Sau 1 năm nếm mật nằm gai, thị trường mới nổi sẽ tươi sáng hơn trong năm 2019?
Sau một khởi đầu năm đầy hứng khởi thì nay cổ phiếu tại các thị trường mới nổi lại chuẩn bị ghi nhận năm lao dốc thứ 5 trong thập kỷ vừa qua. Tin đáng mừng là nhiều chuyên gia nhận định “đám mây u tối” đã dần tan biến – ít nhất là một phần nào đó – trong năm 2019.
Năm 2019 có thể chứng kiến “3 sự đảo ngược xu hướng”, trong đó các biện pháp nới lỏng chính sách ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế thứ hai thế giới, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng nâng lãi suất vào giữa năm 2019 (qua đó làm đồng USD suy yếu) và Mỹ-Trung đình chiến thương mại, theo các chiến lược gia tại Morgan Stanley, dưới sự dẫn dắt của Jonathan Garner. Đây là kịch bản có lợi nhất cho cổ phiếu tại các thị trường mới nổi, họ viết trong báo cáo, trong đó nâng bậc khuyến nghị đối với cổ phiếu thị trường mới nổi từ “giảm tỷ trọng” sang “tăng tỷ trọng”.
Việc giảm bớt căng thẳng thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ cực kỳ có ích sau giai đoạn leo thang từ giữa năm 2018 và kèm theo đó là đà giảm của đồng Nhân dân tệ. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp gỡ trực tiếp ở Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần này, một tháng trước khi hàng rào thuế quan mới áp lên hàng hóa của hai bên chính thức có hiệu lực.
Ông Chetan Sehgal, Chuyên gia quản lý quỹ tại Franklin Templeton Investments, Singapore nhận định: “Căng thẳng thương mại là yếu tố chính dẫn tới đà suy yếu của thị trường chứng khoán mới nổi”. Mức độ phận kỳ giữa thị trường mới nổi và Mỹ trong suốt năm 2018 là một điều gì đó rất khó đánh giá khi xét tới tác động tích cực từ các đợt giảm thuế và hồi hương lợi nhuận vè Mỹ sẽ dần tan biến, ông cho hay.
Ông Sehgal cho biết, mức định giá của các thị trường mới nổi đang tiến sát “mức khủng hoảng”, qua đó tạo ra một cơ hội mua vào dài hạn. Các nhà chiến lược thị trường của JPMorgan đang nằm trong số những chuyên gia dự báo chỉ số MSCI Emerging Market Index sẽ tăng, lên mức 1,100 điểm vào cuối năm 2019, cao hơn khoảng 13% so với mức hiện nay. Chỉ số này đã giảm 16% trong năm 2018 – năm giảm mạnh thứ ba kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Các chiến lược gia của JPMorgan cho biết họ ưa chuộng thị trường chứng khoán Nga vì mức định giá hấp dẫn, thích Indonesia vì “tính vững chắc của lợi nhuận” và Brazil và Chile vì thành quả từ “quá trình hoạch định chính sách hợp lý”.
Cổ phiếu của thị trường mới nổi cũng có thể hưởng lợi trong trường hợp Fed tạm ngừng nâng lãi suất. Điều này là do việc Fed nâng lãi suất thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, nâng giá trị đồng USD và khiến các quỹ tháo chạy khỏi thị trường mới nổi. Các nền kinh tế đang phát triển nhìn chung vẫn tăng trưởng ổn định trong năm 2018, đặc biệt ở khu vực Châu Á, nhưng chi phí đi vay tăng cao đã gây tổn thương cho những nước gia tăng vay nợ bằng đồng USD trong những năm gần đây.
Ông Shigeki Sakaki, Trưởng Bộ phận chiến lược tại Nomura Asset Management, cho rằng, việc Fed tạm ngừng nâng lãi suất có thể sẽ khuyến khích một số nhà đầu tư xem xét tới thị trường mới nổi khi mức định giá của thị trường này đã trở nên tương đối rẻ.
Dòng vốn đã trở lại các thị trường mới nổi và nhịp độ ngày càng mạnh lên trong tuần trước khi dòng tiền đổ vào các quỹ ETF niêm yết tại Mỹ đầu tư vào các quốc gia đang phát triển đạt 1.28 tỷ USD, nâng con số tổng của năm nay lên 20.5 tỷ USD, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
Ông Ross Cameron, Giám đốc quỹ Northcape Capital Ltd ở Tokyo, cho rằng yếu tố có tác động quyết định tới các thị trường chứng khoán mới nổi là xu hướng của đồng USD. Ông cũng lên tiếng cảnh báo không nên quá lạc quan về triển vọng Mỹ - Trung đình chiến. Mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục là điểm nóng cần chú ý trong năm 2019.
Các chiến lược gia của JPMorgan cũng xem chiến tranh thương mại là một “ẩn số khó lường”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|