Tây Nguyên vào mùa lễ hội
Hàng loạt lễ hội độc đáo hướng về thiên nhiên như mùa hội cỏ hồng, lễ hội hoa dã quỳ... đang mời gọi du khách đến Tây Nguyên vào tháng 11 này
UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vừa công bố khai hội Mùa hội Cỏ hồng Langbiang 2018 vào ngày 24-11 tại khu vực đồi thông bên hồ Đan Kia - Suối Vàng.
Na ná nhau
Mùa hội kéo dài trong 9 ngày nhằm phục vụ người dân địa phương và du khách tham quan thưởng lãm, chụp hình lưu niệm với cỏ hồng.
Ban tổ chức Mùa hội Cỏ hồng Langbiang 2018 cho biết trong khuôn khổ của mùa hội, huyện Lạc Dương còn tổ chức các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp, giải đua ngựa không yên dành cho đồng bào K’Ho ở Lạc Dương. Các đoàn cồng chiêng nổi tiếng sẽ biểu diễn nhằm quảng bá bản sắc không gian văn hóa cồng chiêng của người K’Ho dưới chân núi Langbiang huyền thoại.
Là một trong những cái nôi của nền văn hóa Tây Nguyên, vào tháng 11 này, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức nhiều lễ hội. Theo đó, Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 13-11 tại huyện Chư Păh. Kế tiếp, tuần lễ đồi cỏ hồng sẽ khai hội từ ngày 17 đến 19-11 tại huyện Đắk Đoa. Vào năm 2017, tỉnh Gia Lai lần đầu tiên tổ chức "lễ hội hoa dã quỳ", "tuần lễ đồi cỏ hồng" và đạt thành công ngoài mong đợi khi thu hút được hàng ngàn lượt khách du lịch từ khắp nơi trong cả nước tham dự.
Đồi cỏ hồng ở tỉnh Lâm Đồng thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh. Ảnh: VÕ TRANG
|
Tìm cái riêng trong cái chung
Nhiều người lo ngại các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện tương đối giống nhau, mùa hoa dã quỳ, cỏ hồng cùng rộ vào một thời điểm. Nếu tỉnh nào cũng tổ chức lễ hội sẽ dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo và tạo nhàm chán, nhạt nhẽo đối với khách du lịch.
Ông Phan Xuân Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết các địa phương đều tận dụng những lợi thế của mình để làm du lịch. Tại tỉnh Gia Lai, để thu hút khách du lịch thì ngoài những nét chung địa phương nào cũng có thì vẫn có những nét riêng, điểm nhấn khác biệt để thu hút khách. Những nét riêng này có thể là cách lựa chọn thời gian tổ chức, các hoạt động diễn ra tại lễ hội. Tuy nhiên, nét mới như thế nào cần thay đổi theo từng mùa lễ hội để thu hút du khách. "Qua những lần tổ chức lễ hội, ngành du lịch tỉnh Gia Lai đã tiếp thu, phát triển những mặt được và hạn chế những mặt chưa tốt để ngày càng hoàn thiện" - ông Vũ nói.
Trong đó, riêng lễ hội hoa dã quỳ năm này sẽ có nhiều hoạt động trình diễn như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm. Đặc biệt có hoạt động mới cực kỳ hấp dẫn là tổ chức bay dù lượn để ngắm hoa dã quỳ nở từ trên cao.
Ông Hoàng Nhưn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa, cho biết: "So với cỏ hồng Đà Lạt, đến với tuần lễ đồi cỏ hồng Đắk Đoa, du khách có thể vừa tham gia các hoạt động văn hóa vừa ngắm đồi cỏ hồng và những cây thông bonsai đặc trưng mà Đà Lạt không có được" - ông Nhưn nói.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, mỗi địa phương làm du lịch là bán cái khách cần chứ không phải bán cái mình có. Do đó, việc phát triển du lịch đặc trưng mỗi vùng miền rất quan trọng.
Bà Ngọc nhìn nhận có sự trùng lặp trong việc quảng bá du lịch như tổ chức ngày hội cỏ hồng, lễ hội hoa dã quỳ nhưng riêng TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã mang thương hiệu thì du khách tìm đến đây không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn là nơi nghỉ dưỡng nên không sợ chồng chéo.
Tỉnh Lâm Đồng đang tập trung khai thác, xây dựng thế mạnh du lịch theo hướng chất lượng cao. Cùng với các loại hình du lịch truyền thống, Lâm Đồng đang là tỉnh đi đầu trong phát triển loại hình du lịch canh nông: rau, hoa, trà, cà phê, tơ lụa..., nghĩa là đưa quy trình sản xuất ngành nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu đến du khách. Trong đó, điều kiện cần và đủ các cơ sở kinh doanh loại hình này phải xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn, du lịch cộng đồng phải gắn với văn hóa bản địa nhằm cải thiện sinh kế cho bà con các vùng ven TP Đà Lạt. Ngoài ra, với điều kiện địa lý và khí hậu Đà Lạt, theo bà Ngọc, còn có một sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh lớn thu hút khách du lịch là loại hình du lịch mạo hiểm mà các tỉnh bạn không có hoặc rất ít.
Đà Lạt đã mang nét riêng rồi
"TP Đà Lạt đã mang nét riêng rồi khi lượng du khách đến với Đà Lạt ổn định. Họ đến đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp và nghỉ dưỡng. Còn đối với các tỉnh bạn, chủ yếu du khách đến để tham quan và tham gia lễ hội..." - bà Bích Ngọc nhấn mạnh.
|
ĐÌNH THI - HOÀNG THANH
Người Lao động
|