Chủ tịch UBND TP HCM nói về nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, không phải vì đầu tư nhà hát giao hưởng mà TP phải dừng lại các công việc cấp bách đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện…
Bên lề hội thảo khoa học "Quản lý đô thị trên địa bàn TP HCM: Thực trạng, vấn đề và giải pháp" do Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TP HCM tổ chức chiều 11-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc TP sẽ đầu tư hơn 1.500 tỉ để xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch tại Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết kỳ họp HĐND TP thứ 10 vừa qua chủ yếu để đưa ra các nghị quyết về cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo ông Phong, Nghị quyết 54 cho phép TP HCM được thực hiện các dự án đầu tư nhóm A. Đáng lý ra, những dự án như thế phải xin ý kiến Thủ tướng nhưng nghị quyết đã giao quyền này cho HĐND TP. Trong các dự án nhóm A vừa rồi đã được thông qua có dự án đầu tư xây dựng công trình nhà hát giao hưởng.
Ông Phong cho biết dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và cũng được bàn nhiều từ trước, chứ không phải mới đưa ra tại kỳ họp HĐND vừa qua.
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng TP HCM nên dành 1.500 tỉ đồng để đầu tư các công trình phúc lợi cấp bách hơn như bệnh viện, chống ngập, xây cầu đường để giảm kẹt xe..., ông Phong khẳng định các công việc đó với xây nhà văn hóa hoàn toàn khác nhau. TP HCM là trung tâm kinh tế. Từ trước đến giờ, TP đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng giao thông cầu, đường, trường học, bệnh viện... nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể. "Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa" - ông Phong đánh giá.
Từ trước đến giờ, TP HCM đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng giao thông.
|
Người đứng đầu chính quyền TP HCM khẳng định: "Không phải vì đầu tư nhà hát mà TP phải dừng lại các công việc cấp bách nêu trên. Trước giờ, TP vẫn nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TP HCM đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện... nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan".
Ông Phong thông tin thêm Thủ tướng cũng vừa đồng ý cho TP HCM xây 3 bệnh viện tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.664 tỉ đồng. Ba công trình này - vốn đầu tư từ ngân sách của TP HCM - dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2023 nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện.
Mục tiêu đầu tư 3 dự án trên là nhằm xây dựng các bệnh viện hiện đại, chất lượng cao, hình thành các khoa chuyên sâu với thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại để giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành. Điều này cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực có bệnh viện và các vùng lân cận.
Phan Anh
Người Lao động
|