Dầu chứng kiến tháng giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm
Trong tháng 10, dầu WI lao dốc 10.8%, dầu Brent sụt 8.8%
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục suy giảm vào ngày thứ Tư (31/10), khi nguồn cung dầu thô tại Mỹ tăng gần khớp với dự báo của thị trường và dự trữ các sản phẩm xăng dầu sụt giảm, MarketWatch đưa tin.
Dầu cũng ghi nhận tháng sụt giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm khi sự gia tăng sản lượng và khả năng nhu cầu năng lượng suy yếu lấn át dự báo về đà sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran, với các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tuần tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex lùi 87 xu (tương đương 1.3%) xuống 65.31 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tháng lên 10.8%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn mất 44 xu (tương đương 0.6%) còn 75.47 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên và sụt 8.8% trong tháng 10.
Cả dầu WTI và dầu Brent, vốn đều đóng cửa tại mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, đánh dấu tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 3.2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/10/2018 sau khi tăng liên tiếp 5 tuần trước đó, gần khớp với dự báo cộng 3.3 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng thấp hơn so với dự báo vọt 5.7 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Bên cạnh đó, báo cáo từ EIA cũng cho biết dự trữ xăng mất 3.2 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất sụt 4.1 triệu thùng. Cả 2 đều cao hơn dự báo giảm 2.4 triệu thùng xăng và 2.2 triệu thùng sản phẩm chưng cất từ một cuộc thăm dò của Platts.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ tại Iran bắt đầu có hiệu lực vào đầu tuần tới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hồi tháng 5/2018.
Có lẽ, một câu hỏi quan trọng hơn là liệu các nhà sản xuất khác có bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung này không. Ả-rập Xê-út, thành viên đứng đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng với Nga, đã đồng ý vào đầu mùa hè để bắt đầu gia tăng sản lượng dầu thô sau hơn 1 năm kìm hãm. Những nhận định gần đây từ Ả-rập Xê-út rằng nước này có thể nâng sản lượng với tốc độ nhanh hơn – đạt ít nhất 11 triệu thùng/ngày – đã gây sức ép lên giá dầu.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 11 mất 2.1% còn 1.768 USD/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tháng lên 15.9%. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11 nhích gần 0.1% lên 2.262 USD/gallon, nhưng vẫn giảm 3.8% trong tháng qua. Các hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Tư.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 12 cộng 2.3% lên 3.261 USD/MMBtu. Trong tháng 10, hợp đồng này đã vọt 8.4%.
An Trần
Fili
|