12 dự án yếu kém ngành công thương đang nợ hơn 32.000 tỷ đồng
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội, 12 dự án yếu kém của ngành đang nợ 32.000 tỷ đồng. Trong đó có một số khoản được khoanh nợ.
Trước kỳ họp thứ 6, Bộ Công Thương đã gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương. Trong đó bộ này tiếp tục báo cáo Quốc hội cụ thể về tình hình và kết quả xử lý đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có tất cả 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2018 là 20.943 tỷ đồng.
Số tiền này tăng 96 tỷ đồng so với thời điểm 31/1 do một số ngân hàng giải ngân, thu hồi nợ đối với các khoản cho vay dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng.
Một góc Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án yếu kém. Ảnh: Hiếu Công.
|
Trong tổng số 20.943 tỷ đồng các ngân hàng thương mại cấp tín dụng đối với các dự án, có 17.211 tỷ đồng cấp tín dụng trung hạn (chiếm 82%), còn lại 3.732 tỷ đồng là cấp tín dụng ngắn hạn (chiếm 18%).
Hiện tại cũng có 7/12 dự án vay nợ tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Dư nợ gốc còn 10.119 tỷ đồng và 1,69 triệu USD (39,4 tỷ đồng) (tổng cộng khoảng 10.156 tỷ đồng). Trong đó khoanh nợ cho dự án đóng tàu Dung Quất là 524 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn là 707 tỷ đồng và 150.000 USD (3,5 tỷ đồng).
Tổng số lãi chưa trả là 1.881 tỷ đồng và gần 64.000 USD (1,5 tỷ đồng) (tổng cộng khoảng 1.182 tỷ đồng).
Đang nợ VDB 11.338 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng đầu năm, 7 dự án mới trả được nợ gốc là 89,2 triệu đồng, trả nợ lãi là khoảng 22 triệu đồng và 1.200 USD (28 triệu đồng).
Như vậy, tính tổng nợ gốc và lãi mà 12 dự án đang nợ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, VDB là 32.281 tỷ đồng.
Báo cáo về tình hình hoạt động của 12 dự án, Bộ Công Thương cho biết trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi. Các nhà máy có lãi là Nhà máy phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, nhà máy thép Việt - Trung.
4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn là nhà máy đạm Hà Bắc (vẫn lỗ 203 tỷ đồng), nhà máy phân bón DAP số 2 - Lào Cai (lỗ 111 tỷ đồng), nhà máy đạm Ninh Bình (lỗ 702 tỷ đồng); Công ty đóng tàu Dung Quất (DQS - lỗ 62 tỷ đồng).
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại. 2 dự án còn lại đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại là nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Đối với 3 dự án xây dựng dở dang thì dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho. Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.
Hiếu Công
zing
|