Chủ Nhật, 14/10/2018 09:41

“Nào, mình cùng đi xe buýt”

“Nào, mình cùng đi xe buýt” là tên gọi của một chương trình mang tính giải trí xuất hiện trên VTV vài năm trước. Thế nhưng nó chẳng liên quan gì đến việc kêu gọi người dân sử dụng xe buýt hằng ngày - với tư cách là một phương tiện giao thông hiện đại, thân thiện của thành phố.

Nhiều tuyến buýt chưa thu hút được hành khách đi xe. Ảnh: P.V

Bây giờ, người Hà Nội vẫn chưa thật sự hài lòng và “phải lòng” với xe buýt. Hãy thử mạnh dạn cất xe máy ở nhà một hôm, làm một chuyến buýt tới công sở hay trường học. Có thể, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ.

Những “công dân” xe buýt

Tôi chính thức tự cho mình là một công dân xe buýt khi bỏ khoảng tiền 200.000 đồng để mua chiếc tem vé tháng dán vào thẻ xe liên tuyến. Điều này có nghĩa là với tấm thẻ ấy, tôi có thể nhảy lên bất kỳ chiếc xe buýt nào.

Khi trở thành “công dân xe buýt” tôi mới thấm thía giá trị của nó mang lại khi chạy chiếc xe máy trên đường, từng hà hít bao nhiêu khói bụi, từng cau có than thở khi chết đứng giữa đám đông kẹt xe, khi mưa lạnh quất đầy mặt… chưa bao giờ có.

Anh bạn tôi - bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cũng tự nguyện trở thành “công dân xe buýt” thỉnh thoảng đưa lên Facebook cá nhân những câu nửa đùa nửa thật rằng: “Chỉ khi bạn ngồi hưởng thụ cái mát lạnh của điều hòa thì bạn mới thấy thương những người chối bỏ xe buýt để ngập trong nắng nôi, khói bụi thế kia”.

Con số Công ty xe buýt Hà Nội đưa ra là năm 2017, xe buýt Hà Nội phục vụ gần 450 triệu lượt khách, tức là gấp 4 lần dân số Việt Nam hiện nay. Con số ấy tưởng là nhiều, thực chất vẫn còn ít ỏi vì gần nửa tỉ lượt khách kia thực ra mới  chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu đi lại của người Hà Nội.

Người dân, nhất là dân thành phố chưa quen hoặc không muốn thích xe buýt. Lý do thì có nhiều. Một trong số đó là vấn đề tâm lý: Sự sĩ diện. “Tôi mà phải đi xe buýt ư?”, “Đi xe buýt chứng tỏ… ít tiền”, “Đi xe buýt thật chả sang chảnh tí nào”… đó là những suy nghĩ rất cơ bản để ngăn cản người ta yêu xe buýt.

Thật ra, trước khi trở thành “công dân xe buýt” tôi cũng có suy nghĩ ấy. Thậm chí những ngày đầu đi làm bằng xe buýt, tôi còn ngại gặp người quen hoặc ngại phải thú nhận với nhân viên của mình rằng đã sử dụng xe buýt mỗi ngày.

Tất cả là vì tâm lý và góc nhìn. Vừa rồi, trang Beat có một dòng trạng thái, hẳn là do một bạn trẻ nào đã từng gắn bó với xe buýt viết ra, nhận được hàng chục nghìn nút “like”. Bạn trẻ đó viết: “Thanh xuân ai từng dành trọn cho Hà Nội, mà chưa từng đôi ba lần đặt chân lên xe buýt, thì chưa phải là trọn vẹn thanh xuân.

Ngày mùa hạ, ta chạy trốn khỏi căn phòng bừng nhiệt, rảo bước chân xuống phố, chờ đợi một chuyến xe buýt chạy qua, trên từng chuyến xe, đôi mắt vô định hướng ra những con đường dài thẳng tắp..

Ngày mưa lạnh, khẽ khàng núp dưới bóng ô, gọn đôi chân nhẹ nhàng tránh đi từng giọt mưa đang phả vào người, ta lặng yên bên trạm dừng nhỏ, chờ đợi chuyến xe về...

Là những ngày nỗi buồn chẳng thèm gọi tên, ta khẽ nghiêng đầu bên ô cửa sổ, suy tư đôi ba dòng về thanh xuân này. Là những câu chuyện chưa hồi kết trên giảng đường, những mẩu thanh xuân vụn vặt mà đáng nhớ, ta cùng tri kỷ cất giữ trên chuyến xe tuổi trẻ.

Hay còn là cả một chuyện tình ngây ngô mà dại khờ thuở thanh xuân, vụt đến rồi vụt đi, ta cũng vô tình bắt gặp trên chuyến xe buýt năm nào. Để rồi một cái nắm tay nhè nhẹ, hay khoảnh khắc ai đó dựa đầu vào vai, cũng đủ khiến ta cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng đến nao lòng...”.

Nhiều tuyến buýt chưa thu hút được hành khách đi xe. Ảnh: P.V

Hóa ra, xe buýt cũng lãng mạn như chính tuổi trẻ

Lý do nữa khiến người Hà Nội ngại xe buýt, đó là sự bất tiện: Phải chờ đợi, phải đi bộ quá xa mới đến điểm dừng. Ít nhất, đã có một giải pháp cho chuyện này. Phần mềm “tìm buýt” ra đời đúng là một cuộc cách mạng.

