Chứng khoán châu Á trái chiều, giá dầu phục hồi
Thị trường chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều khi nhóm cổ phiếu năng lượng suy giảm sau đà lao dốc gần 8% của giá dầu trong tuần trước.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/11), các thị trường chứng khoán Trung Quốc xóa sạch đà tăng trước đó và quay đầu giảm. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite hạ 0.14% xuống 2,575.81 điểm, còn Shenzhen Composite lùi 0.316% xuống 1,330.92 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 448.5 điểm (tương ứng 1.73%) và đóng cửa ở mức 26,376.18 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 26/11
Nguồn: CNBC
|
Nhà đầu tư đang trông chờ vào cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina) – dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
“Tại thời điểm này, tôi nghĩ Trung Quốc và Mỹ đều bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại này”, David Kuo, CEO của The Motley Fool Singapore, trao đổi trên chương trình “Street Signs” của CNBC trong ngày thứ Hai (26/11).
“Chẳng thể phủ nhận được điều đó”, ông nói. “Tôi nghĩ, tại hội nghị thượng đỉnh G20, họ sẽ ngồi xuống và bàn luận, kiểu như: ‘Hãy để căng thẳng dịu đi đôi chút’”.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0.76% lên 21,812 điểm, còn chỉ số Topix tiến 0.2% lên 1,632.20 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 1.24% lên 2,083.02 điểm.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 giảm 0.78% xuống 5,671.60 điểm, trong đó chỉ số năng lượng hạ 2.46% và lĩnh vực lao dốc 2.47%.
Cổ phiếu của các ông lớn khai khoáng cũng lao dốc vào phiên sáng. Cụ thể, cổ phiếu Rio Tinto rớt 3.56%, còn Fortescue Metals Group hạ 3.99%, BHP Billiton cũng sụt 3.55%. Giá kim loại rớt mạnh trong ngày thứ Sáu (23/11) giữa lúc xuất hiện lo ngại về nhu cầu Trung Quốc suy yếu.
Giá dầu phục hồi
Trong ngày thứ Hai (26/11), hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 1.27% lên 51.06 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai 1.8% lên 59.86 USD/thùng.
Hôm thứ Sáu (23/11), giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Bị bán tháo trong 7 tuần liên tiếp do lo ngại về tình trạng dư cung, các hợp đồng dầu thô tương lai từ mức đỉnh 4 năm lao vào thị trường con gấu.
Cụ thể, khép lại ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex mất 4.21 USD (tương đương 7.7%) còn 50.42 USD/thùng, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 06/07/2015 và đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 09/10/2017, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Tuần qua, hợp đồng này sụt 10.6%, đánh dấu 7 tuần lao dốc liên tiếp.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn lùi 3.80 USD (tương đương 6.1%) xuống 58.80 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên gần 12%.
Đà giảm trong ngày thứ Sáu càng gây áp lực lên OPEC trước cuộc họp giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC ở Vienna vào ngày 06/12/2018 – là thời điểm họ công bố quyết định về chính sách sản lượng dầu.
EU thông qua thỏa thuận Brexit của Theresa May
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày Chủ nhật, cho rằng thỏa thuận mà họ đồng tình với Thủ tướng Anh Theresa May là tốt nhất mà Anh có thể có.
“Những ai nghĩ rằng bằng cách phản đối thỏa thuận này, họ sẽ có thỏa thuận tốt hơn thì sẽ chuốc lấy thất vọng mà thôi”, Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), trao đổi với các phóng viên sau khi 27 nhà lãnh đạo khác của EU chính thước thông qua thỏa thuận Brexit và một bản phác thảo về thỏa thuận thương mại EU-Anh trong tương lai.
Khi được hỏi liệu có khi nào EU sẽ xem xét lại thỏa thuận nếu Quốc hội Anh phản đối thỏa thuận Brexit này hay không, ông Juncker khẳng định “đây là thỏa thuận tốt nhất có thể rồi”.
Tận dụng cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh để quảng bá về kế hoạch, bà May cho biết “đây là thỏa thuận khả thi duy nhất”, đem lại quyền kiểm soát biên giới và ngân sách nước Anh, đồng thời duy trì việc tuân thủ theo các quy định EU – tốt cho doanh nghiệp và an ninh của Anh và châu Âu.
“Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, bạn không thể có mọi thứ bạn muốn. Tôi nghĩ người dân Anh hiểu được điều đó”, bà May nhận định.
Quyết định của Quốc hội Anh sẽ mở ra cánh cửa tới một “tương lai sáng lạng hơn” hay sẽ đẩy quốc gia vào cảnh chia rẽ nhiều hơn, bà cho biết. “Tôi sẽ biện hộ cho thỏa thuận này với tất cả trái tim”, bà nói thêm, cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu bà có từ chức nếu Quốc hội Anh phản đối thỏa thuận hay không.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|