Góc nhìn 23/11: Đóng vị thế ngắn hạn
Các công ty chứng khoán (CTCK) đều khuyên nhà đầu tư nên xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu. SHS khuyên nhà đầu tư canh giảm tỷ trọng cổ phiếu trước ngưỡng 930 điểm, KBSV cho rằng nên tận dụng nhịp hồi để đóng các vị thế ngắn hạn.
Canh giảm tỷ trọng cổ phiếu trước ngưỡng 930 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index duy trì được đà tăng lên phiên 22/11 – phiên thứ 5 liên tiếp với nền tảng thanh khoản vẫn dưới trung bình 20 phiên. Theo đánh giá của SHS, điều này cho thấy việc giá tăng vẫn chưa thể lôi kéo được dòng tiền lớn quay trở lại thị trường.
Cùng với đó, trên thị trường phái sinh, chênh lệch giữa các HĐTL VN30 với chỉ số VN30 bị nới rộng ra trong phiên hôm nay 22/11, qua đó, SHS nhận định tâm lý nhà đầu tư vẫn còn hết sức thận trọng và mang màu sắc bi quan nhiều hơn.
SHS cũng cho biết, với việc thị trường chứng khoán Mỹ sẽ nghỉ lễ Phục sinh và không giao dịch trong hai ngày cuối tuần thì đây sẽ là cơ hội để thị trường Việt Nam thể hiện xu hướng thực sự khi nhà đầu tư sẽ không cần theo dõi diễn biến chứng khoán Mỹ để ra quyết định nữa.
Theo quan sát của SHS, mô hình hai đáy trên VN-Index đang dần được hoàn thiện và điểm break khỏi ngưỡng 930 điểm sẽ là điểm mua lý tưởng theo như lý thuyết của phân tích kỹ thuật. Qua đó, SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần 23/11, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với kháng cự gần nhất tại 930 điểm tương ứng với vùng đỉnh ngắn hạn của thị trường. Từ luận điểm đó, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục canh những nhịp hồi phục lên gần ngưỡng 930 điểm để bán giảm tỷ trọng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nếu có tỷ trọng tiền mặt cao cũng chưa nên vội vàng và chỉ nên cân nhắc giải ngân nếu như thị trường có phiên break thành công ngưỡng 930 điểm với thanh khoản tốt.
Tận dụng nhịp hồi để đóng vị thế ngắn hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Theo KBSV, trong phiên 22/11, vùng cân bằng ngắn hạn của thị trường tiếp tục được củng cố với thanh khoản duy trì ở mức thấp và biên độ biến động hẹp ở hầu hết các cổ phiếu. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu tài chính đã có dấu hiệu suy yếu, đặc biệt là các cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt đảo chiều giảm giá cuối phiên 22/11.
Mặc dù thị trường đang giao dịch trong vùng cân bằng ngắn hạn, tuy nhiên điều KBSV lo ngại là vùng cân bằng này lại nằm trong xu hướng giảm trung hạn. Vì vậy, KBSV nhận định rằng rủi ro thị trường có thể biến động bất ngờ theo hướng tiêu cực vẫn đang có khả năng cao hơn. Qua đó, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi trong những phiên sắp tới để tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục.
Chọn những cổ phiếu thanh khoản cao
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Trong phiên sáng 22/11, chỉ số VN-Index biến động và tăng điểm với lực mua mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechips như VNM, MSN, GAS và SAB. Kết thúc giao dịch phiên chiều 22/11, chỉ số tăng điểm nhẹ so với phiên 21/11. Cổ phiếu VHM dẫn đầu kéo thị trường tăng điểm. Tuy nhiên, GAS quay đầu bán ròng so với phiên sáng 22/11 và lực bán tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng: VCB, CTG, BID và TCB.
Chiều nay 22/11, phiên đấu giá bán cổ phần Vinaconex do SCIC sở hữu diễn ra, kết quả Công ty TNHH An Quý Hưng trúng thầu với giá 28,900 đồng/cp, cao hơn 56.2% so với mức giá đóng cửa 18,500 đồng/cp trong phiên 22/11.
Theo quan điểm BSI, thị trường tiếp tục tăng điểm nhẹ nhưng khối ngoại vẫn bán ròng và thanh khoản vẫn ở mức thấp. Qua đó, BSI khuyến nghị nhà đầu tư nếu chấp nhận mạo hiểm thì nên bỏ tỷ trọng vào những cổ phiếu có tính thanh khoản cao để có thể ứng biến dễ dàng với những diễn biến sắp tới của thị trường.
Nghiêng về kịch bản tiêu cực
CTCK Asean (Aseansc): Theo Aseansc, phiên 22/11, thị trường giằng co trong biên độ hẹp do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch phân hóa. Cụ thể, trong khi VIC, VNM, VHM, MSN, BVH, VPB, HDB tăng điểm, hỗ trợ đà tăng của chỉ số, thì ở chiều ngược lại, VCB, GAS, BID, CTG, HPG, VRE, MBB lại giảm điểm, kìm hãm đáng kể đà tăng của chỉ số.
Kết thúc phiên giao dịch 22/11, chỉ số VN-Index tăng 1.86 điểm (tương ứng tăng 0.2%), đóng cửa ở mức 924.42 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 155 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 4,000 tỷ đồng. Aseansc cũng cho biết độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (146 mã tăng/142 mã giảm). Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 76 tỷ đồng trên HOSE.
Theo đánh giá của Aseansc, về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dạng ‘doji’, là khá tiêu cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 910 – 920 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 890 – 900 điểm. Trong kịch bản tích cực, chỉ số cho phản ứng phục hồi trở lại thì vùng 930 – 940 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 70% cash/ 30% stocks.
Vĩnh Thịnh
FILI
|