kiến trúc đã được Chính phủ trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo tờ trình được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày, nền kiến trúc Việt Nam hiện bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc.

Bên cạnh đó các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ, dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ. Hệ thống quy định pháp luật liên quan đến kiến trúc nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan như trong luật xây dựng, luật nhà ở, luật quy hoạch đô thị, luật di sản văn hoá…

Chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.

Về sự cần thiết, Chính phủ nêu rõ, Luật Kiến trúc được xây dựng để tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao, tạo môi trường cho hoạt động kiến trúc, hành nghề kiến trúc.

Dự thảo luật gồm 4 chương với tổng cộng 37 điều, quy định rõ các công cụ quản lý kiến trúc chủ yếu là quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, Hội đồng Kiến trúc Quốc gia và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc.

Phần về hành nghề kiến trúc, luật quy định cụ thể hoạt động của kiến trúc sư; của các tổ chức; một số quy định cụ thể về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo các tiêu chí: chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục, đạo đức hành nghề để phù hợp với thông lệ quốc tế; xử lý các vấn đề đăng ký hành nghề, chứng chỉ năng lực phù hợp.

Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc như trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Xây dựng, của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho biết, Chính phủ không đề xuất phát sinh về tổ chức, nhân sự khi thực hiện luật. Do vậy, việc thi hành luật về cơ bản không ảnh hưởng lớn tới vấn đề tổ chức hành chính, nhân sự. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số ít luật không ảnh hưởng lớn tới việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Thẩm tra dự luật, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung Chính phủ trình.

Riêng về quản lý kiến trúc, theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đa số ý kiến tại uỷ ban thống nhất với dự thảo luật là cần có một chương quy định về chính sách cơ bản, là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết của nội dung này, vì nhiều quy định có tính khả thi chưa cao; chưa thể hiện được nguyên tắc quản lý và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc.

Với những yêu cầu quản lý kiến trúc đề xuất cho nông thôn, đô thị, khu phố cổ, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình, làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc theo hướng vừa mang tính đại diện nhưng vừa đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quản lý và đáp ứng sự phát triển tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng như công trình nghệ thuật, công trình công nghiệp, công trình tôn giáo, kiến trúc quân sự…

Liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, bên cạnh ý kiến thống nhất với dự thảo luật, cho rằng chứng chỉ phải do cơ quan quản lý có thẩm quyền ở cấp tỉnh cấp thì cũng có quan điểm đề xuất xã hội hoá hoạt động cấp chứng chỉ, giao nhiệm vụ này cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội kiến trúc sư làm để giảm bớt công việc không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước.

Nguyên Lê

VNEconomy

Các tin tức khác

>   TP HCM giảm kẹt xe bằng 96.000 tỷ như thế nào (24/10/2018)

>   ‘Tôi phải nói để lịch sử bi tráng Thủ Thiêm không lặp lại với thế hệ sau’ (21/10/2018)

>   Kiến nghị cho tách thửa tại Bình Quới - Thanh Đa (20/10/2018)

>   1km bờ bao sông Sài Gòn, 5 điểm sạt lở đe dọa (19/10/2018)

>   Chính phủ lập tổ công tác giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm (19/10/2018)

>   VEC thao túng các trạm dừng nghỉ (19/10/2018)

>   Sửa xong cao tốc 1,64 tỷ đô, VEC chưa dám khẳng định hết hư hỏng? (17/10/2018)

>   Bật mí 'khu đất vàng' 23 Lê Duẩn bán đấu giá xây nhà hát ngàn tỉ ở Thủ Thiêm (17/10/2018)

>   Kiến nghị xử lý tài chính 4 dự án đầu tư hạ tầng tại Phú Quốc (17/10/2018)

>   Bộ Giao thông thanh tra đột xuất dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (17/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật