Dow Jones vọt gần 3% tuần qua bất chấp đà sụt giảm trong phiên
Tuần qua, Dow Jones vọt 2.8%, S&P 500 tăng 2.1% và Nasdaq Composite cộng 0.7%
Các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đồng loạt giảm điểm vào ngày thứ Sáu (09/11), sau một tuần phục hồi từ đợt bán tháo tháng 10, khi giá dầu lao dốc cùng với nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, Reuters đưa tin.
Giá dầu đã giảm gần 1% trong ngày thứ Sáu, và hiện ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 1984, do sự gia tăng nguồn cung toàn cầu và bằng chứng về sự chững lại của nền kinh tế thế giới.
Mỹ đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran trong tuần này, nhưng đã miễn trừ tạm thời cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu từ Iran.
Chỉ số năng lượng thuộc S&P 500 lùi 0.4% sau khi sụt 2.2% trong phiên trước đó, khi giá dầu WTI xác nhận bước vào thị trường con gấu – lao dốc 20% từ mức đỉnh gần đây.
Nhà đầu tư dường như không sẵn sàng mạo hiểm, qua đó khiến chỉ số công nghệ thuộc S&P 500 mất 1.7% khi cổ phiếu Apple giảm 1.9% và nhóm cổ phiếu bán dẫn lùi 1.9%.
Vào ngày thứ Sáu, có đến 8/11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 nhuốm sắc đỏ.
Trong khi đó, chỉ số hàng tiêu dùng thiết yếu tiến 0.5% và tăng mạnh nhất, còn các lĩnh vực phòng thủ khác như tiện ích và bất động sản đều tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, dữ liệu từ Trung Quốc cho biết lạm phát sản xuất giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10 về hoạt động sản xuất và nhu cầu nội địa suy yếu, trong khi doanh số bán xe hơi cũng giảm 4 tháng liền.
Dữ liệu của Trung Quốc đã khiến chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ và gây sức ép lên các lĩnh vực nhạy cảm với thương mại và hàng hóa. Lĩnh vực công nghiệp thuộc S&P 500 giảm 1% và lĩnh vực nguyên vật liệu mất hơn 1.4%.
Hôm thứ Năm (08/11), các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất không đổi như dự báo, và tuyên bố chính sách gợi ý khả năng tiếp tục nâng lãi suất ngay cả khi lưu ý rằng đầu tư kinh doanh đã bị điều chỉnh.
Ngoài ra, dữ liệu mới nhất về lạm phát giá sản xuất tại Mỹ đã không xoa dịu được lo ngại về sự gia tăng lãi suất, vốn ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng của chứng khoán trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones lùi 201.92 điểm (tương đương 0.77%) xuống 25,989.3 điểm, chỉ số S&P 500 mất 25.82 điểm (tương đương 0.92%) còn 2,781.01 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 123.98 điểm (tương đương 1.65%) xuống 7,406.90 điểm.
Tuy nhiên, tuần qua, Dow Jones vọt 2.8%, S&P 500 tăng 2.1% và Nasdaq Composite cộng 0.7%.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 2.22:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 2.95:1.
Khoảng 7.93 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 8.39 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
An Trần
Fili
|