Thứ Hai, 19/11/2018 10:08

Đi trước đón đầu cổ phiếu tiềm năng của năm 2019

Báo cáo của các công ty chứng khoán (CTCK) gần đây đưa ra khuyến nghị mua đối với các cổ phiếu HDG, STKVGC.

HDG: Mua với giá mục tiêu 38,500 đồng/cp

CTCK Rồng Việt (VDS) đang đánh giá khả quan về tiềm năng của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) nhờ việc triển khai các dự án nhà ở mới, bao gồm NoongTha, Dragon City và Green Lane.

Quý 3/2018, doanh thu và lợi nhuận của HDG tăng trưởng nhờ đóng góp từ bàn giao dự án bất động sản. Các dự án như Centrosa Garden, quận 10 (400 tỷ đồng) và Hado Riverside, quận 12 (250 tỷ đồng).

Tuy nhiên, mảng thủy điện của HDG đạt kết quả không tốt trong quý 3/2018, nguyên nhân do yếu tố mùa vụ. Hiện nay, HDG đang vận hành 3 nhà máy, trong đó có Nhạn Hạc mới đi vào vận hành trong tháng 9/2018, do đó chưa đóng góp đáng kể vào doanh thu trong quý 3/2018. Hai nhà máy còn lại chỉ có Za Hưng đóng góp chính, nhưng quý 3/2018 cũng không phải cao điểm mùa mưa tại tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, VDS còn cho biết, lĩnh vực cho thuê văn phòng và khách sạn của HDG đạt hiệu quả cao trên kì vọng, với doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt là 187 tỷ đồng và 93 tỷ đồng. Bên cạnh việc khách sạn IBIS mới đi vào vận hành năm 2017 cùng với hiệu quả các khu văn phòng và khách sạn rất tốt trong năm 2018, giúp lợi nhuận từ mảng này tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu 2018.

Theo đánh giá của VDS, quý 4 là mùa cao điểm đối với lĩnh vực bất động sản và năng lượng của HDG, trong khi lĩnh vực cho thuê văn phòng khách sạn tiếp tục đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, HDG sẽ hoàn tất bàn giao hai tòa Orchid trong quý 4/2018, mang lại thêm 2,000 tỷ doanh thu và 330 tỷ lãi sau thuế. Đây cũng là quý rất bận rộn của HDG, với kế hoạch mở bán đồng thời ba dự án Dragon City (Hà Nội), Green Lane (Hồ Chí Minh) và Noong Tha (Lào).

Cùng với đó, lĩnh vực thủy điện trong quý 4/2018 sẽ có thêm đóng góp từ nhà máy Nhạn Hạc và sự trở lại từ nhà máy Za Hưng, khi đây mới là mùa mưa chính trong năm tại tỉnh Quảng Nam. Theo kế hoạch cả năm 2018, HDG đặt mục tiêu sản lượng điện tăng trưởng 15% so với năm 2017.

Với những luận điểm trên, VDS khuyến nghị mua cổ phiếu của HDG với giá mục tiêu 38,500 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

STK: Mua với giá mục tiêu 25,900 đồng/cp

Theo CTCK MB (MBS), CTCP Sợi Thế kỷ (HOSE: STK) là doanh nghiệp đầu ngành trong các doanh nghiệp niêm yết ngành sợi với công suất 60,000 tấn sợi DTY và FDY mỗi năm. Sang năm 2019, con số này sẽ tăng thêm khoảng 5% khi dự án Trảng Bàng 5 hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động, điều này sẽ giúp STK nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng sản lượng tiêu thụ trong bối cảnh các nhà máy hiện hữu đã hoạt động hếtcông suất.

