Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Không thể có thỏa thuận thương mại đầy đủ trước tháng 1/2019
Mỹ vẫn dự định nâng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 1/2019. Kịch bản tốt nhất có thể có là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đồng ý về một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán thương mại kế tiếp tại cuộc gặp gỡ vào cuối tháng này. Đây là nhận định của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross
|
Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về chương trình nghị sự cho cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 30/11-01/12 ở Buenos Aires (Argentina). Khi được hỏi về chuyện Trung Quốc gửi văn bản trả lời các yêu cầu của Mỹ trong tuần này, ông Ross cho biết trong ngày thứ Năm (15/11) rằng mọi thứ trước cuộc gặp gỡ chỉ mang tính chuẩn bị mà thôi.
“Sự kiện lớn trong tháng sẽ là cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Tất cả những thứ khác chỉ là sự chuẩn bị cho tới lúc đó. Mọi việc sẽ được ấn định khi có một khuôn khổ thực sự”, ông cho biết.
Không thể mong chờ hai nhà lãnh đạo sẽ “thảo luận về những thông tin chi tiết – kiểu như bao nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng, bao nhiêu cái này, bao nhiêu cái kia. Đó là bức tranh lớn, nhưng nếu mọi thứ tiến triển tốt đẹp, thì sẽ có khuôn khổ để tiến thêm trong tương lai”, ông Ross cho hay. “Chúng ta chắc chắn sẽ không có thỏa thuận đầy đủ chính thức trước tháng 1/2018. Điều đó là bất khả thi”.
Ông Ross cho biết, Mỹ vẫn dự định nâng mức thuế áp lên hàng rào thuế quan 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 01/01/2018.
Yêu cầu của ông Trump
Mỹ có danh sách yêu cầu dài với 142 mục, trong đó sẽ cần phải có thời gian để bàn luận “chứ chưa nói đến chuyện giải quyết chúng”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho hay.
Những nhận định của ông Ross là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump ngày càng muốn tiến tới một thỏa thuận với Trung Quốc để chấm dứt cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên – một yếu tố đã khiến nhà đầu tư và các công ty trên khắp thế giới “đứng ngồi không yên”. Thế nhưng, những nhận định này cũng là sự thừa nhận rằng việc tiến tới một thỏa thuận khó tới nhường nào.
Những người thân cận với cuộc thảo luận cho biết, câu trả lời của phía Trung Quốc trong tuần này không hề có bất kỳ đề xuất mới nào hoặc cũng không cam kết sẽ thay đổi các chính sách như chiến dịch “Made in China 2025” như Tổng thống Donald Trump mong muốn.
Dù vậy, ông vẫn tự tin cho rằng rồi hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận nhưng câu hỏi ở đây là khi nào.
Tác động của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
Ông Ross hạ thấp tác động của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới cuộc đàm phán với Trung Quốc và cả chiến dịch tranh cử 2020, cho rằng các yếu tố chính trị trong nước sẽ không “chi phối cuộc trao đổi” giữa hai nhà lãnh đạo.
“Những gì chi phối cuộc trao đổi là thời điểm hai quốc gia cảm thấy họ sẵn sàng làm vậy”, ông nói.
Trung Quốc cũng chứng tỏ là họ có nhận thức về những lợi ích thương mại của chính mình và tác động của các biện pháp pháp lý tới nó, ông Ross cho biết, ám chỉ tới quyết định giảm mức thuế 25% lên LNG xuống còn 10%.
“Trung Quốc cần LNG. Nhu cầu LNG là vô độ. Trên thực tế, nhu cầu ở mọi nơi đang bắt đầu trở nên không thể thỏa mãn được", ông cho hay. "Trung Quốc không thể làm bất kỳ điều gì tác động tới lợi ích của chính họ".
Cho tới nay, chính quyền Mỹ đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ một loạt các yêu cầu của Mỹ liên quan tới hoạt động giao thương hai bên. Đáp lại, Trung Quốc đánh thuế lên hàng hóa Mỹ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|