Chính phủ lập tổ công tác giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm
Cùng với Ban chỉ đạo và 2 tổ công tác do TP.HCM lập, Chính phủ còn lập tổ công tác để phối hợp giải quyết dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thành Phong gặp gỡ người dân Thủ Thiêm
Ảnh: Ngọc Dương
|
Sáng 18.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp các hộ dân có nhà đất ở khu 4,3 ha, KP.1, P.Bình An (Q.2). Đây là khu đất mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm theo Quyết định 367 của Thủ tướng (về phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào năm 1996).
Tại buổi tiếp dân, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh thanh tra TP.HCM, điểm lại các sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm mà TTCP đã kết luận, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề về ranh quy hoạch, giải tỏa nhà đất của dân, giao đất tái định cư cho các dự án nhà ở... khiến phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Nhiều người mong đợi buổi tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm, chủ yếu bị ảnh hưởng trong khu 4,3 ha thuộc KP.1 (P.Bình An), sẽ “thuận buồm xuôi gió” cơ bản định hình được kết quả giải quyết những khiếu nại từng dai dẳng hàng chục năm trước đó. Tuy nhiên, có ý kiến từ phía người dân cho rằng ranh giới 4,3 ha mà TTCP xác định ngoài ranh Thủ Thiêm, không hẳn chỉ thuộc KP.1 (P.Bình An) mà còn một số khu phố khác. Do đó, vấn đề này cần phải được làm rõ để đảm bảo xác định ranh chính xác khu 4,3 ha, tránh phát sinh thêm khiếu nại.
Chính sách mới sẽ “không hồi tố”
Về tình tiết mới phát sinh, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2 - Tổ trưởng tổ công tác về chính sách Thủ Thiêm, cho biết tổ công tác về Thủ Thiêm vẫn đang khẩn trương rà soát pháp lý từng trường hợp nhà đất có phát sinh khiếu nại ở Thủ Thiêm.
Riêng về khu 4,3 ha, ông Hưng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa xác định cụ thể được có bao nhiêu hộ dân. Lý do là vì trước đây, bản đồ quy hoạch được cho là kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng, được vẽ tay, chưa có tọa độ xác định cụ thể. Ranh vẽ trong bản đồ trước đây cũng chỉ mang tính tương đối. Để có thể xác định được ranh chính xác tuyệt đối, phải có tọa độ cụ thể, mà điều này cần thời gian và sự phối hợp giữa TP.HCM với Bộ TN-MT...
Trả lời Thanh Niên sau buổi tiếp dân, ông Hưng cho biết riêng phạm vi khu 4,3 ha có nhiều loại hình sở hữu nhà đất: sở hữu tư nhân về đất ở, sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp, sử dụng đất công, lấn chiếm đất công để sử dụng… Mỗi loại hình sở hữu có một phương án, chính sách, khi được HĐND TP.HCM thông qua sẽ công bố cụ thể để thực hiện. Chính quyền TP đặt mục tiêu sẽ giải quyết dứt điểm “vấn đề Thủ Thiêm” trước ngày 30.11.2018. Tuy nhiên, với các tình tiết mới phát sinh, có thể phải cần thêm thời gian để giải quyết rốt ráo.
“Buổi tiếp dân hôm nay là để lắng nghe hết ý kiến bà con. Trước thời hạn 30.11.2018 mà hoàn chỉnh được chính sách thì đã tốt lắm rồi”, ông Hưng nói và cho biết thêm về nguyên tắc hoán đổi đất, tổ công tác tính toán theo hướng cân bằng: “Trước đây anh có 100 m2 đất ở thì sẽ bố trí tái định cư 100 m2. Giá đất bị giải tỏa và giá đất tái định cư tính theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm thực hiện chính sách. Nếu có chênh lệch thì tính toán hỗ trợ thêm tiền”.
Liên quan một số kiến nghị “được về nơi ở cũ”, trả lại tiền bồi thường nhà đất đã nhận trước đó “để được nhận lại đất” nêu ra tại buổi tiếp xúc, ông Hưng khẳng định chính sách đền bù, giải tỏa trước đây TP đã thực hiện và có nhiều hỗ trợ theo hướng có lợi cho người dân. Do đó, với những trường hợp đã nhận tiền bồi thường, tái định cư ổn định rồi thì chủ trương chung của TP là không hồi tố nữa. Nhiều trường hợp có nhà, đất ở trong phạm vi 4,3 ha chỉ khoảng 20 m2, giờ đây quy hoạch khu vực này là đô thị mới, đường giao thông…, nên không thể bố trí theo hiện trạng cũ được.