Việc STK đa dạng hóa danh mục sản phẩm được MBS đánh giá giúp cải thiện biên lợi nhuận của Công ty. Không chỉ dừng lại ở sợi DTY và FDY thông thường, STK đã sản xuất và phát triển thành công nhiều sản phẩm khác có tính năng đặc biệt và có biên lợi nhuận cao hơn, như sợi tái chế (với biên lợi nhuận 24% - 25%), sợi màu (17%), sợi hút ẩm (17%),…

MBS cũng cho biết thêm, kể từ năm 2017, STK đã chủ động tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như Nhật Bản và Hàn Quốc, thay thế cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ truyền thống trước đây. Đáng lưu ý đây là 2 quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam, do đó Công ty hoàn toàn có thể nâng cao sức cạnh tranh khi thuế giảm 0% với các sản phẩm sợi và may mặc. Năm 2019, khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực, việc mở rộng tệp khách hàng sẽ giúp STK tận dụng được các lợi thế mà các Hiệp định Thương mại này đem lại.

Tuy nhiên, MBS vẫn đưa ra lưu ý đối với những rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá và rủi ro nguyên liệu đầu vào (PET chip) tới hoạt động kinh doanh của Công ty. 

Xét tương quan với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, MBS khuyến nghị mua cổ phiếu STK với giá mục tiêu 25,900 đồng.

Xem thêm tại đây

VGC: Mua với giá mục tiêu 21,000 đồng/cp

CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng Tổng công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC) đang trong giai đoạn chuyển mình, đòi hỏi quá trình tái cơ cấu hiệu quả trước sự khó khăn ở các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD), mảng đóng góp trung bình 64% lợi nhuận gộp. 

Lũy kế 9 tháng đầu 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VGC lần lượt đạt 6,374 tỷ đồng và 461 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 14% so với cùng kỳ năm trước. VDS đánh giá rằng tình trạng dư cung trên thị trường VLXD khiến giá thành sản phẩm sụt giảm, đặc biệt ở mảng kính xây dựng và gạch ốp lát. Điều này khiến cho lợi nhuận gộp chung của VGC giảm 9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, VDS cũng cho biết thêm, một số nỗ lực tái cơ cấu đã và đang được tiến hành tại VGC như thoái vốn tại những mảng kinh doanh không hiệu quả, tập trung tối ưu chi phí và đầu tư sản phẩm mang giá trị cao. Nhà máy sứ Mỹ Xuân và nhà máy kính siêu trắng Phú Mỹ kỳ vọng mang lại lợi thế và phân khúc sản phẩm riêng cho VGC trong dài hạn.

9 tháng đầu 2018, bất động sản nhà ở đóng góp 11% lợi nhuận từ ghi nhận các sản phẩm thấp tầng của VGC. Hoạt động cho thuê khu công nghiệp (KCN) ghi nhận khoảng 40 ha trong 9 tháng 2018, được hỗ trợ bởi nguồn đầu tư FDI đang được duy trì cao tại khu vực phía Bắc. VDS kỳ vọng rằng, sang năm 2019, nguồn FDI lớn và sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cùng tác động của chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho thuê KCN. Cùng với đó, những dự án bất động sản nhà ở tại Hà Nội và nhà ở xã hội tại các KCN sẽ duy trì nguồn thu ổn định cho VGC.

Qua đó, VDS cho rằng động lực chính tăng trưởng năm 2019 của VGC đến từ cho thuê KCN, trong khi đó, các mảng VLXD kỳ vọng cải thiện nhờ nỗ lực tái cơ cấu.

Tựu trung lại, VDS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu VGC với giá mục tiêu 21,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

---

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Vĩnh Thịnh

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 19/11-23/11: Hồi trong xu hướng giảm? (18/11/2018)

>   Góc nhìn 16/11: Chớ nên động thủ (15/11/2018)

>   Góc nhìn 15/11: Thị trường khó đi lên (14/11/2018)

>   Góc nhìn 14/11: Hồi phục trở lại? (13/11/2018)

>   Về cuối năm, “xuống tiền” cho cổ phiếu nào? (12/11/2018)

>   Góc nhìn tuần 12-16/11: Tiếp tục rung lắc (11/11/2018)

>   Góc nhìn 09/10: Tiềm ẩn rủi ro (08/11/2018)

>   Góc nhìn 08/11: Chớ nên vội vã! (07/11/2018)

>   Góc nhìn 07/11: Tiếp đà giảm? (06/11/2018)

>   Chứng khoán tháng 11: Hồi phục là khả dĩ? (06/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật