Nghịch lý: Nhân tài quốc gia “rũ áo ra đi”, chuyên gia nước ngoài mong tìm tới!
Không biết, những người Việt từng quay lưng với chính đất nước mình và chê bai đất nước nghèo nàn không biết trọng dụng nhân tài sẽ nói gì khi thấy những con số này?
Cơ quan nghiên cứu của Ngân hàng HSBC vừa giới thiệu bản báo cáo Khảo sát Chuyên gia nước ngoài (Expat Explorer) lần thứ 11. Theo đó, khi làm việc tại Việt Nam tiết lộ mức lương trung bình hàng năm mà họ kiếm được khoảng 90.408 USD, trong đó 31% số người được khảo sát cho biết thu nhập của họ tăng từ 25% trở lên mỗi năm.
Đáng chú ý, HSBC cho biết, Việt Nam tuy không phải có thu nhập tuyệt đối cao nhưng chuyên gia ở đây lại tiết kiệm được nhiều hơn. Cụ thể, có gần ba phần tư (72%) chuyên gia nói rằng việc chuyển đến Việt Nam giúp họ tiết kiệm được nhiều hơn, trong khi 72% cũng đồng ý rằng họ có thu nhập khả dụng nhiều hơn so với khi làm việc ở quê nhà, đây là mức đứng đầu trên thế giới.
Các chuyên gia nước ngoài tiết lộ mức lương trung bình của họ tại Việt Nam khoảng 90.408 USD/năm
|
Những lý do hàng đầu được liệt kê bao gồm: Tìm kiếm thử thách mới (26%), thăng tiến nghề nghiệp (26%) và cải thiện chất lượng cuộc sống (24%). Với tất cả những nguyện vọng này, gần một nửa (47%) chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến thích hợp để phát triển nghề nghiệp.
Không biết, những người Việt từng quay lưng với chính đất nước mình và chê bai đất nước nghèo nàn không biết trọng dụng nhân tài sẽ nói gì khi thấy những con số này?
Rõ ràng, những con số khảo sát nêu trên đều là những con số biết nói. Nó đã, đang và sẽ khẳng định môi trường làm việc tại Việt Nam hoàn toàn không tồi tệ như những gì mà người ta vẫn hay định kiến. Nói Việt Nam không trọng dụng nhân tài ư? Vậy sao nhân tài nước ngoài họ vẫn đang đổ xô đến Việt Nam để làm việc với mức lương khủng và ưu đãi đặc quyền?
Hầu hết các chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ tìm những công việc như tư vấn, giám sát cho các dự án quốc gia; tư vấn, giám sát, vận hành hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp… Nhìn chung, các công việc ấy đều mang tính thực tiễn và đều hướng đến giải quyết các vấn đề cấp thiết của sự phát triển hạ tầng quốc gia, tăng cường lực lượng sản xuất vật chất…
Không thể phủ nhân, trong khu vực công, môi trường để người trẻ phát huy tài năng ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Bởi, trong một cơ quan hay tổ chức, để làm được bất cứ việc gì thì thường phải qua những quy trình rất phức tạp. Nhiều khi quy trình bày ra chỉ để kiểm soát, chứ không phải để hỗ trợ. Khi bổ nhiệm chức vụ thường phải quy hoạch, cơ cấu nhân sự, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chính trị này khác mà trên thực tế, không liên quan gì đến công việc.
Để khắc phục bất cập đó, chỉ có cải cách cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm công chức theo hướng minh bạch, chỉ dựa trên năng lực thì mới có thể thu hút được người tài vào khu vực công. Chẳng hạn khi bổ nhiệm vị trí lãnh đạo trong hệ thống cơ quan hành chính, việc tuyển dụng, thi tuyển phải công khai, minh bạch, chỉ căn cứ trên năng lực chuyên môn và hiệu quả làm việc, chứ không nên căn cứ là người trong Đảng hay ngoài Đảng, hay là sắp xếp gửi gắm theo kiểu “con ông cháu cha”.
Nói vậy, chúng ta cũng có thể hiểu, toàn bộ những tiêu cực được đưa ra trong quá khứ về việc tuyển dụng nhân tài tuy vẫn có, nhưng không phải là tất cả và nó chỉ tồn tài ở trong môi trường công – biên chế nhà nước.
Đất nước cần cấp thiết phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, mà những dự án lớn, những công trình quốc gia, nhưng nền kinh tế mũi nhọn cần các chuyên gia tiên tiến nhất. Với chính sách, đãi ngộ hợp lý, chuyên gia nước ngoài tìm đến Việt Nam như là lẽ tất nhiên.
Nhưng, cũng khách quan mà nói, Việt Nam đã, đang và không hề đuổi đánh nhân tài nước nhà đi. Cái quan trọng là nhân tài quốc gia của chúng ta thực lực thực tế ở đâu, thể hiện như thế nào mới là điều đáng nói!
Sông Hàn
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|