Ngập do lỗi cơ chế
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập kéo dài của TP.HCM hiện nay là do cơ chế.
Chung cư cao cấp cũng “khóc” vì ngập.
Ảnh: Phạm Hữu
|
Cụ thể, TP.HCM không có kế hoạch, phương án phòng chống ngập. Điều này được minh chứng rất rõ thông qua việc “thả cửa” cho bất động sản phát triển ồ ạt, các dự án lấn chiếm kênh rạch mọc lên không có quy hoạch, phát triển đô thị tràn lan tại các khu vực lẽ ra phải được giữ lại làm chỗ thoát nước. TP không có cơ chế khuyến khích người dân tìm đến những nơi thuận lợi để ở, cũng không ràng buộc trách nhiệm đối với nhà đầu tư khi cấp phép xây dựng, yêu cầu doanh nghiệp phải góp tiền đảm bảo hướng thoát nước trong tương lai.
Tiếp đến, nguồn vốn đầu tư cho việc chống ngập cũng không có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Theo ông Phi, tình trạng ngập của TP.HCM không phải mới diễn ra mà đã được các chuyên gia tư vấn Nhật Bản cảnh báo từ cách đây gần 20 năm và dự kiến cần tới 6 tỉ USD mới có thể giải quyết được. Sau này, TP bổ sung một số hạng mục cống, đê bao chống triều nên con số này được đẩy lên 8 tỉ USD. Tuy vậy, TP.HCM không chủ động trong việc thu hút vốn vào các dự án chống ngập, làm theo kiểu giật gấu vá vai, mang từng dự án ra kêu gọi đầu tư một cách manh mún, không có kế hoạch, khiến việc chống ngập trở nên bị động, thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vốn, trễ hẹn. “Ở Hà Lan, họ ghi rõ chi 2% ngân sách 1 năm cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Làm gì thì làm, mỗi năm phải bỏ ra được một khoản cố định cho chống ngập. Phải có cơ chế rõ ràng như vậy mới làm được”, ông dẫn chứng.
Chuyên gia chống ngập này phân tích thêm: Sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM chống mãi không hết ngập. Trung tâm chống ngập là đơn vị được giao phụ trách, xử lý ngập nước trên địa bàn TP nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước, không được chủ động xét duyệt các dự án. Mỗi dự án riêng phần xét duyệt cũng mất ít nhất 6 tháng, có dự án lên tới 3 năm. Đến khi tổ chức triển khai, có tới 3 - 4 đơn vị cùng tham gia như Sở GTVT, Sở NN-PTNT... dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khiến dự án càng chậm. Bên cạnh đó, cơ chế giá cả đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trở thành rào cản muôn thuở của tất cả dự án.
Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định các khu đô thị tại TP.HCM bị ngập hiện nay có nguyên nhân lớn là tình trạng bê tông hóa, cốt nền không chuẩn, rác nghẽn không được xử lý. Điều chỉnh lại mức độ bê tông hóa đô thị, điều chỉnh cốt nền... có thể giảm 80 - 90% ngập đô thị nhưng công tác này đang thực hiện khá chậm, không biết do ai làm, trong khi cần kết hợp nhiều ban ngành. Ông đề xuất UBND TP nghiên cứu nhập các sở liên quan như Sở Xây dựng, Sở GTVT, trung tâm chống ngập, thậm chí Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào làm một. Sở này sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc chống ngập. “Chuyện kẹt xe và chống ngập mà không có tầm nhìn liên ngành thì sẽ rất khó giải quyết. Mạnh ai nấy làm như hiện nay thì hiệu quả không cao”, ông Sơn nói.
H.Mai
Thanh Niên
|