Thủ tướng: "Chủ quan thì có thể không đạt mục tiêu"
Thủ tướng yêu cầu có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng ...
"Tôi cảnh báo rằng, nếu chủ quan thì có thể không đạt được chỉ tiêu. Như ngành nông nghiệp, đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD trong khi mục tiêu đặt ra năm 2018 là 40 tỷ USD mà chỉ còn 2 tháng nữa, các đồng chí phấn đấu như thế nào khi giá cả nhiều mặt hàng nông sản đang còn nhiều vấn đề".
Phát biểu chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông kết luận phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, ngày 3/11.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước để kiểm soát lạm phát, điều tiết phù hợp các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa.
|
Kế hoạch 2019 phải căn cơ, rõ nét
Phát biểu kết luận phiên họp, đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, Thủ tướng cho rằng, tình hình chuyển biến tích cực, kết quả tốt hơn cùng kỳ năm trước. Điều này càng củng cố thêm dự báo sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao năm 2018. Tuy nhiên, Thủ tướng cảnh báo, nếu chủ quan thì có thể không đạt được chỉ tiêu.
Trước đó, trong phần thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam.
"Bên cạnh kế hoạch 2018, cần chuẩn bị cho kế hoạch 2019 một cách căn cơ, rõ nét hơn. Điều này đòi hỏi các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, thực hiện hiệu quả hơn nữa các mục tiêu đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề cập đến việc xây dựng Nghị định thực hiện Luật An ninh mạng một cách công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, thậm chí mời một số cơ quan, tổ chức có liên quan để đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó là một số văn bản quy phạm pháp luật khác cần triển khai, điều chỉnh thuộc các ngành giáo dục, y tế, ngân hàng…
Thủ tướng nhấn mạnh tháo gỡ thể chế lạc hậu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân là động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay.
"Không tăng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm"
Về nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước để kiểm soát lạm phát, điều tiết phù hợp các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa. Hết sức lưu ý điều hành giá xăng dầu, giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương chuẩn bị xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019, nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra giải pháp, đối sách phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Bộ Tài chính chú trọng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp phù hợp, kịp thời để phát triển hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới. Rà soát, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bộ Xây dựng nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh... Chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Hoàn thiện Đề án "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh", trình Thủ tướng trong quý IV/2018.
Bộ Giao thông Vận tải rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của ngành như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... Xử lý dứt điểm và hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ…
Nguyên Hà
vneconomy
|