Chứng khoán châu Á ăn mừng kết quả bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ của Mỹ
Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên sáng ngày thứ Năm (08/11), sau đà tăng mạnh trên Phố Wall đêm qua, trong đó Dow Jones và S&P 500 chứng kiến phiên tăng hậu bầu cử giữa nhiệm kỳ mạnh nhất kể từ năm 1982.
Tính tới lúc 9h30 ngày thứ Năm (08/11 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản nhảy vọt 1.89% vào đầu phiên, còn Topix tăng 1.72%. Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến 1.75%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 tiến 0.35% vào phiên sáng, trong đó phần lớn lĩnh vực đều tăng. Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 0.77%.
Cổ phiếu của công ty đường ống dẫn khí gas lớn nhất Australia, APA Group, đi ngược với xu hướng tăng và giảm hơn 9% sau khi Josh Frydenberg, Bộ trưởng Ngân khố Australia, cho biết về dự định ngăn chặn nỗ lực thâu tóm của CK Infrastructure (Hồng Kông) trong ngày thứ Tư (08/11).
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 8.57 điểm (tương ứng 0.34%) sau khi kết quả bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tại Mỹ được công bố. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông leo dốc 237.2 điểm (tương ứng 0.91%).
Phố Wall tăng mạnh sau khi ông Trump báo hiệu hợp tác với Đảng Dân chủ
Chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 2% vào ngày thứ Tư (07/11), trong đó dẫn đầu là đà leo dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế, khi nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm sau kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ và kỳ vọng rằng sự chia rẽ ở Quốc hội có thể là thông tin tích cực đối với chứng khoán, Reuters đưa tin.
Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện vào ngày thứ Ba (06/11), trong khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump chiếm đa số ở Thượng viện, qua đó cho thấy khả năng bế tắc chính trị ở Washington.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, lùi 3.55 điểm xuống 16.36, mức đóng cửa thấp nhất trong 1 tháng.
Một thông tin cũng đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu về sự hợp tác với Đảng Dân chủ về các kế hoạch cơ sở hạ tầng, y tế...
“Hy vọng chúng tôi có thể làm việc cùng nhau vào năm tới để tiếp tục phục vụ người dân Mỹ, bao gồm tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng, thương mại và hạ thấp giá thuốc”, Donald Trump cho biết tại cuộc họp báo. “Đảng Dân chủ sẽ đến với một kế hoạch về cơ sở hạ tầng, một kế hoạch về y tế, một kế hoạch về những gì họ đang xem xét và rồi chúng tôi sẽ thương lượng”.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, ở mức 95.997 sau khi tăng từ mức 95.7 trong ngày hôm qua.
Đồng Yên Nhật ở mức 113.62 đổi 1 USD sau khi suy giảm từ mức 113 đổi 1 USD trong phiên trước. Còn đồng AUD ở mức 0.7273 USD.
Giá năng lượng trở thành tâm điểm chú ý
Trong ngày thứ Năm (08/11), các hợp đồng dầu WTI tương lai tăng nhẹ lên 61.7 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent giữ vững ở mức 72.07 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (07/11), trong đó dầu WTI đóng cửa tại mức thấp nhất trong gần 8 tháng sau khi báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa leo dốc tuần thứ 7 liên tiếp, và dự trữ xăng bất ngờ nhảy vọt.
Hợp đồng dầu WTI tương lai giờ đã giảm 20% so với mức đỉnh gần 4 năm thiết lập vào ngày 03/10/2018.
Đáng chú ý hơn, sản lượng dầu tại Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 11.6 triệu thùng/ngày trong tuần trước, và đà tăng sản lượng ở Mỹ là một yếu tố có thể buộc các thành viên và đồng minh của OPEC phải phản ứng lại tại cuộc họp cuối tuần này.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|