Buông lỏng quản lý đất đai tại TP Hồ Chí Minh: Muôn hình vi phạm
Đất có vị trí đắc địa hoặc đất "sạch" có diện tích lớn, giao thông thuận tiện luôn là đích ngắm thu hút sự tìm kiếm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, không ít mảnh đất "vàng" ở Thành phố Hồ Chí Minh đã rơi vào tay doanh nghiệp một cách khó hiểu.
Điều đáng nói là sai phạm này không chỉ liên quan đến cơ quan quản lý mà còn có cả doanh nghiệp Nhà nước.
Khu dân cư 7/5, quận 9 đang bị bỏ hoang sau khi chuyển đổi từ đất quốc phòng sang đất kinh doanh thương mại. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
|
Từ cơ quan quản lý vi phạm
Theo Kết luận thanh tra số 645/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc thực dự án bất động sản tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, khu đất trên có diện tích gần 4.900m2, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Công ty này đã ký hợp đồng cho thuê nhà, đất đối với 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Thực hiện phương án sắp xếp các mặt bằng nhà, đất, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương sử dụng khu đất này để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao; đồng thời thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án với các cổ đông sáng lập và tỷ lệ góp vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố là 50% và 50% còn lại do 4 đơn vị của Bộ Công Thương đóng góp.
Trên cơ sở đó, 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương với tư cách là cổ đông đã lập ra Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, ký thỏa thuận nguyên tắc và đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư dự án cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kido.
Đến tháng 6/2011, Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng gần 4.900m2 tại số 8-12 Lê Duẩn để làm dự án khách sạn 5 sao với giá trị gần 650 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện dự án nói trên, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố đề nghị được hợp tác đầu tư dự án và đã được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép với tỷ lệ góp vốn 30%.
Theo Thanh tra Chính phủ, khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 có lợi thế đặc biệt thương mại do 3 mặt tiền giáp các tuyến đường trung tâm quận có giá đất từ 400 triệu đồng/m2 nên nếu đấu giá thành công sẽ thu về ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã không đấu giá, không thẩm định năng lực tài chính của các công ty tham gia. Việc giao dự án cho doanh nghiệp không đủ năng lực, đồng thời cho doanh nghiệp tham gia nhằm dịch chuyển tài sản có vị trí trung tâm đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước sang cho tư nhân với giá rẻ.
Mặt khác, việc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm được tham gia dự án mà không qua đấu thầu, việc chuyển tỷ lệ góp vốn tham gia từ 50% của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố xuống còn 20% để Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm tham gia là trái pháp luật.
“Việc thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, làm giảm nguồn thu cho ngân sách. Để xảy ra sai phạm này có liên quan đến lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015, đặc biệt là trách nhiệm của ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố, người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm tham gia dự án," kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Một sự vụ tương tự cũng xảy tại quận 9. Dự án Khu dân cư 7/5 quy mô 32,4 ha tại phường Long Trường, quận 9 có nguồn gốc đất quốc phòng sử dụng làm Trường bắn.
Sau khi di dời đất Trường bắn về huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2004, ông Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ký Quyết định số 3243/QĐ-UBND về việc tạm giao 32,4 ha nói trên cho Công trách nhiệm hữu hạn một thành viên 7/5 (thuộc Quân khu 7) để đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư 7/5.
Nhiều khu vực đang bị bỏ hoang trong Khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
|
Trong cùng thời gian này, Bộ Quốc phòng chủ trương giải thể Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 7/5, cho phép công ty được bán các khoản nợ, các dự án đã và đang triển khai để thu hồi vốn. “Đối tác” được thế chân làm tiếp dự án Khu dân cư 7/5 là Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung với “ưu ái” đặc biệt gồm kế thừa toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, kể cả tiền sử dụng đất 118 tỷ đồng đã đóng cho ngân sách Nhà nước.
Đến năm 2015, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 3066/QĐ-UBND về việc giao 32,4 ha tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 cho Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung để thực hiện dự án Khu dân cư 7/5. Công ty này được thành lập năm 2013, do ông Trần Ngọc Thổ giữ chức vụ Giám đốc, bà Trần Thị Oanh Oanh làm thành viên, vốn điều lệ chỉ có 1 tỷ đồng, ngành nghề đăng ký kinh doanh là giáo dục.
Tại Tờ trình số 4046/TTr-SXD-PTĐT ngày 23/4/2015, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xác định, Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung là doanh nghiệp mới thành lập, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án bất động sản.
Về sau, để thực hiện dự án Khu dân cư 7/5, nhiều lần Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung đăng ký thay đổi vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh và thành viên tham gia. Cụ thể, năm 2013, Công ty tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2016, bà Trần Thị Oanh Oanh rút vốn 225 tỷ đồng và chuyển cho Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial để công ty này có chân thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung.
Đến năm 2017, ông Trần Ngọc Thổ rút vốn 25 tỷ đồng và chuyển cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển K2 để công ty này có chân thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung. Đáng chú ý, thế chỗ Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung không còn là ông Trần Ngọc Thổ mà là người có quốc tịch Hàn Quốc.