Mong có sự đồng thuận
Chủ trì buổi tiếp dân, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết cùng với Ban chỉ đạo và 2 tổ công tác do TP.HCM lập, Chính phủ thống nhất lập tổ công tác để phối hợp TP.HCM giải quyết dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về Thủ Thiêm, bởi thực tế có một số vấn đề vượt thẩm quyền của TP. Ông Phong cho biết thêm, qua rà soát, Thủ Thiêm còn tồn tại 11 vấn đề, chủ yếu liên quan di dời, giải tỏa nhà đất; trong đó có 10 vấn đề thuộc phạm vi toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm, 1 vấn đề thuộc phạm vi khu đất 4,3 ha.
“TP chấp hành nghiêm túc kết luận của TTCP, trong đó có nội dung về ranh quy hoạch. Người dân Thủ Thiêm gắn bó nơi này lâu đời, nếu cung cấp thêm tài liệu thì TP cầu thị xem xét để giải quyết. Với dân thì TP không tính toán mà hết lòng vì quyền lợi chính đáng của bà con”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận một số sở ngành đã thiếu lắng nghe, chưa thể hiện được thái độ cầu thị, chưa kịp thời giải quyết khiếu nại, kiến nghị của một số hộ dân đến nơi đến chốn, dẫn đến vụ việc kéo dài, gây bất an, tạo hoài nghi trong một số hộ dân bị ảnh hưởng quyền lợi.
“Một lần nữa, thay mặt chính quyền TP các thời kỳ liên quan, tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai sót, hạn chế của TP trong quá trình thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tôi xin chia sẻ những khó khăn, vất vả mà bà con đã gánh chịu. Tôi cũng xin chia sẻ những áp lực, hy sinh của những gia đình, của những hộ dân vì sự phát triển của TP mà phải rời khỏi nơi ở của mình, nơi mà mình gắn bó và có quyền lợi chính đáng. Tôi rất xin lỗi”, ông Phong bày tỏ.
Nhận thức được trách nhiệm về việc sửa sai, ông Phong chia sẻ: “Với tinh thần công khai, minh bạch, đảm bảo những quyền lợi chính đáng của bà con, TP sẽ vận dụng tối đa quy định mà pháp luật cho phép để giải quyết. Những vấn đề mới phát sinh, TP cũng sẽ làm rõ với tinh thần lắng nghe. TP mong muốn đạt được sự đồng thuận để đề ra được chính sách giải quyết phù hợp, đặc biệt sẽ không có ý giải quyết theo kiểu áp đặt nữa”.
Cuối năm 2020 xây xong cầu đi bộ nối Nguyễn Huệ - Thủ Thiêm
Chiều 18.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị bầu cử số 1) tiếp xức cử tri Q.4. Dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP; ông Lâm Đình Thắng, Phó bí thư Quận ủy Q.Bình Thạnh.
Liên quan đề xuất kết nối một số hạng mục, công trình của Q.1 và Q.4 với Thủ Thiêm để thu hút khách du lịch mà cử tri nêu ra, ông Nhân cho hay trong quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nhiều cây cầu kết nối Thủ Thiêm với Q.1 và Q.4, trong đó có hai cầu đi bộ từ phố đi bộ Nguyễn Huệ qua Thủ Thiêm. Từ địa điểm phố Nguyễn Huệ sang Thủ Thiêm sẽ gặp ngay quảng trường mà UBND TP đề xuất đặt tên là Quảng trường Hồ Chí Minh rộng 20 ha. Kề đó sẽ có những công trình như công viên dọc bờ sông, nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch, trung tâm triển lãm…. “Nơi này sẽ diễn ra nhiều hoạt động về chính trị, văn hóa, nơi hằng ngày người dân có thể đến đó đi bộ, dạo chơi”, ông Nhân nói.
Về tiến độ xây cầu đi bộ qua Thủ Thiêm, ông Nhân cho hay hiện có một doanh nghiệp đang lập dự án. Dự kiến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, cầu đi bộ đầu tiên sẽ hoàn thành.
Trung Hiếu
|
Đình Phú
Thanh Niên
|