Thứ Ba, 23/10/2018 06:35

Hệ lụy từ ‘kỳ tích’ xuất khẩu trái cây… ảo

Thống kê trái cây xuất nhập khẩu kiểu nhập nhằng có thể gây ra nhiều hệ quả khó lường.

Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả chín tháng đầu năm nay tiếp tục lập “kỳ tích” mới: Đạt khoảng 3,1 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, phân tích số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy nước ta đang xuất khẩu rất nhiều loại trái cây sang Trung Quốc (TQ) giùm cho Thái Lan (TL). Nghĩa là các doanh nghiệp nhập hàng từ TL vào nước ta bao nhiêu thì xuất sang TQ bấy nhiêu nhưng lại tính chung vào giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam (VN). Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.

Xuất khẩu giùm trái cây ngoại

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7-2018, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của VN sang TQ đạt hơn 1,7 tỉ USD. Đáng chú ý, một lượng lớn kim ngạch trái cây xuất khẩu sang thị trường này có xuất xứ từ TL.

Chẳng hạn riêng trong nửa đầu năm nay, trái cây xuất xứ TL chiếm kim ngạch đến 320 triệu USD, tương đương gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước ta sang thị trường TQ. Tương tự, trong sáu tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ TL đạt 333,3 triệu USD. Nếu trừ đi kim ngạch xuất khẩu sang TQ tương đương khoảng 96% thì lượng hàng để tiêu thụ nội địa chỉ khiêm tốn ở con số 13,3 triệu USD, chiếm 4%.

Các loại trái cây có xuất xứ TL được nhập khẩu về VN, sau đó xuất khẩu tiếp sang TQ chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, nhãn… Đặc biệt, phân tích từ số liệu thống kê cho thấy gần 100% nhãn tươi, nhãn khô, sầu riêng, măng cụt… mà VN nhập khẩu từ TL về đều đem xuất khẩu sang TQ. Với thuế nhập khẩu 0% từ các nước ASEAN, trái cây TL tạm nhập vào VN rồi tái xuất sang TQ giá ngày càng tăng mạnh.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, thừa nhận xuất khẩu rau quả VN đang tăng trưởng mạnh. Trái cây VN đang ngày càng tăng chất, tăng uy tín, nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng quốc tế.

Tuy vậy, nhìn chung trái cây TL có chất lượng và hình thức đều hơn, đẹp hơn trái cây Việt cùng chủng loại. Do vậy, việc họ chọn hình thức tạm nhập tái xuất qua VN cũng là điều bình thường và không có quy định nào cấm hình thức này.

“Mặt khác, do nhu cầu tại thị trường TQ lớn, cần nguồn cung cao nên các công ty VN chọn cách nhập về bán qua TQ kiếm lợi nhuận cũng là điều hiển nhiên” - TS Mai nói.

Không chỉ trái cây Thái Lan mượn Việt Nam làm nơi quá cảnh để xuất sang Trung Quốc mà nhiều loại trái cây ngoại khác cũng tương tự. Ảnh: QUANG HUY

Cần chính xác để tránh gây hệ lụy

Dù cho rằng việc VN nhập khẩu trái cây ở nước thứ ba rồi xuất khẩu sang TQ là bình thường nhưng TS Võ Mai lưu ý: Nếu số liệu thống kê nhập nhằng, không chính xác, lẫn lộn giữa hàng tạm nhập tái xuất với hàng xuất khẩu chính hiệu của VN sẽ gây ngộ nhận về thành tích xuất khẩu rau quả. Nguy hiểm là khi thông tin không đúng này có thể dẫn tới doanh nghiệp, trang trại, nông dân… ồ ạt đầu tư trồng loại trái cây mà theo thống kê TQ nhập nhiều từ VN nhưng lại là trái cây TL. Điều này dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu chín tháng đầu năm 2018 đạt 1,3 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường mà VN nhập khẩu rau quả lớn nhất là TL, chiếm 45% thị phần và TQ chiếm 22%.

“Do đó, tôi cho rằng không chỉ phải thông tin rõ ràng về số liệu xuất nhập khẩu rau quả mà còn cần kênh thông tin chính xác về nguồn cung, nhu cầu thị trường, dự báo thị trường xuất khẩu… để doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các sở NN&PTNT, cán bộ khuyến nông nắm được. Từ đó mới thông tin cho người dân, giảm dần trồng tự phát, phát triển chuỗi liên kết nông dân với doanh nghiệp nhằm giảm rủi ro” - TS Mai nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia khác cũng lo ngại việc thống kê kiểu gom luôn trái cây tạm nhập tái xuất vào chung một “rổ” với trái cây trong nước xuất khẩu sẽ tạo số liệu ảo, lợi bất cập hại cho ngành này. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, nói: “Việc thống kê chung hàng TL tạm nhập tái xuất vào số liệu xuất khẩu rau quả VN có thể khiến cho số liệu trở nên thiếu chính xác, từ đó ảnh hưởng tới việc Nhà nước hoạch định chính sách trong lĩnh vực này. Đặc biệt là chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, dự báo cung cầu thị trường xuất nhập khẩu”.

Ông Tùng cũng cảnh báo cần kiểm soát những mặt hàng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để mạo danh xuất xứ VN xuất sang nước thứ ba nhằm lẩn tránh thuế. “Nếu không kiểm soát chặt có thể bị vạ lây, tức bị nước nhập khẩu áp dụng chính sách phòng vệ thương mại, hoặc dùng hàng rào kỹ thuật gây khó cho hàng VN xuất khẩu” - ông Tùng nói.

VN thành bãi đáp trái cây nhiều nước

Không chỉ trái cây TL mượn VN làm nơi quá cảnh để xuất sang TQ, nhiều ý kiến lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, sắp tới nhiều loại trái cây ngoại nhập sẽ tạm nhập vào VN rồi tái xuất sang TQ.  Cụ thể, trái cây Mỹ có thể nhập khẩu về VN để né thuế nhập khẩu cao của TQ, sau đó tái xuất bằng nhiều đường, chủ yếu là tiểu ngạch sang thị trường này. Tương tự, trái cây từ châu Âu, châu Úc… cũng có thể mượn VN làm bãi đáp rồi xuất sang thị trường TQ.

Do đó cơ quan quản lý cần kiểm dịch, kiểm tra chất lượng để tránh dịch bệnh, hàng tồn dư chất cấm tạm nhập vào VN ảnh hưởng uy tín trái cây trong nước.

QUANG HUY

PHÁP LUẬT

Các tin tức khác

>   Ngành nào đem lợi nhuận cao nhất ở VN? (22/10/2018)

>   TP.HCM ban hành mức giá thu gom rác mới (22/10/2018)

>   Đề nghị 2019 không bố trí kinh phí mua xe công (22/10/2018)

>   Luật Chứng khoán sửa đổi: Thêm gợi ý cho phương án nới room ngoại lên 100% (22/10/2018)

>   Các vụ việc lớn như AVG, Vũ 'nhôm', Út 'trọc' được xử lý nghiêm minh (22/10/2018)

>   Sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt (22/10/2018)

>   Sắp có 'phố ẩm thực' trên bến Bạch Đằng (22/10/2018)

>   Thuế xuất nhập khẩu gỗ với EU sẽ giảm từ 1/2019 (22/10/2018)

>   MobiFone rớt khỏi top doanh nghiệp nộp ngân sách lớn (22/10/2018)

>   Kinh doanh đa cấp biến tướng phức tạp (22/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật