Chuyển đổi tư duy, đối diện thất bại
Tất cả chúng ta đều sợ hãi trước việc phải đánh cược mọi thứ mình có, điều này làm cho chúng ta chùn bước, và hơn thế nữa chúng ta còn sợ hãi trước việc bị người khác nhìn nhận là thất bại.
Những nỗi sợ này có vẻ sẽ giữ cho chúng ta được an toàn, nhưng chính tư duy cứng nhắc này – tư duy đòi hỏi chúng ta lúc nào cũng phải thành công ngay lần đầu tiên – sẽ "đóng băng" cuộc sống của chúng ta. Chỉ nỗi sợ thất bại không thôi cũng đủ ngăn cản chúng ta thử sức với những điều mới mẻ khi chúng vừa mới chớm nở. Nhưng đây là cách suy nghĩ sẽ giúp bạn đột phá: Những “cái tôi” thất bại thường sẽ là tác nhân giúp chúng ta thành công về sau.
Chúng ta đã quá quen thuộc với lối tư duy tiêu cực xung quanh việc 'thất bại' và 'mất mát', nhưng đã đến lúc để biết đến một góc nhìn khác rồi. Hai 'vị khách' cảm xúc này có giá trị hơn những gì mà ta vốn nghĩ về chúng. Hiểu biết bản thân, ngay cả những khía cạnh dễ tổn thương nhất khi bạn đối mặt với sự cố, sẽ giúp bạn giải phóng bản thân để đối diện với thực tại trung thực hơn, làm việc chăm chỉ hơn, thậm chí sẽ trở thành một người bạn hay một đối tác tốt hơn.
Do vậy, đó chính là một đòn thức tỉnh khiến bạn xem xét lại những khía cạnh mỏng manh, dễ tổn thương của bản thân. Bạn cũng có thể nghĩ đó là một lời mời gọi, chủ động chào đón những việc mà bản chất con người chúng ta sợ hãi nhất. Việc nhận thức rõ hơn về những khía cạnh yếu đuối của bản thân chưa bao giờ là trễ cả, bởi vì một khi bạn hiểu được điều đó thì chúng có thể trở thành "vũ khí bí mật tối cao" của bạn. Đây chính là câu chuyện mới khi nói về thất bại và tổn thương.
Tổn thương chính là thành phần cốt lõi của sự dũng cảm
Tính dễ bị tổn thương thường được đánh đồng với sự yếu đuối, và theo sau đó là một loạt những cảm giác tiêu cực khác như đau thương, sợ hãi, buồn bã và cự tuyệt...
Tuy nhiên, trong cuốn sách Daring Greatly: How the Courage to Be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent, and Lead, Brené Brown đã trình bày quan điểm xem tính dễ bị tổn thương cũng là cội nguồn của tình thương, niềm vui và khả năng đồng cảm. Điều quan trọng, nó cũng chính là dấu hiệu của lòng dũng cảm, và chính điều đó sẽ giúp bạn tiến lên trong cuộc sống.
Trong bài chia sẻ Ted Talk “Sức mạnh của sự mất mát” vào tháng 6/2010, Brown có đề cập đến nguồn gốc của từ courage (sự dũng cảm): Trong tiếng Latinh, 'cor' có nghĩa là 'trái tim'. Thể hiện lòng dũng cảm theo nghĩa đen đơn giản là thể hiện tình cảm của bạn, thể hiện khía cạnh không hoàn hảo và sâu kín nhất. Không phạm phải sai lầm nghe có vẻ đáng sợ, nhưng mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn cho phép mình được mài luyện. Bà Brown khuyên chúng ta nên “làm quen với sự không thoải mái”, tiếp nhận những cảm giác không thực sự dễ chịu mỗi khi thất bại hay mất mát thay vì cứ mãi trốn tránh chúng.
Ngoài việc giúp xây dựng lòng dũng cảm, một lợi ích tuyệt vời khác của việc làm quen với việc phơi bày bản thân chính là bạn cũng sẽ tạo cho những người khác cảm giác thoải mái hơn. Thông thường, ai 'chơi bài ngửa' trước thường nghĩ mình sẽ thua thiệt, nhưng hãy coi như bạn đang chơi Uno đi thay vì đang chơi poker. Tại sao lại như vậy? Vì chúng ta càng chia sẻ nhiều, chúng ta càng nhận được nhiều sự cảm thông và lòng trắc ẩn nơi người khác. Chúng ta càng chia sẻ nhiều thì các mối quan hệ cũng như nền tảng với những người gần gũi với chúng ta càng mạnh mẽ hơn và từ đó ta có thể tạo nên những điều tuyệt vời về sau.