Cài vào điện thoại cá nhân, tôi sẽ biết chính xác chiếc xe tôi chờ đang đi đến đâu và khi nào thì đến điểm dừng cho tôi lên xe. Vậy là, tôi không còn phải đứng dưới nhà chờ trong cái nắng nóng oi ả hay rét run cầm cập nữa. Chỉ cần vào phần mềm, tìm chuyến xe của mình, thong thả bách bộ ra nhà chờ và lên xe…

Trên chuyến xe đi làm hằng ngày, thôi thấy có những “công dân xe buýt” chỉ 9-10 tuổi. Những đứa trẻ vai đeo cặp nặng trịch, đứng chờ và mạnh mẽ, dứt khoát bước lên xe như những người trưởng thành thực thụ. Những đứa trẻ này lớn lên, chắc chắn sẽ dành cho xe buýt những ưu tiên nhất định. Đó sẽ là tương lai…

Xe buýt là văn hóa

Trong suy nghĩ của rất nhiều người, hình ảnh xe buýt bị gắn với hai từ “ác cảm”. Nó đến từ thực tế. Đã từng có lúc xe buýt được coi như “hung thần” trên đường, nghênh ngang đánh võng coi thường tính mạng người tham gia giao thông. Đã từng có lúc xe buýt được coi là “ổ” của bọn móc túi, ma cô.

Xe buýt bây giờ đã khác nhiều dù vẫn còn một số vụ tai nạn mà thủ phạm là xe buýt và chuyện mất ví, mất điện thoại vẫn còn, nhưng hãn hữu.

Đã bắt đầu hình thành “văn minh xe buýt”. Trên những chuyến xe tôi đi, hình ảnh những sinh viên, thanh niên đứng dậy vui vẻ nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ đã trở nên bình thường như vốn nó phải thế.

Thế nhưng, để có hẳn một “cuộc cách mạng về văn hóa trên xe buýt” còn phải một thời gian dài. Các quy định đối với hành khách cũng có, Công ty xe buýt Hà Nội (Transerco) cũng đưa ra hẳn 10 quy định đối với hành khách, khá đủ nhưng lại thiếu tính chi tiết.

Ở bang Honolulu (Mỹ) chẳng hạn, quy định về việc tham gia giao thông bằng xe buýt rất rõ ràng, chi tiết như “cấm sử dụng bất kỳ hình thức thức ăn hay thức uống nào, hay mang theo hoặc tàng trữ bất kỳ loại thức ăn hay thức uống nào trong vật đựng không đậy kín, đóng gói để giảm thiểu khả năng vô tình tràn đổ khi vật đựng bị lắc hay rơi”, “cấm sử dụng bất kỳ thiết bị âm thanh nào trên xe buýt trừ khi hành khách sử dụng hệ thống tai nghe để không làm ồn. Điện thoại di động phải được để ở chế độ rung hoặc tắt chuông báo khi đi xe buýt”…

Xe buýt sẽ rất khó kéo khách nếu không đảm bảo các yếu tố “sạch, đẹp, văn hóa và tiện lợi”. Những công dân xe buýt cũng thừa nhận rằng so với vài năm trước thì hình ảnh xe buýt bây giờ đã có nhiều thay đổi, từ màu sắc cho hành khách dễ nhận ra ví như xe nội thành màu xanh biển, xe giữa các khu dân cư màu xanh lá cây, xe màu vàng, xe màu cam… có bảng thông tin Led hiển thị lộ trình, có hệ thống âm thanh báo điểm dừng đỗ, các tuyến buýt kết nối, có wifi miễn phí…

Để thay đổi định kiến về xe buýt không dễ và cần sự hợp tác từ nhiều phía. Và việc từ bỏ dần xe cá nhân để sử dụng phương tiện là cần thiết để thành phố văn minh, hiện đại.

Đôi khi tôi nghĩ, có lẽ cần một biện pháp cứng rắn, ví dụ như cấm triệt để xe máy đi trong thành phố. Thế nhưng để thay đổi cần căn cứ vào ý thức và nhu cầu người dân chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.

Vậy, bạn đã sẵn sàng bỏ xe máy ở nhà để “cùng đi xe buýt chưa”?

Ghi chép của Linh Anh

LĐO

Các tin tức khác

>   Giải mã sức sống mãnh liệt của mỳ gói - ông vua đồ ăn tiện lợi (13/10/2018)

>   Những thương hiệu nổi tiếng không còn của Mỹ (13/10/2018)

>   Internet toàn cầu có thể bị gián đoạn trong 48 giờ tới (12/10/2018)

>   Hồng Kông tính xây đảo nhân tạo để giải quyết khủng hoảng nhà ở (12/10/2018)

>   Mập mờ vé tàu Tết (10/10/2018)

>   Sinh viên và những công việc thâu đêm (08/10/2018)

>   Vietnam Airlines mở bán vé máy bay Tết từ hôm nay 8-10 (08/10/2018)

>   Đường sắt Việt Nam triển khai thanh toán vé tàu bằng QR Code (08/10/2018)

>   Giá vé tàu Tết 2019 ở đâu so với vé máy bay? (08/10/2018)

>   Nhật Bản: Người lao động từ 65 tuổi trở lên có thể vẫn được tuyển dụng (06/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật