Sự sụp đổ của công ty cho vay ngang hàng đang hủy hoại đời sống người dân Trung Quốc như thế nào?
“Con quá nhỏ bé để có thể chống lại chúng”, một phụ nữ 31 tuổi từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) viết trong một lá thư gửi tới bố mẹ cô vào đầu tháng 9/2018, sau khi đánh mất gần 40,000 USD vì một công ty cho vay ngang hàng trực tuyến (online P2P lending) phá sản. “Một công ty cho vay P2P có sự hậu thuẫn của Chính phủ vừa bỏ trốn, cổ đông của công ty cũng không sẵn lòng chịu trách nhiệm, những người điều tra thì làm việc rất miễn cưỡng. Con quá mệt mỏi và chẳng nhìn thấy hy vọng nào”. Sau đó, người phụ nữ này đã tự tử. Cái chết và bức thư của cô được đưa lên các bài viết trên mạng xã hội Weibo.
Hàng trăm người dân khác – cũng là nạn nhân của công ty cho vay ngang hàng PPMiao – đã tới Thượng Hải để biểu tình vào cuối tháng 8/2018, nhưng đã bị cảnh sát và nhân viên bảo vệ đẩy lùi. “Chúng tôi mất tất cả, và tôi còn sắp phải nộp tiền học phí cho đứa con trai 3 tuổi vào tháng tới”, một người đàn ông tên Chen cho biết.
4,000 người Trung Quốc đã mất tổng cộng 117 triệu USD sau vụ sụp đổ của PPMiao, theo lời những người đã rót vốn vào công ty này. Nhiều người trong số này đã tới các thành phố lớn của Trung Quốc để đòi bồi thường. Trong giai đoạn từ tháng 6-8/2018, hơn 400 nền tảng cho vay ngang hàng đã phá sản, dựa trên dữ liệu từ công ty nghiên cứu Yingcan Group. Dù vậy, vẫn còn tới 1,800 công ty cho vay ngang hàng đang còn hoạt động và ngân hàng đầu tư China International Capital Corp. dự báo con số này sẽ thu hẹp về gần 200 công ty sau khi có thêm công ty cho vay ngang hàng sụp đổ.
Hoạt động cho vay ngang hàng ở Mỹ – bởi các công ty như Prosper Marketplace Inc. và LendingClub Corp. – chỉ là một “giọt nước” trong “đại dương” đầu tư của Mỹ. Ở Trung Quốc, những công ty cho vay ngang hàng thu hút tới 50 triệu người tiết kiệm – hơn cả dân số của New York và Texas cộng lại. Đây là những người muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời từ 10% trở lên, gấp đôi so với những gì họ có thể kiếm được nếu bỏ tiền vào ngân hàng. Hồi tháng 6/2018, tổng lượng vốn đầu tư vào các công ty cho vay ngang hàng lên tới mức kỷ lục 200 tỷ USD.
Chính phủ Trung Quốc đã và đang tìm cách tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay ngang hàng – một hoạt động vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và là một phần của hệ thống ngân hàng ngầm (shadow bank). Trước đó trong mùa hè này, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo những người tiết kiệm đang sử dụng trang web cho vay P2P rằng họ hãy chuẩn bị tinh thần đánh mất tất cả. Mặc dù không phải nền tảng P2P nào cũng bị cáo buộc là gian lận, nhưng các quan chức cho biết nhiều trang web cho vay P2P cần tiền vào để chi trả cho lượng tiền đến hạn trả. Nói cách khác, chúng giống như âm mưu lừa đảo kiểu Ponzi. Các trang web khác thu hút nhà đầu tư chỉ trong 1 tuần và sau đó cầm tiền bỏ trốn.
Hoạt động cho vay trực tuyến trở nên phổ biến ở Trung Quốc sau khi nước này thắt chặt tín dụng ngân hàng trong năm 2010. Trong năm 2012, tổng khoản cho vay còn thấp hơn 1 tỷ USD. Sau đó, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một cặp đôi trẻ tuổi đang tìm kiếm những người khác để đầu tư vào đám cưới của họ: Cho họ vay tiền để trả tiền cho bữa tiệc cưới và tuần trăng mật và khi họ nhận được tiền cưới và quà cưới sẽ trả lại vốn gốc và tiền lãi. Các doanh nghiệp nhỏ thì muốn vay nợ để mua máy móc mới, cam kết trả hết nợ khi sản lượng gia tăng.
