Hoang mang ‘thuốc làm từ thịt người’
Những thông tin hỗn loạn và mơ hồ về dược phẩm bị cho là làm từ “thịt người” đang khiến dư luận hoang mang.
Bộ Y tế VN vừa có thông tin chính thức khẳng định Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) không cho phép đăng ký, sản xuất nhập khẩu và lưu hành các loại thuốc bị cho là làm từ thành phần “thịt người” và được quảng cáo là có tác dụng tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối. Cục Quản lý dược đã đề nghị các sở y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu phát hiện các sản phẩm thuốc nêu trên cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý.
Cảnh sát Hàn Quốc tịch thu lô “thuốc thịt người” ở TP.Daejeon. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH UPI
|
Thuốc nhau thai bị pha trộn?
Hạ viện Nigeria mới đây thông qua lệnh mở cuộc điều tra về nghi vấn thuốc dạng viên con nhộng chứa “thành phần từ thai nhi chết lưu” được tuồn vào nước này và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, theo tờ Vanguard. Các cơ quan hải quan, bưu chính cùng các dịch vụ giao nhận hàng tại Nigeria cũng được lệnh tăng cường giám sát các bưu kiện chứa thuốc nhập khẩu. Tổng giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Nigeria, Giáo sư Christiana Moji Adeyeye cho biết: “Tôi đã liên hệ với đối tác ở các nước và được cho biết về loại thuốc mang tên Placenta Hominis được làm từ nhau thai và đã được sử dụng ở Đông Nam Á từ lâu. Nếu đúng như vậy, đây có thể là loại thuốc y học cổ truyền nhưng bị nhà sản xuất pha trộn thêm nhiều thành phần khác từ xác thai nhi để giảm giá thành”.
Theo một số người bán thuốc tại phố Lãn Ông (Q.Hoàn Kiếm), chợ thuốc đông y lớn nhất Hà Nội, từng có nhiều người mua nhau thai khô (tử hà sa) về chữa bệnh với công dụng được cho là có thể chữa vô sinh, cường dương. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2012, cơ quan chức năng cấm kinh doanh vị thuốc này nên các cửa hàng không nhập về bán nữa. Bà Nguyễn Thị Mai (64 tuổi, chủ một tiệm thuốc tại phố Lãn Ông) cho biết nhau thai khô là nhau thai của phụ nữ mới sinh, vẫn còn máu, được sao khô lên và đóng vào gói. “Thực chất nhau khô không có công dụng gì như lời đồn. Loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh như HIV, viêm gan B, vì đã sao khô lên, chưa được kiểm định. Từ ngày lực lượng quản lý cấm bán, nhà tôi cũng không hề nhập về, dù nhiều người vẫn đến hỏi mua”, bà Mai nói.
Trần Cường
|
Trước đó, Yonhap đưa tin Cục Hải quan Hàn Quốc ngày 30.9.2018 xác nhận đã thu giữ 2.751 viên con nhộng chứa thành phần từ bào thai hoặc thi thể trẻ sơ sinh, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 8.2018. Theo giới chức Hàn Quốc, thuốc có nguồn gốc từ vùng đông bắc Trung Quốc và buôn lậu qua đường xách tay hoặc chuyển qua đường bưu điện rồi đem bán tại chợ đen với giá khoảng 220 USD (5,1 triệu đồng)/kg hoặc 53 - 80 USD cho 30 - 50 viên.
Qua kiểm tra, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc phát hiện mỗi viên thuốc chứa tới 18,7 tỉ con vi rút, bao gồm cả vi rút viêm gan B. Hải quan Hàn Quốc hiện tăng cường giám sát các bưu kiện chứa thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước này và những kiện hàng nghi chứa “thuốc thịt người” được đưa thẳng tới trung tâm nghiên cứu y tế để xét nghiệm ADN.
Giới chức Trung Quốc hiện chưa bình luận về các vụ việc trên, song hồi năm 2012, Bộ Y tế nước này cho biết điều tra cho thấy không có “thuốc thịt người”. Trung Quốc khẳng định Bộ Y tế đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về rác thải y tế, quy trình xử lý các bộ phận của thai nhi, nhau thai và cấm nhân viên y tế buôn bán nội tạng, nhau thai..., theo tờ China Daily.
Giới chuyên môn VN phủ nhận
Trả lời Thanh Niên, Thầy thuốc nhân dân, BS cao cấp Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y VN, khẳng định “nói thuốc từ thịt người là không đúng”.
Theo ông, tất cả cơ quan, tổ chức trong cơ thể con người đều có ADN. Vì vậy, khi trong thuốc có ADN (từ nhau thai) thì xét nghiệm sẽ ra nhưng không phải cứ có ADN trong thuốc thì khẳng định đó là thịt người. “ADN có trong tất cả các cơ quan tổ chức của cơ thể và bài thuốc có nhau thai cũng có ADN thì chỉ có thể nói là “có nhau thai” chứ không thể nói đấy là thịt người được”, ông Bản khẳng định. Ông cho biết thêm từ trước đến nay, cả tây y và đông y đều sử dụng nhau thai làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Trước đây, nhau thai từng được sử dụng để sản xuất thuốc philatop, nhưng do nguồn không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng phủ tạng, cụ thể là dùng gan động vật để thay thế.
PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết trước đây cổ nhân có bài thuốc y học cổ truyền có vị tử hà sa là vị thuốc lấy từ nhau thai khỏe mạnh. Nếu xét nghiệm tử hà sa theo y học hiện đại thì thấy ADN và được liên tưởng là “thịt người” nhưng thực chất không phải.
Tuy nhiên, ngay cả với tử hà sa thì hàng chục năm nay, y học cổ truyền trong nước đã không còn dùng do nhận thấy có nhiều nguy cơ như lây nhiễm bệnh qua đường máu, không kiểm soát được nguồn gốc... Về vụ việc mới nhất liên quan đến “thuốc từ thịt người” thì cũng như Cục Quản lý dược đã thông tin, dù là sản phẩm y học cổ truyền hay tân dược cũng chưa thấy xuất hiện trong nước. Tương tự, PGS-TS Vũ Nam, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, khẳng định rất nhiều năm rồi không còn sử dụng tử hà sa trong các bài thuốc do lo ngại khó kiểm soát vệ sinh, an toàn.
Các loại thuốc bị cho là từ xác thai nhi ở Trung Quốc. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH DAILY MAIL
|
Mặt khác, trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia tây y và đông y tại TP.HCM đều khẳng định chưa thấy hình dáng viên thuốc chứa “thịt người” như thế nào. Theo đại biểu Quốc hội, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Bộ Y tế hiện cũng không xác định được thuốc có chứa “thịt người” có tên là gì. Qua các phương tiện thông tin chỉ mới biết đó là viên con nhộng xanh xanh, trắng trắng nên càng gây mơ hồ.
‘Không nên ăn nhau thai’
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo nên tránh uống viên nhộng nhau thai vì không đảm bảo loại bỏ mầm bệnh. Hồi tháng 6.2017, cơ quan này báo cáo một trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B (GBS) sau khi người mẹ dùng viên nhộng nhau thai nhiễm loại khuẩn này. Bên cạnh đó, GS-TS Amos Grunebaum tại Trung tâm y tế Weill Cornell thuộc Đại học Cornell đã có bài viết Không nên ăn nhau thai đăng trên chuyên san American Journal of Obstetrics & Gynecology. Trong đó, ông cảnh báo nguy cơ hấp thu nhiều dạng chất độc và hoóc môn tích tụ trong nhau thai suốt quá trình thai nghén. Đặc biệt, nguy cơ này vẫn tiếp tục hiện diện ngay cả khi nhau được xử lý bằng đông lạnh - khô và nén thành viên hoặc nướng.
|
Thanh niên
|