Nikkei 225 chỉ còn tăng 400 điểm
Chứng khoán châu Á giảm bớt đà tăng vào cuối phiên ngày thứ Năm (08/11) sau khi tăng mạnh vào đầu phiên, nối tiếp phiên leo dốc trên Phố Wall đêm qua.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (08/11), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc quay đầu giảm 0.22% xuống 2,635.63 điểm, còn Shenzhen Composite lùi 0.477% xuống 1,333.98 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông chỉ còn tăng 80.03 điểm (tương ứng 0.31%) lên 26,227.72 điểm, sau khi tăng hơn 1% trước đó.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm bớt đà leo dốc và chỉ còn tăng 401.02 điểm (tương ứng 1.82%) lên 22,486.92 điểm, còn Topix tiến 1.74% lên 1,681.25 điểm. Ngoài ra, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0.67% lên 2,092.63 điểm sau khi tăng hơn 1.5% trước đó trong phiên.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 tiến 0.53% lên 5,928.2 điểm, trong đó phần lớn lĩnh vực đều leo dốc. Lĩnh vực năng lượng cộng 0.49%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 08/11
Nguồn: CNBC
|
Số liệu thương mại Trung Quốc lạc quan hơn dự báo
Diễn biến trên xảy ra sau khi Trung Quốc cho biết nước này xuất khẩu và nhập khẩu mạnh hơn dự báo trong tháng 10/2018.
Trong tháng 10, lượng hàng hóa xuất khẩu tính bằng đồng USD tăng 15.6% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng trưởng 11% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2018 tăng trưởng 14.5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tổng thặng dư thương mại Trung Quốc ở mức 34.01 tỷ USD trong tháng trước, thấp hơn dự báo 35 tỷ USD từ các chuyên gia kinh tế.
Các thị trường Trung Quốc đang được nhà đầu tư theo dõi sát sao sau cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tịa Mỹ - ngay cả khi các chuyên gia dự báo kết quả bỏ phiếu có rất ít tác động tới cuộc chiến thương mại hiện tại giữa hai quốc gia.
Phố Wall tăng mạnh sau khi ông Trump báo hiệu hợp tác với Đảng Dân chủ
Chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 2% vào ngày thứ Tư (07/11), trong đó dẫn đầu là đà leo dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế, khi nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm sau kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ và kỳ vọng rằng sự chia rẽ ở Quốc hội có thể là thông tin tích cực đối với chứng khoán, Reuters đưa tin.
Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện vào ngày thứ Ba (06/11), trong khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump chiếm đa số ở Thượng viện, qua đó cho thấy khả năng bế tắc chính trị ở Washington.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, lùi 3.55 điểm xuống 16.36, mức đóng cửa thấp nhất trong 1 tháng.
Một thông tin cũng đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu về sự hợp tác với Đảng Dân chủ về các kế hoạch cơ sở hạ tầng, y tế...
“Hy vọng chúng tôi có thể làm việc cùng nhau vào năm tới để tiếp tục phục vụ người dân Mỹ, bao gồm tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng, thương mại và hạ thấp giá thuốc”, Donald Trump cho biết tại cuộc họp báo. “Đảng Dân chủ sẽ đến với một kế hoạch về cơ sở hạ tầng, một kế hoạch về y tế, một kế hoạch về những gì họ đang xem xét và rồi chúng tôi sẽ thương lượng”.
Giá năng lượng trở thành tâm điểm chú ý
Trong ngày thứ Năm (08/11), các hợp đồng dầu WTI tương lai tăng 0.26% lên 61.83 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tăng 0.22% lên mức 72.23 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (07/11), trong đó dầu WTI đóng cửa tại mức thấp nhất trong gần 8 tháng sau khi báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa leo dốc tuần thứ 7 liên tiếp, và dự trữ xăng bất ngờ nhảy vọt.
Hợp đồng dầu WTI tương lai giờ đã giảm 20% so với mức đỉnh gần 4 năm thiết lập vào ngày 03/10/2018.
Đáng chú ý hơn, sản lượng dầu tại Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 11.6 triệu thùng/ngày trong tuần trước, và đà tăng sản lượng ở Mỹ là một yếu tố có thể buộc các thành viên và đồng minh của OPEC phải phản ứng lại tại cuộc họp cuối tuần này.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|