Ngày nay, các trang web cho vay P2P cung cấp những khoản đầu tư như thương phiếu – cũng giống như trái phiếu ngắn hạn do các doanh nghiệp nhỏ phát hành. Những thương phiếu này – do các công ty phát hành và được các ngân hàng thương mại đảm bảo – thường là một phần của các giao dịch doanh nghiệp và một thương phiếu có thể được bán cho định chế tài chính khác hoặc tới Ngân hàng Trung ương trước khi đến hạn. Trong một vài trường hợp gian lận về cho vay P2P, nhà đầu tư khiếu nại rằng các thương phiếu không hề tồn tại và lượng vốn mà họ góp vào cũng chẳng đến được nơi mà họ dự tính. “Rủi ro từ các nền tảng này không được truyền tải đầy đủ tới nhà đầu tư”, Kapron cho hay. “Nó thật không bền vững”.
Đó là trường hợp của Quark Finance – đã phá sản vào ngày 25/08/2018. Cảnh sát Thượng Hải cho biết, nhà sáng lập Quark Finance đã thú tội và thừa nhận rằng ông đã huy động tiền gửi một cách bất hợp pháp. Công ty này có tổng khoản cho vay chưa được thanh toán là 556 triệu USD tính tới tháng 7/2018, trong khi giá trị giao dịch tích lũy trên nền tảng này lên tới 2.3 tỷ USD. Trong một tuyên bố trên trang web của mình, Quark Finance cho biết họ đang hợp tác với cảnh sát điều tra. Cảnh sát cho biết, họ đang kêu gọi các nạn nhân báo cáo vụ việc cho các chính quyền địa phương và ngưng tụ tập biểu tình.
Khi PPMiao sụp đổ trong mùa hè này, họ đã thay đổi địa chỉ pháp lý của công ty từ Hàng Châu sang một khu dân cư ở Nam Ninh. Vào ngày 06/08/2018, họ đã ngừng thanh toán cho nhà đầu tư và thông báo đóng cửa. Họ cho biết, họ đã lên kế hoạch chi trả cho nhà đầu tư trong vòng 3 năm tới. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức”, PPMiao cho biết trong tuyên bố trên. “Chúng tôi hứa là sẽ không bỏ trốn, sẽ không né tránh và sẽ trả lại tiền cho nhà đầu tư theo từng gói”. Một số nhà đầu tư cho vay ít hơn 1,500 USD đã được hoàn trả.
Gia đình ông Chen – người đã tới Thượng Hải để biểu tình sau khi đánh mất tổng cộng 23,000 USD tiền của gia đình – lúc đầu đã tới Hàng Châu, nơi họ bị cảnh sát ngăn chặn và nói với họ rằng vụ việc đang được điều tra và họ buộc phải chờ. Sau đó, họ đã tới Thượng Hải để biểu tình tại văn phòng của HuaAn Future Assets – đơn vị quản lý tài sản trực thuộc HuaAn Fund Management Co. Đây là một công ty mà gia đình ông Chen và một số nhà đầu tư khác tin là một trong ba công ty do PPMiao sở hữu.
HuaAn đã đưa ra một tuyên bố trong ngày người dân biểu tình, trong đó cho biết họ đã đầu tư vào công ty sở hữu PPMiao theo danh nghĩa của một khách hàng. Ngoài ra, sau đó, họ cũng cho biết cả công ty này và vị khách hàng đó đều không tiết lộ mối liên hệ với PPMiao. HuaAn “rất đồng cảm với tất cả nạn nhân và sẽ tích cực làm việc với cảnh sát trong bất kỳ vụ điều tra nào”, tuyên bố trên cho biết.
Đối với người phụ nữ từ Chiết Giang, lời hứa của HuaAn có vẻ đã quá trễ. “Đừng buồn”, cô viết trong lá thư gửi tới bố mẹ. “Con ra đi, nhưng cuộc sống của bố mẹ cần phải tiếp tục. Con đã đánh mất niềm tin vào cuộc sống và xã hội này. Con không hề sợ chết, nhưng con thực sự sợ phải tiếp tục sống”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|