Thứ Năm, 29/11/2018 10:18

SSI Research: Hội nghị G20 sẽ hồi sức cho thị trường mới nổi?

Dù có hy vọng về một kết quả tích cực trong hội nghị G20, SSI Research cho rằng triển vọng của các thị trường mới nổi sẽ không có nhiều thay đổi. Nguyên nhân chính là do tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến thị trường tài chính toàn cầu bước vào giai đoạn khó khăn mà trong thời gian đó, việc đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu của các thị trường mới nổi (EM) sẽ bị hạn chế.

Chứng khoán Mỹ biến động mạnh, dòng vốn trở lại thị trường mới nổi

Theo báo cáo phân tích của SSI Research, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ kể từ đợt sụt giảm đầu tháng 10 đã biến động mạnh hơn hẳn các thị trường mới nổi. Cùng thời gian này, dòng vốn có dấu hiệu bị rút ra ở Mỹ và đổ vào các thị trường mới nổi (EM). SSI Resarch cho rằng diễn biến dòng vốn đang thể hiện sự kỳ vọng, thậm chí là đánh cược vào kết quả tích cực của cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình tại hội nghị G20.

Sau hơn 6 tháng dòng vốn đã bị rút khỏi EM, áp lực rút vốn và các chỉ số giảm điểm kéo dài khiến thị trường dễ nhạy cảm với các tia hy vọng mới. Những phát biểu có phần ôn hòa hơn của Donald Trump và sự chuẩn bị gấp gáp của đại diện hai bên đang tạo ra hy vọng rằng chiến tranh thương mại sẽ có cơ hội chấm dứt, hoặc ít nhất là ngưng leo thang để hai bên có thời gian tìm kiếm các giải pháp mới.

Nếu Mỹ - Trung thực sự đạt được thỏa thuận, hy vọng sẽ được thổi bùng. Rủi ro của các thị trường mới nổi sẽ giảm bớt trong khi rủi ro biến động của TTCK Mỹ gia tăng sẽ làm đảo chiều dòng vốn đang chạy từ EM về Mỹ. Ở kịch bản tích cực này, một một giai đoạn mới, bớt căng thẳng thậm chí là thuận lợi hơn cho EM sẽ mở ra.

Tuy vậy, nếu hai bên Mỹ - Trung không đạt được thỏa thuận, hy vọng cũng như dòng vốn vừa chớm quay lại EM sẽ nhanh chóng tan biến. Điều quan trọng hơn là dù Mỹ - Trung có đạt được thỏa thuận, giới đầu tư vẫn phải rất thận trọng khi đầu tư vào EM.

Kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại và thị trường đang chuẩn bị cho điều này

SSI Research nhận định, TTCK Mỹ đang ở giai đoạn rất nhạy cảm giữa một bên là kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận và một bên là nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm. Gần đây, nhiều số liệu kinh tế của Mỹ không đạt kỳ vọng, trong đó đáng chú ý nhất là lượng đăng ký thất nghiệp lần đầu tăng lên mức cao nhất 4 tháng và chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp hơn so với dự báo.

SSI Research cũng dẫn ra khảo sát hàng tháng của Bank of America Merrill Lynch (BAML) cho thấy các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đang ở mức bi quan nhất từ sau khủng hoảng 2008. Tỷ lệ cho rằng kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng là 85%, cao hơn 11% so với đỉnh gần nhất vào tháng 12/2007. 35% cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tiếp theo, mức cao nhất kể từ khảo sát tháng 11/2008.

Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm liên tục từ mức đỉnh 3.2276% ngày 06/11/2018 xuống mức thấp nhất của tháng là 3.039% ngày 23/11/2018. Biến động lợi tức xảy ra cùng chiều với S&P 500 dù Fed gần như chắc chắn sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 cho thấy giới đầu tư không còn quá quan tâm đến diễn biến ngắn hạn mà đang nhìn nhiều hơn sang năm 2019.

Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, khả năng Fed nâng lãi suất 4 lần như 2018 sẽ khó xảy ra, không những vậy, khoảng cách giữa các lần nâng lãi suất sẽ kéo giãn. Điều này ảnh hưởng đến kỳ vọng lãi suất và làm giảm lãi suất trái phiếu trong tháng 11.

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường phát triển và mới nổi cùng chung cảnh ngộ

Tính từ đầu năm, chỉ số MSCI EM Index giảm 15.4% trong khi S&P 500 tăng 0.3%. Theo nhận định của SSI Research thì không phải yếu tố cơ bản hay triển vọng tích cực mà chính sự mất điểm trong hầu hết thời gian của năm 2018 là lý do giúp MSCI EM Index ít biến động hơn S&P500 trong 2 tháng vừa qua.

Trong 20 năm gần đây, thị trường mới nổi đã trải qua 4 đợt sụt giảm mạnh. Bong bóng internet 2000-2001, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, rủi ro Trung Quốc “hạ cánh cứng” năm 2015 và đợt sụt giảm đang xảy ra, bắt đầu từ tháng 2/2018. Ở cả 4 đợt, MSCI EM Index đều giảm sâu hơn so với  S&P 500 và bù lại là khi thị trường toàn cầu hồi phục, MSCI EM Index lại tăng nhanh hơn. Đây chính là đặc thù “high risk – high return” (rủi ro cao đi kèm với lợi nhuận cao) của các thị trường mới nổi.

Nếu thực sự kinh tế 2019 tăng trưởng chậm lại, chù kỳ giảm giá của thị trường phát triển từ tháng 11 và thị trường mới nổi từ tháng 2/2018 rất có thể sẽ còn tiếp diễn. Với những gì đã diễn ra ở các giai đoạn sụt giảm trước, MSCI EM Index khả năng cao sẽ tiếp tục sinh lợi kém hơn S&P 500.

Ngoài khả năng kém sinh lời trong giai đoạn kinh tế đi xuống, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục đè nặng lên triển vọng EM nói chung. Dù có đạt được thỏa thuận nào đó tại hội nghị G20, sẽ không gì thay đổi được mục đích chiến lược của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc. Tóm lại, dù có hy vọng về một kết quả tích cực trong hội nghị G20, SSI Research cho rằng triển vọng của các thị trường mới nổi sẽ không có nhiều thay đổi. Nguyên nhân chính là do tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến thị trường tài chính toàn cầu bước vào giai đoạn khó khăn mà trong thời gian đó, việc đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu của EM sẽ bị hạn chế.

Dòng vốn vào các thị trường mới nổi dù có tích cực hơn đôi chút trong tháng 11 nhưng không gì có thể đảm bảo dòng vốn ròng vào thị trường sẽ gia tăng hoặc kéo dài. Thậm chí nếu hội nghị G20 diễn ra không như mong đợi, dòng vốn đảo chiều sẽ gây áp lực lớn hơn cho EM trong bối cảnh mức bi quan của giới đầu tư đang lên cao.

EM vì vậy nhìn một cách tổng thể chưa có điểm sáng. Với những quốc gia có câu chuyện riêng biệt, dòng vốn vẫn có thể vào nhưng quy mô sẽ khó đạt được như thời “hoàng kim” cuối 2017, đầu 2018.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng tiền lương toàn cầu thấp nhất trong 10 năm qua (28/11/2018)

>   Dầu suy yếu do lo ngại về nhu cầu và đà tăng của đồng USD (28/11/2018)

>   Vàng thế giới xuống thấp nhất trong hơn 1 tuần khi đồng USD tăng mạnh (28/11/2018)

>   Giá dầu 50 USD/thùng có tác động gì với nền kinh tế toàn cầu? (27/11/2018)

>   Trump đã khuấy đảo thương mại toàn cầu như thế nào (27/11/2018)

>   Goldman Sachs: Dầu và vàng sẽ “cực kỳ hấp dẫn” trong năm 2019 (27/11/2018)

>   Vọt gần 2.5%, dầu WTI ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong 8 tuần (27/11/2018)

>   Vàng thế giới giảm nhẹ khi chứng khoán phục hồi (27/11/2018)

>   Vượt mức 11 triệu thùng/ngày, sản lượng dầu của Ả-rập Xê-út lập kỷ lục mới (26/11/2018)

>   Cuộc họp OPEC thực sự sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20? (25/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật