Ngân hàng tăng vốn: Cuộc đua không hồi kết?
Vạch đích 2018 đang dần hiện rõ khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc. Kế hoạch lợi nhuận đang theo đúng tiến độ đi cùng với kế hoạch cho vay và huy động vốn. Thế nhưng kế hoạch tăng vốn đã đi như thế nào khi thời hạn áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN đang cận kề?
Theo công bố trong mùa ĐHĐCĐ 2018 của hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Nếu như thời điểm bán niên 30/06/2018 chỉ có 4/27 ngân hàng công bố điều chỉnh thì tính đến 30/09/2018, theo báo cáo tài chính quý 3 của 27 ngân hàng đã công bố có 11/27 ngân hàng điều chỉnh vốn điều lệ tăng so với đầu năm. Các ngân hàng điều chỉnh tăng gồm Techcombank (TCB), VPBank (VPB), MBB, OCB, LPB, ACB, TPBank (TPB), SHB, BacABank (BAB), NamABank và KLB.
TCB, TPB và MBB hoàn thành kế hoạch tăng vốn 2018
Ngày 05/10/2018 vừa mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của TPBank từ hơn 6,718 tỷ đồng lên mức hơn 8,566 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, TPBank được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Trước đó, vào tháng 8/2018, NHNN đã có quyết định chấp thuận tăng vốn điều lệ của nhà băng từ 5,842 tỷ đồng lên 6,718 tỷ đồng, tăng thêm 876 tỷ đồng thu được từ việc phát hành riêng lẻ 87.6 triệu cổ phiếu trong tháng 6.
Việc phát hành thêm gần 185 triệu cổ phiếu lần này, tương đương 28% số cổ phần hiện hữu, và như vậy TPBank cũng đã hoàn thành được kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2018 đã đề ra.
Cũng hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm nay, Techcombank cũng đã hoàn thành bước cuối cùng trong quá trình tăng vốn lên 34,966 tỷ đồng bằng việc phát hành hơn 2.3 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chính thức sửa đổi số vốn điều lệ trên giấy phép kinh doanh.
Trước đó, ngày 15/8/2018, NHNN) đã có Quyết định về việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động của MBB. Theo đó, vốn điều lệ MBB sẽ tăng từ 18,155 tỷ đồng lên gần 21,605 tỷ đồng.
Được biết, đợt tăng vốn thêm 3,450 tỷ đồng của MBB là từ đợt phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2/2017 với tỷ lệ 5% (90.7 triệu cổ phiếu) và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14% (254 triệu cổ phiếu). Gần 345 triệu cổ phiếu này đã được niêm yết ngày 1/8 và chính thức giao dịch vào ngày 15/8.
Như vậy tính đến 30/09/2018 có 3 ngân hàng đã thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ đề ra trong năm 2018 là Techcombank, MBB và TPBank.
Có tăng… nhưng chưa đủ
Ngày 28/5/2018, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ từ 15,706 tỷ đồng lên gần 25,300 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank thông qua.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ của VPBank được chia thành 5 đợt gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng; phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP); mua cổ phiếu quỹ và sử dụng cổ phiếu quỹ chia cổ phiếu thưởng; phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và nhagoài nước; chia cổ phiếu thưởng từ thặng dư vốn. Theo kế hoạch này, vốn điều lệ của VPBank tăng lên mức tối đa là 27,800 tỷ đồng.
Ngày 28/06/2018, NHNN cũng chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ từ 5,000 tỷ đồng lên gần 6,700 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 14.2% cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối và phát hành thêm 20.5% cổ phần cho cổ đông hiện hiện hữu.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 800.5 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cồ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo đề nghị của OCB (tăng vốn điều lệ đợt 2).
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ 2018, LienVietPostBank (LPB) đã trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2018 bằng việc phát hành thêm 286.8 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,868 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên Ngân hàng để tăng vốn điều lệ từ gần 7,500 tỷ đồng lên hơn 10,368 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của LPB tăng từ mức 6,460 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 7,500 tỷ đồng tại ngày 30/09/2018 là do LPB chào bán 104 triệu cổ phiếu phổ thông với mệnh giá là 10,000 đồng/cp. Trong đó, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là 38.76 triệu cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu là 32.95 triệu cổ phiếu và phát hành cho người lao động là 32.29 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị đợt phát hành và chào bán này là 1,040 tỷ đồng.
Năm 2018, SHB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 1,200 tỷ đồng, lên mức 13,240 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10%. Đầu tháng 3 vừa qua, SHB đã thực hiện kế hoạch tăng vốn lên hơn 12,036 tỷ đồng bằng việc trả 7.5% cổ tức cũng bằng cổ phiếu.
ĐHĐCĐ 2018 của NamABank vừa qua cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng, từ mức 3,021 tỷ đồng hiện nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 1,978 tỷ đồng bằng hai phương án: Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 11%, tổng số tiền tăng vốn là 332 tỷ đồng; thứ hai, phát hành cổ phiếu phổ thông với lượng chào bán là hơn 164.6 triệu cổ phần với giá không thấp hơn mệnh giá, dự kiến thu về 1,646 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu (dự kiến 906 tỷ đồng); cán bộ nhân viên Ngân hàng (dự kiến hơn 45 tỷ đồng) và phát hành ra bên ngoài (khoảng 695 tỷ đồng). Trong báo cáo tài chính quý 3 vừa qua, NamABank đã hạch toán tăng thêm 332 tỷ đồng vốn điều lệ theo phương án thứ nhất.
Hay như gần đây nhất là trường hợp của VIB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ năm 2018 vào ngày 28/10/2018 vừa qua. Theo đó, vốn điều lệ của VIB được tăng từ mức 5,644 tỷ đồng hiện nay lên 7,834 tỷ đồng, với việc cổ đông hiện hữu được chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 41.13% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy dù được chấp thuận tăng vốn, VIB vẫn chưa thực hiện đủ kế hoạch 8,100 tỷ đồng trong năm 2018.
Biểu đồ vốn điều lệ của các ngân hàng tính đến ngày 30/09/2018 (Đvt: Tỷ đồng)
|
Kế hoạch tăng vốn được các ngân hàng xác định ngay đầu năm và thông qua vào đại hội cổ đông thường niên. Mỗi ngân hàng có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các phương thức để thực hiện việc tăng vốn như trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cổ phiếu, mua bán sáp nhập.
Ngân hàng Bắc Á, LienVietPostBank, MBBank, VietBank, NCB, Kienlongbank lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. SeABank, SHB lại dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Như trường hợp của HDBank (HDB) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 22%, lên 11,972 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong khi VIB cũng kết hợp hình thức phát hành riêng lẻ cổ phiếu tối đa 10% vốn điều lệ (56 triệu cp) và chia cổ phiếu thưởng với mức tối đa 245 triệu cp để tăng vốn. Năm 2018, VietBank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 1,000 tỷ đồng, từ 3,249 tỷ lên 4,256 tỷ đồng thông qua hoạch phát hành hơn 100.7 triệu cp, trong đó phát hành cho cổ đông hiện hữu khoảng 91 triệu cp (tỷ lệ 28%), còn lại 9.75 triệu cp phát hành cho cán bộ nhân viên (ESOP). NCB cũng kế hoạch tăng vốn lên hơn 5,000 tỷ đồng trong năm 2018 với sự tham gia của các đối tác nước ngoài.
Kế hoạch thì nhiều và năm 2018 cũng gần kết thúc nhưng các nhà băng này vẫn chưa có động thái nhắc đến, các chỉ tiêu vẫn là con số nằm trên giấy.
Vốn điều lệ của các ngân hàng tính đến ngày 30/09/2018 (Đvt: Tỷ đồng)
|
Cuộc đua tăng vốn sẽ vẫn tiếp diễn
Nếu áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN thì tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng tối thiểu 8%. Nếu ngân hàng không tăng được vốn thì sẽ tác động mạnh đến kế hoạch tăng trưởng của nhà băng, của nhóm cũng như của toàn ngành.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay và đầu tư thường xuyên tăng cao, làm cho tỷ lệ an toàn vốn giữa vốn tự có so với tài sản có rủi ro quy đổi ngày càng giảm xuống. Do đó quy mô hoạt động ngân hàng càng tăng, dư nợ cho vay tăng cao, thì vốn điều lệ cũng phải tăng cao.
Hơn nữa, theo Quyết định 888/2005/QĐ-NHNN, ngày 16/6/2006 của Thống đốc NHNN, một trong số các điều kiện để mở chi nhánh của tổ chức tín dụng là số vốn điều lệ hiện có trừ đi số vốn pháp đinh tối thiểu, thì mỗi chi nhánh bình quân phải có 20 tỷ đồng. Do đó ngân hàng muốn phát triển kinh doanh, mở rộng chi nhánh mới, tất nhiên phải tăng thêm vốn điều lệ.
Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng không được đầu tư quá 50% số vốn điều lệ vào tài sản cố định. Để hiện đại hoá và mở rộng trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch; điều kiện cơ sở vật chất khác,... các ngân hàng cần phải thường xuyên tăng vốn điều lệ.
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (2010), một ngân hàng thương mại không được cho một khách hàng vay vốn vượt quá 15% số vốn chủ sở hữu, trong khi quy mô vốn của mỗi dự án ngày càng lớn. Thêm một lý do nữa để các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Hơn hết, trong giai đoạn cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt thị trường như hiện nay, thì việc thường xuyên tăng thêm vốn điều lệ không chỉ là yêu cầu khách quan theo quy định của pháp luật và phát triển kinh doanh của ngân hàng mà còn giúp dịch chuyển luồng vốn trên thị trường chứng khoán ở nhóm cổ phiếu này.
Cát Lam
FILI
|