Như vậy, từ chỗ công ty tư nhân trong nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung đã trở thành công ty có chủ sở hữu là người nước ngoài. Cho đến ngày 14/10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung với diện tích 31,6 ha tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9.
Dư luận băn khoăn thay vì sau khi tiếp nhận đất quốc phòng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, để triển khai tiếp dự án Khu dân cư 7/5 phải tổ chức bán đấu giá 32,4 ha tại phường Long Thạnh Mỹ thì thành phố lại giao cho đơn vị tư nhân là Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung. Để rồi, công ty này đã bán các phần vốn sở hữu cho người nước ngoài và công ty nước ngoài nắm quyền kiểm soát, tiến tới làm chủ khu đất có nguồn gốc là đất công lên tới 32 ha.
Bà Trần Thị Oanh Oanh cho biết trong tổng số 580 tỷ đồng tiền sử dụng đất mà Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung đóng cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh, công ty được cấn trừ 118 tỷ đồng mà Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 7/5 đã nộp trước đó, như vậy thực chất chỉ phải đóng 432 tỷ đồng. Tính ra mỗi ha đất chỉ có giá 17,9 tỷ đồng, tức giá mỗi m2 đất tại đây được bán với giá 1,79 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành giá đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2019 thì giá đất ở các tuyến đường phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 có giá 2,1 triệu đồng/m2. Nếu tính theo mức giá này thì ít nhất 32 ha Khu dân cư 7/5 cũng lên tới 680 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng số với tiền sử dụng đất mà Công ty trách nhiệm hữu hạn A Sung nộp cho thành phố.
Còn theo định giá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gachvang.com cũng như các giao dịch đất nền thời gian qua tại khu vực phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, giá đất nền tại khu vực phường Long Thạnh Mỹ có mức từ 25-30 triệu đồng/m2. Nếu bán đấu giá thì chắc chắn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng.
...Đến doanh nghiệp Nhà nước
Rất nhiều sai phạm đất đai liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước gồm Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn-trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi tắt là Sagri) và Tổng Công ty Cơ khí, giao thông, vận tải Sài Gòn-trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi tắt là Tổng Công ty Samco) cũng được cơ quan chức năng chỉ rõ.
Theo Thông báo số 386/TB-KTNN của Kiểm toán Nhà nước, các công ty thành viên thuộc Sagri đã hoạch toán thiếu tiền thuê đất phải nộp của 3 khu đất; quản lý, sử dụng nhưng chưa có hợp đồng thuê đất hơn 511ha; hạch toán chi phí khoản chênh lệch tỷ giá cao hơn thực tế; giao khoán đất sản xuất sai đối tượng, giao đất vượt quá định mức, có một số diện tích cho mượn đang bị lấn chiếm, tranh chấp, thậm chí chưa thu hồi được.
Đặc biệt, Sagri và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất với diện tích 1.919 ha cho các công ty gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Vineco Sagri (thuộc Tập đoàn Vingroup, diện tích 452 ha), Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Trung Thủy Sagri (thuộc Tập đoàn Trung Thủy, diện tích 140 ha) khi chưa có văn bản chấp thuận của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chưa có quyết định thu hồi đất và giao đất, cho doanh nghiệp thuê đất kinh doanh trái phép, thay đổi đối tác dự án Cụm công nghiệp Láng Le-Bàu Cò khi chưa được chủ trương chấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đáng chú ý, đầu tháng 3/2018, ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn-trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã bị kỷ luật liên quan đến việc ký khống, chi khống 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài.
Còn tại Samco, bản Kết luận số 04/KL-TTTP-P6 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ, các công ty thành viên của Samco chưa lập thủ tục để ký hợp đồng thuê đất, kê khai nộp tiền thuê đất đối với các khu đất đang sử dụng nhưng chưa có hợp đồng thuê đất, chưa kê khai nộp tiền thuê đất (khu đất 6,2 ha tại 292 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh; khu đất 10,6 ha tại số 9 đường Bến Nghé, quận 7; khu đất 27 ha tại phường Phú Hữu, quận 9).
Samco đã sử dụng không đúng mục đích thuê theo hợp đồng thuê đất tại mặt bằng số 1 Xa lộ Hà Nội (quận 9) và số 444-448 đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10), cho các đơn vị thuê lại đất chưa xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố tại mặt bằng số 1450 Võ Văn Kiệt (quận 6), số 444-448 Nguyễn Chí Thanh (quận 10), số 1135 Quốc lộ 1A (quận Bình Tân).
Chưa dừng lại ở đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Bến Nghé cho Công ty cổ phần Tân Cảng-Phú Hữu đã thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng cảng Phú Hữu, quận 9 khi chưa có ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và không đúng Nghị định 21/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về Quản lý cảng biển và luồng hàng hải./.
Trần Xuân Tình
Vietnam+
|