Đúng là mất mát cũng đồng nghĩa với rủi ro, nhưng bằng việc chấp nhận những rủi ro như thế chúng ta sẽ thu hoạch được sự sáng tạo, cải tiến, và thay đổi - những nhân tố của sự tiên phong. Rất hiếm có câu chuyện thành công nào diễn ra mà không trải qua bất kỳ rủi ro nào. Do vậy, hãy dũng cảm và can đảm: Đánh cược sự mất mát là những gì cần thiết để nâng cao lòng dũng cảm và để trở thành những chiến hữu xuất sắc, biết đồng cảm, cởi mở, để cùng nhau khám phá những chân trời mới.
Nếu bạn đang giữ vị trí lãnh đạo mà bạn chưa rõ về mối liên hệ giữa việc làm chủ và tính dễ tổn thương, thì trong tác phẩm gần đây nhất của Brown, Dare to Lead, sẽ chỉ cho bạn cách cân bằng giữa sự can đảm, để bạn có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân cũng như đội nhóm.
Thất bại là nền tảng đào tạo cho sự thành công
Nếu bạn từng thất bại một lần (hay thậm chí vài lần) thì điều đó không có nghĩa là số phận đã an bài bạn sẽ thất bại mãi mãi. Thực tế, việc thất bại ê chề có thể là một trải nghiệm giúp bạn "khai sáng".
Cuốn sách Fail Fast, Fail Often: How Losing Can Help You Win của Ryan Babineaux và John Krumboltz có chia sẻ về tầm quan trọng của những nỗ lực thất bại và chúng ta nên can đảm thất bại thường xuyên hơn. Các tác giả đề cập đến ví dụ kinh điển về một người thầy dạy làm đồ gốm đã tiến hành một nghiên cứu trên hai nhóm học sinh. Ông yêu cầu một nhóm làm ra những chiếc bình đẹp nhất trong một khoảng thời gian ấn định, và nhóm thứ hai sẽ làm ra càng nhiều bình càng tốt trong cùng một lượng thời gian. Cuối cùng, trên thực tế, chính nhóm tập trung vào số lượng chứ không phải chất lượng đã cho ra đời những chiếc bình đẹp nhất.
Bạn sẽ cảm thấy khó hiểu không biết tại sao nhóm tập trung vào số lượng lại làm ra những chiếc bình đẹp hơn, nhưng điều đó lại hợp lý. Trong nhóm tập trung vào số lượng, những học sinh đã phát giác ra những sai lầm trong suốt quá trình và sẽ điều chỉnh kỹ thuật của họ trong những lần sau. Ngược lại, nhóm tập trung vào chất lượng lại có ít cơ hội để học tập từ những sai lầm của mình hơn. Mặc dù mục tiêu của họ là tạo ra sản phẩm tốt nhất có thể, nhưng họ lại không có đủ cơ hội thử nghiệm để đạt được điều đó.
Thất bại chính là nền tảng cho sự thành công. Đó chính là sự chuẩn bị cần thiết cho một chiến thắng to lớn về sau. Tất nhiên, cách này không được an toàn như việc tìm hiểu và nghiên cứu về những gì mà người khác đã làm được, nhưng phương pháp thử nghiệm và thất bại sẽ giúp bạn có năng suất hơn. Hãy tập trung vào số lần bạn nỗ lực chứ không phải chất lượng. Rốt cuộc, bạn sẽ rút ra được những bài học cho mình và thu thập được những ý tưởng thực tế, sâu sắc. Hãy thử, sai lầm, học, và cứ lặp lại như thế.
Thực hành tạo nên sự lâu dài
Chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói "Có công mài sắt có ngày nên kim". Chúng ta sẽ học được nhiều thứ thông qua việc liên tục làm đi làm lại, do vậy để cảm thấy thoải mái với việc thất bại và mất mát, bạn nên bắt tay thực hiện ngay. Không bao lâu, bạn sẽ cảm thấy thay vì khó chịu thì giờ đây chính những trạng thái không thoải mái sẽ kích hoạt những cơ chế nội tại trong bạn để bạn trở thành một con người khác hoàn toàn.
Khi bạn chuyển đổi cách nhìn nhận về sự thất bại hay tổn thương thì chúng sẽ biến thành những công cụ giáo dục để giúp bạn tiến xa hơn. Cái tôi yếu đuối ơi, giờ không còn gì phải sợ nữa, đúng không nào?
Tuệ Nhiên (Theo Blinkist)
FILI
|