Reuters: Đề xuất của Trung Quốc khó lòng tạo ra bước đột phá về thương mại
Việc Trung Quốc gửi văn bản trả lời các yêu cầu của Mỹ về cải cách thương mại khó mà tạo ra một bước đột phá tại cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào cuối tháng này. Đây là nhận định của một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Donald Trump trong ngày thứ Năm (15/11).
Hôm qua (14/11), Reuters ghi nhận Bắc Kinh đã gửi văn bản trả lời các yếu cầu của Mỹ về các cam kết cải cái thương mại.
Đây là một tín hiệu tốt khi Bắc Kinh đã viết ra câu trả lời sau nhiều tháng từ chối làm vậy, vị quan chức giấu tên này cho biết.
Tài liệu của Trung Quốc bao gồm 142 mục chia thành 3 danh mục: Các vấn đề Trung Quốc sẵn lòng thương lượng, các vấn đề họ đang xử lý và các vấn đề mà họ cho là vượt quá giới hạn.
Vị quan chức này nói thêm, các mục nằm trong danh sách không thể thương lượng của Bắc Kinh là không thể chấp nhận được đối với Mỹ và danh mục tổng thể cần phải được xem xét với sự hoài nghi, một phần là vì Trung Quốc trước đó đã đưa ra các cam kết về cải cách kinh tế và thương mại nhưng lại không thực hiện.
Ông dẫn ra một ví dụ về một đề xuất của Trung Quốc trong quá khứ là nới lỏng giới hạn sở hữu của các công ty Mỹ tại các công ty Trung Quốc và cho biết Trung Quốc không thể thông qua các giấy phép cho các công ty Mỹ.
Các quan chức Mỹ vẫn còn đang nghiên cứu danh sách trên.
Khi hội nghị thượng đỉnh G20 chỉ còn cách 2 tuần nữa, vị quan chức này hạ thấp kỳ vọng hai bên sẽ đạt được bước đột phá về các vấn đề thương mại trong suốt cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Tập ở Argentina vào cuối tháng 11/2018.
Theo vị quan chức này, kịch bản tốt nhất có thể là cả hai nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục trao đổi và tuyên bố vấn đề thương mại đang dịch chuyển theo chiều hướng tốt hơn.
Vẫn còn quá sớm để kết luận liệu đề xuất của Trung Quốc có đủ để Mỹ ngừng nâng thuế quan vào đầu năm 2019 hay không, ông cho hay.
Cho tới nay, chính quyền Mỹ đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ một loạt các yêu cầu của Mỹ liên quan tới hoạt động giao thương hai bên. Đáp lại, Trung Quốc đánh thuế lên hàng hóa Mỹ.
Mức thuế 10% của hàng rào thuế quan 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ tăng lên 25% từ ngày 01/01/2019. Ông Trump cũng đã đe dọa sẽ áp đặt thuế nhập khẩu lên tất cả hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 267 tỷ USD nếu Bắc Kinh không giải quyết các đòi hỏi của Mỹ về thương mại.
Ông Trump – người nói rõ ông xem trọng mối quan hệ với ông Tập – và một số thành viên thuộc chính quyền Mỹ đã thể hiện sự lạc quan trong các tuyên bố công khai gần đây về khả năng tiến tới một thỏa thuận.
Một nguồn tin khác cho biết, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên vẫn chưa tiến triển như những tuyên bố tích cực gần đây thể hiện.
Người này cho biết, một phương án lựa chọn ở đây sẽ là Washington trì hoãn nâng thuế quan và đổi lại Trung Quốc sẽ thực hiện một số động thái ngắn hạn, trong lúc cả hai bên thương lượng về những vấn đề dài hạn khó nhằn hơn.
Các cố vấn kinh tế của ông Trump tiếp tục đưa ra các quan điểm khác nhau về Trung Quốc.
Peter Navarro – Cố vấn thương mại của ông Trump và người ủng hộ các biện pháp hà khắc với Trung Quốc – đã bị ông Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, khiển trách công khai vì những nhận định gần đây, trong đó ông kêu gọi Phố Wall không can thiệp về vấn đề này.
Bất chấp điều trên, ông Navarro tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách thương mại tại Nhà Trắng, vị quan chức thuộc chính quyền Mỹ cho biết.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|