Fed: Giá tài sản có thể rớt mạnh
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa phát hành một báo cáo cảnh báo về rủi ro tác động tới ổn định tài chính trong ngày thứ Tư (28/11), cho rằng căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị và sự gia tăng nợ doanh nghiệp từ các công ty có bảng cân đối kế toán yếu đang gây ra nhiều nguy cơ.
Trong một báo cáo dài dẳng về hệ thống ngân hàng và nợ doanh nghiệp, Fed lên tiếng cảnh báo về mức giá tài sản “ngày càng leo thang” và “có vẻ cao so với phạm vi lịch sử”.
Thêm vào đó, Fed cho biết, căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc cộng với mức giá tài sản cao trong một môi trường địa chính trị bất ổn có thể tạo ra một cú sốc lớn tới thị trường.
“Sự leo thang căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị hoặc các cú sốc bất lợi khác có thể dẫn tới sự suy giảm về tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư nói chung”, trích từ báo cáo trên. “Đà giảm giá tài sản kéo theo đó có thể là cực kỳ mạnh khi xét tới mức định giá cao hơn so với các mức lịch sử”.
Đà giảm của giá tài sản sẽ gây khó dễ đối với các công ty muốn tìm nguồn tài trợ, “đồng thời gây áp lực lên một lĩnh vực vốn có đòn bẩy rất cao”, trích từ báo cáo của Fed.
Trong báo cáo này, Fed còn lưu ý rằng các đợt nâng lãi suất có thể tạo ra nguy cơ. Một thị trường và nền kinh tế vốn đã quen với lãi suất thấp có thể đối mặt với nhiều vấn đề khi Fed tiếp tục bình thường hóa chính sách thông qua các đợt nâng lãi suất và giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán – hay danh mục trái phiếu mà họ đã mua vào để kích thích nền kinh tế.
“Ngay cả nếu các chính sách của Ngân hàng Trung ương đều được công chúng dự báo trước đó, nhưng một số điều chỉnh có thể xảy ra một cách đột ngột, qua đó gây ra biến động trên cả thị trường tài chính trong nước và quốc tế và làm nảy sinh căng thẳng cho các tổ chức”, trích từ báo cáo của Fed.
Về mặt tích cực, các ngân hàng và các định chế tài chính khác được xem là có lượng vốn cao và do đó, trong trạng thái tốt để chống chọi với các cú sốc. Nợ tiêu dùng cũng bắt kịp với đà tăng của GDP, qua đó cho thấy ít nguy cơ ở lĩnh vực này.
Dù vậy, về phần các doanh nghiệp, có thể có nhiều vấn đề, nhất là những công ty có đòn bẩy cao.
Khoản nợ vay có đòn bẩy (leveraged loans) đã tăng vọt trong thời gian gần đây, khi xuất hiện một số công ty có trái phiếu được đánh giá ở gần mức thấp nhất trong bậc thang hạng đầu tư (investment-grade) và do đó dễ rơi vào phạm vi “trái phiếu rác” (junk bond).
“Đòn bẩy cao thường gắn liền với căng thẳng tài chính gia tăng và sự thụt lùi của các doanh nghiêp trong giai đoạn suy thoái kinh tế”, trích từ báo cáo của Fed. “Xét tới áp lực định giá liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp… như là sự gia tăng căng thẳng tài chính (nếu xảy ra) thì có thể châm ngòi cho sự điều chỉnh giá trái phiếu doanh nghiệp”.
Fed lưu ý rằng, tổng lượng trái phiếu được đánh giá ở mức thấp nhất trong phạm vi hạng đầu tư (investment-grade) đã tiến sát mức kỷ lục tại 2.25 ngàn tỷ USD, tương ứng 35% tổng trái phiếu doanh nghiệp.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|