Thứ Ba, 20/11/2018 11:07

Vì sao chưa nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 100 triệu đồng?

Theo thống kê, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số cử tri Tiền Giang kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 21 năm 2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo hướng nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Vì mức bảo hiểm hiện này quá thấp so với số tiền họ gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng.

Trả lời cử tri, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ tháng 6-2017, Chính phủ đã có quyết định 21 nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ mức 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Việc quy định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được xem xét trên cơ sở năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; quy mô tiền gửi và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Thống đốc dẫn lại các thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế cho rằng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền) nhưng phải bảo đảm có một tỉ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường). Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỉ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể.

Bảo hiểm tiền gửi hiện đang áp dụng ở mức 75 triệu đồng cho một người gửi tiền tại tổ chức tín dụng. Ảnh: NLĐ

Thống kê của NHNN, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế.

Vì sao không nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 100 triệu đồng? Lý giải của NHNN, để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. NHNN sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép.

Ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại Luật phá sản.

Chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín phân tích nghĩa vụ về bảo hiểm tiền gửi phát sinh khi có tổ chức tín dụng phá sản. Và đến thời điểm hiện tại, phá sản là giải pháp cuối cùng trong các phương án tái cơ cấu của NH thương mại, chủ trương phá sản chỉ được xem xét cuối cùng sau khi các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.

"Đến thời điểm này, cách thức điều hành của Chính phủ và NHNN là áp dụng nhiều giải pháp, phương án tái cơ cấu NH thương mại nên chưa mang tính cấp thiết cho việc nâng hạn mức bảo hiểm từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Nếu tăng hạn mức bảo hiểm sẽ làm tăng chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng, từ đó có thể tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất, làm tăng lãi suất cho vay và gánh nặng chi phí lên thị trường" – TS Bùi Quang Tín nói.

Thống đốc NHNN khẳng định quan điểm xuyên suốt của nhà nước là phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống NH, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Quan điểm này cũng đã được thể hiện rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua.

Thái Phương

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu (20/11/2018)

>   HDB đã nộp thuế truy thu 1.4 tỷ đồng (20/11/2018)

>   Tỷ giá USD giảm nhẹ, giá vàng bật tăng trở lại (19/11/2018)

>   Sacombank ngừng cấp mã PIN giấy và mở rộng kênh cho khách hàng chủ động quản lý thẻ (19/11/2018)

>   TPBank góp phần hiệu quả vào hiện thực mục tiêu quốc gia khởi nghiệp (19/11/2018)

>   Tích điểm khi chi tiêu với thẻ tín dụng PVcomBank Mastercard (19/11/2018)

>   Cho vay nặng lãi núp bóng dịch vụ xóa nợ xấu (19/11/2018)

>   Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng (19/11/2018)

>   Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải: Đủ công cụ xử lý nợ xấu (18/11/2018)

>   Cẩn trọng với dịch vụ xóa nợ xấu (16/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật