Cần ưu tiên đầu tư cho TP.HCM
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM diễn biến ngày càng phức tạp. Hầu như toàn bộ hệ thống cửa ngõ dẫn vào trung tâm liên tục ùn ứ, ngay cả trong giờ thấp điểm.
Chính hạ tầng giao thông yếu kém đã kéo giảm rất nhiều tốc độ phát triển kinh tế của TP, cản trở phát triển du lịch, tăng chi phí logistics, ngập lụt, kẹt xe kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Trước tình trạng cấp bách, mới đây, UBND TP đã phải ban hành Quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn TP, kỳ vọng đến năm 2020 có thể bổ sung khoảng 190 km đường bộ, đưa vào sử dụng 46 cây cầu, giúp TP.HCM phần nào thoát khỏi tình trạng kẹt xe trầm trọng. Kế hoạch “khủng” chưa biết thực hiện đến đâu nhưng thực tế, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm của TP hiện không chậm tiến độ thì cũng nằm chờ, chưa hẹn ngày triển khai.
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020, TP sẽ có 6 đường cao tốc với tổng chiều dài 310 km nhưng đến nay, mới chỉ hoàn thiện 2 đường 113 km; 8 tuyến metro nhưng mới chỉ có 1 tuyến đang chật vật xây dựng, chưa biết có về đích đúng hẹn 2020 được không. Rồi hệ thống đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt một ray, đường trên cao… cũng chưa đường nào được xây dựng.
Hệ thống 3 đường vành đai được đánh giá là xương sống của mạng lưới giao thông, TP.HCM sốt sắng muốn triển khai nhưng vẫn phải chờ cơ chế. Trong đó, dự án khép kín đường vành đai 2 đang phải nằm chờ vì theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để triển khai thống nhất chung trên toàn địa bàn TP, các dự án kêu gọi xã hội hóa chỉ có thể tiếp tục triển khai sau khi TP ban hành quy trình. Ngay cả đối với tuyến đường vành đai 3, muốn sử dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM cũng phải ngồi chờ Chính phủ “gật đầu”.
Một cán bộ thuộc UBND TP thông tin thêm, dù đã được trao cơ chế đặc thù cả năm nay nhưng nhiều dự án thuộc nhóm A trung ương đang duyệt thì TP cũng không được “đụng vào”.
Có thể thấy những khó khăn trong triển khai các dự án trọng điểm của TP thời gian qua là hệ quả giữa 2 thách thức đối nghịch trong quản lý nhà nước. Theo đó, từng có xu hướng buông lỏng cơ chế đầu tư tại một số địa phương một thời gian. Khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng, mất kiểm soát, tạo gánh nặng cho quốc gia thì bắt đầu siết lại. Nhưng khi siết lại siết chặt quá, khiến những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội cần không gian rộng để phát triển lại bị bó, nảy sinh trục trặc.
Bên cạnh đó, theo nhận định của TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia về kinh tế học đô thị và chính sách công, Chính phủ chưa có chiến lược rõ ràng đối với từng địa phương để xây dựng chính sách, cơ chế tập trung. Luôn xác định TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng thực chất lại chưa có ưu tiên, trao cơ chế đặc thù nhưng vẫn ràng buộc, khiến TP trở nên bị động.
H.Mai
Thanh Niên
|