Sàn UPCoM có ‘chiến mã’ nào?
Các cổ phiếu trên sàn UPCoM thường kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn các cổ phiếu trên sàn HNX và HOSE. Tuy nhiên, sàn UPCoM vẫn có những doanh nghiệp có hiệu quả sinh lời khá tốt, với 84 doanh nghiệp có chỉ số ROE 4 quý gần nhất (tính đến ngày 30/09/2018) trên 15%, theo thống kê của Vietstock.
Trong số doanh nghiệp nói trên, có 8 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 3/2018 so với cùng kỳ năm trước từ 25-100%, 9 doanh nghiệp có mức tăng LNST quý 3 so cùng kỳ từ 100-1,000%, đặc biệt có doanh nghiệp có mức tăng trưởng LNST quý 3 so cùng kỳ gần 3,900%.
Những doanh nghiệp có mức tăng LNST quý 3 ấn tượng
Trong quý 3, CTCP Nhựa Việt Nam (UPCoM: VNP) có mức tăng trưởng LNST cao nhất gần 3,900% so cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu thuần (DTT) quý 3 lại giảm 18% so cùng kỳ. Mặc dù LNST quý 3 tăng mạnh nhưng con số tuyệt đối chỉ hơn 11.8 tỷ đồng, số cùng kỳ rất thấp là 0.3 tỷ đồng. Trong báo cáo giải trình, công ty cho biết LNST quý 3 của BCTC hợp nhất tăng so cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận gộp bán hàng tăng, trong khi các khoản chi phí như chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, mặc dù DTT của VNP tăng hơn 8% nhưng LNST lại giảm gần 49% so cùng kỳ. Điều này có thể giải thích là vì năm 2017, VNP có khoản thu nhập khác gần 85 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng tòa nhà tại Hà Nội. Chính vì vậy, giá cổ phiếu VNP chỉ tăng hơn 4% trong năm vừa qua tính đến hết ngày 16/11/2018.
Hai doanh nghiệp có mức tăng LNST quý 3 cao tiếp theo là CTCP Cơ khí Đông Anh LICOGI (UPCoM: CKD) và CTCP Phát triển Đô thị (UPCoM: UDJ) với mức tăng so cùng kỳ lần lượt là 454% và 450%. Trong 9 tháng đầu năm, LNST của CKD và UDJ cũng tăng mạnh, lần lượt gần 226% và 270% so cùng kỳ.
Trong quý 3, mặc dù DTT của CKD giảm nhẹ 3.6% so cùng kỳ nhưng doanh thu hoạt động tài chính lại tăng gần 59 tỷ đồng, trong khi các chi phí giảm, vì vậy tổng doanh thu và LNST vẫn tăng so cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, DTT giảm hơn 6%. Giá cổ phiếu CKD chỉ tăng gần 4% trong năm vừa qua.
Với UDJ, DTT quý 3 và 9 tháng đều tăng mạnh, lần lượt trên 236% và 103%. Chỉ sau 9 tháng đầu năm, công ty đã vượt kế hoạch DTT và LNST đề ra cho cả năm, lần lượt là 7.6% và 2.3%. Lý giải cho sự tăng trưởng trên, UDJ cho biết trong quý 3/2018, công ty đã bán được sản phẩm mới từ dự án nhà ở công nhân, trong khi cùng kỳ chưa có sản phẩm này và chỉ bán sản phẩm tồn kho nên dẫn đến chênh lệch lớn. Vào thời điểm kết thúc quý 3/2018, công ty có vốn chủ sở hữu gần 194 tỷ đồng và không có nợ vay tài chính. Trong 1 năm qua tính đến hết ngày 16/11, giá cổ phiếu UDJ đã tăng gần 61%.
Kết quả kinh doanh UDJ
Cổ phiếu nào mới là ‘chiến mã’?
Trong 1 năm vừa qua tính đến hết ngày 16/11, thị trường chứng khoán (TTCK) đầy biến động với nhiều đợt giảm mạnh, nhưng vẫn có 10 doanh nghiệp trong số doanh nghiệp kể trên có thị giá cổ phiếu tăng trên 10%, cao hơn lãi suất ngân hàng khoảng 7%/năm.
Các cổ phiếu tăng giá trên 100% có CTCP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (UPCoM: BWS) - tăng trên 201%, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) - tăng trên 105%.
Trong quý 3 và 9 tháng đầu năm, DTT của BWS chỉ tăng nhẹ so cùng kỳ, lần lượt gần 4% và hơn 5%. Tuy nhiên, LNST lại tăng mạnh so cùng kỳ, hơn 68% trong quý 3 và gần 39% trong 9 tháng. Giải trình LNST quý 3 tăng, BWS cho biết nguyên nhân do doanh thu tăng, trong khi giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.
Trong khi đó, DTT quý 3 và 9 tháng của MCH tăng gần 30% và 33%, LNST quý 3 và 9 tháng tăng hơn 49% và 96% so cùng kỳ.
Các cổ phiếu tăng giá trên 50% ngoài UDJ có CTCP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (UPCoM: TTN) và CTCP Thủy điện Quế Phong (UPCoM: QPH).
Điều lưu ý đối với cổ phiếu UPCoM là một số cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp.
Gia Nghi
FILI
|