Nhiều điều 'lạ' ở phiên tòa Vinasun kiện Grab
Kéo dài gần 1 tuần, phiên tòa xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab vẫn lòng vòng chưa tìm ra lời đáp. Trong khi nhiều chuyên gia đánh giá đây là vụ kiện hết sức... nực cười.
Cần cân nhắc thẩm quyền của tòa trong vụ kiện giữa Vinasun - Grab
- Ngọc Dương
|
Thẩm quyền thuộc Bộ GTVT, không phải tòa án
Sau gần 1 tuần tranh tụng giữa các bên, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đang dần chuyển từ mục đích ban đầu là Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại 41 tỉ sang việc cáo buộc Grab vi phạm pháp luật, định danh mô hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) này.
Nếu 1 DN hoạt động theo đúng pháp luật, làm ăn tốt khiến đối thủ thiệt hại hàng nghìn tỉ thì anh cũng phải chịu. Đấy không phải lỗi của DN mà chính là do anh
LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO
|
LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO nhận định ngay từ đầu, kiện bồi thường ngoài hợp đồng không phải mục tiêu chính của Vinasun. Đấy chỉ là cái cớ để các bên tham gia tranh tụng, để tòa phân tích, kết luận rồi từ đó suy ra Grab chính là DN taxi. "Vinasun đang mượn gió bẻ măng, thông qua quá trình thụ lý vụ án của tòa để gián tiếp gắn mô hình kinh doanh taxi cho Grab, mục đích sâu xa là tác động, ảnh hưởng đến bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi của Bộ GTVT và nếu như bản dự thảo mới nhất (Bộ GTVT kiến nghị gom trứng về 1 giỏ, quản Grab như taxi truyền thống) được thông qua thì coi như vụ kiện cũng kết thúc" - ông nói.
LS Trương Thanh Đức khẳng định Tòa án Kinh tế - TAND TP.HCM hoàn toàn không có đủ thẩm quyền để giải quyết yêu cầu của Vinasun. Vinasun cáo buộc Grab hoạt động vi phạm đến án thí điểm 24, cái này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; Cáo buộc Grab vi phạm quy định về giá, khuyến mãi thì gửi đơn kiến nghị giải quyết lên Bộ Công thương mới là hợp lý. "Còn nếu nói vì Grab ra đời, nhiều tài xế chuyển sang chạy Grab, người dân đi Grab nhiều nên Vinasun thua lỗ thì quá nực cười. Nếu 1 DN hoạt động theo đúng pháp luật, làm ăn tốt khiến đối thủ thiệt hại hàng nghìn tỉ thì anh cũng phải chịu. Đấy không phải lỗi của DN mà chính là do anh" - LS Đức nói thẳng.
Đồng tình, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM cho rằng tòa không có quyền từ chối đơn kiện của bất cứ cá nhân, tổ chức nào nhưng phán quyết của tòa phải dựa trên các quy định quy phạm pháp luật. Cụ thể trong trường hợp này, khung quản lý hiện hành của Grab là Đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, đã được tổng kết, đánh giá và được Thủ tướng Chính phủ gia hạn. Nếu có vấn đề gì thì Bộ GTVT và Chính phủ đã có ý kiến rồi. Tòa không thể đứng trên cả pháp luật, muốn xử phải xin ý kiến đánh giá của Bộ GTVT, Bộ Công thương và của Chính phủ.
Tính thiệt hại kiểu "bốc thuốc"
Trong quá trình diễn tiến của vụ kiện, Grab nhiều lần yêu cầu tòa hoãn vụ án nhưng phía hội đồng xét xử liên tục bác bỏ. Đơn cử, Công ty Cửu Long - đơn vị giám định độc lập được tòa chỉ định để giám định thiệt hại (nếu có) của Vinasun không có mặt. Đại diện quyền lợi cho Grab tại tòa đánh giá sự có mặt của đơn vị giám định là hết sức cần thiết vì phía Grab đánh giá nghiên cứu và cách tính của Cửu Long có rất nhiều sơ hở, có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Nếu đơn vị này vắng mặt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định của Cửu Long cũng như gây khó khăn cho việc tranh tụng, biện hộ, bảo vệ quyền lợi của Grab tại tòa.
Tài xế Vinasun sẵn sàng bỏ làm đến vây kín trước cổng tòa mỗi phiên xử
- TN
|
Chúng ta chuẩn bị ký Hiệp định thương mại CPTPP, sẽ có rất nhiều mô hình kinh doanh mới như vậy, tất cả những hành vi từ phía quản lý mang tính bảo hộ DN trong nước, cản trở sự phát triển của cái mới sẽ khiến DN nước ngoài e dè
LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM
|
LS Trương Thanh Đức cho rằng thiệt hại tính toán cho Vinasun đang làm theo kiểu "bốc thuốc", không rõ ràng, không có căn cứ cơ sở. Đơn vị tư vấn có nghĩa vụ phải có mặt để giải thích, làm cơ sở cho tòa đi đến kết luận. Không có mặt trong tất cả các phiên xử là bất thường, có vấn đề.
LS Nguyễn Văn Hậu phản ứng gay gắt với việc tòa cho phép Vinasun tiếp cận, sao chụp các tài liệu bao gồm hợp đồng giữa Grab với các hợp tác xã, danh sách các hợp tác xã trong khi Grab khẳng định đó là bí mật kinh doanh của DN. Theo Hiến pháp, bí mật của cá nhân, gia đình, tổ chức là bất khả xâm phạm. Tòa có quyền yêu cầu Grab cung cấp nhưng không có quyền cung cấp cho bên thứ 3 là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt đối một tòa án dân sự lại càng không được quyền. Grab hoàn toàn có quyền kiện ngược lại hành vi của những người tham gia tố tụng vì đã xâm phạm và để lộ bí mật kinh doanh của mình.
"Vụ kiện này có quá nhiều điều vô lý và kết luận của tòa đang được dư luận trông chờ rất nhiều. Nếu tòa tuyên Vinasun thắng kiện, sẽ có rất nhiều tiền lệ xấu được hình thành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường kinh doanh của VN. Chúng ta chuẩn bị ký Hiệp định thương mại CPTPP, sẽ có rất nhiều mô hình kinh doanh mới như vậy, tất cả những hành vi từ phía quản lý mang tính bảo hộ DN trong nước, cản trở sự phát triển của cái mới sẽ khiến DN nước ngoài e dè. Tất cả phải phục vụ cho môi trường kinh doanh bình đẳng, không thể vì lợi ích nào đó mà ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước" - ông Hậu thẳng thắn bày tỏ.
LS Trương Thanh Đức đánh giá Vinasun là DN taxi lớn nhất cả nước nhưng loạt hành động như vận động tài xế dán đề can phản đối, huy động các tài xế bỏ xe, bỏ phục vụ khách hàng đến biểu tình nhằm gây sức ép trước cổng tòa đang tự làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng.
|
Hà Mai
THANH NIÊN
|