Thứ Bảy, 13/10/2018 13:30

Giải mã sức sống mãnh liệt của mỳ gói - ông vua đồ ăn tiện lợi

Trong thời đại thực phẩm sạch lên ngôi, tưởng như mỳ gói - "đứa con" của một doanh nhân thất bại bị cho là có khả năng gây hại cho sức khỏe - sẽ dần đi tới chỗ diệt vong. Nhưng không, mỳ gói vẫn sống tốt và thậm chí còn có được những tác động ít ai ngờ tới.

Một du khách ngắm hàng nghìn loại mỳ ăn liền nằm trên tường Bảo tàng mỳ ăn liền ở Yokohama (Nhật Bản).

Mỗi người dân thế giới ăn trung bình 13 gói mỳ

Ở tuổi 12, Coss Marte bắt đầu bán ma túy ở New York, Mỹ. Năm 15 tuổi, anh ta bị bắt, kết án và ngồi tù một năm. Đó là lần đầu tiên trong 3 lần phải ngồi tù của Coss. Lần nào anh ta cũng sống sót nhờ một món “cơm tù” đặc biệt.

“Mỳ ăn liền, khoai tây chiên đóng gói, bánh quy phô mai Cheezits. Nếu may mắn, anh sẽ thó được một củ hành từ khu bếp”, Coss kể với phóng viên hãng tin BBC. “Anh trộn hết những thứ đó lên, thêm vào chút tương cà hay sốt mayonnaise. Nhiều người từng nói với tôi rằng món đó thơm ngon như đồ ăn nhanh ở nhà hàng Taco Bell vậy”.

Có thể nói rằng mỳ ăn liền là thứ đồ ăn phổ biến và rẻ tiền nhất trong các nhà tù Mỹ, với mỗi 3 gói chỉ tốn có 1USD. Nhưng mỳ ăn liền không chỉ được ưa chuộng trong các nhà tù. Năm ngoái, người dân toàn cầu đã tiêu thụ tổng cộng 100 tỉ gói mỳ. Con số này tương đương 13 gói trên mỗi đầu người.

Tại nơi mỳ ăn liền ra đời, đất nước Nhật Bản, doanh số bán mỳ đã sụt giảm rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cao trong những năm 1970 và 1980. Cụ thể, doanh số mỳ ăn liền ở đây chỉ chiếm 5% tổng doanh số toàn cầu. Nhưng hãy đừng bị đánh lừa vì con số đó. Nhật Bản vẫn là đất nước tiêu thụ mỳ ăn liền lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau có Trung Quốc và Indonesia. Mỗi năm người Nhật ăn tới 5,5 tỉ gói mỳ.

Nhưng có lẽ với Nhật Bản, câu chuyện đằng sau gói mỳ ăn liền quan trọng hơn là hành động mua và ăn sản phẩm này. Người ta tin rằng những gói mỳ, hiện đang nằm trong ký túc xá của vô số đại học trên thế giới, có nguồn gốc từ một dạng mỳ ramen mà các đầu bếp Trung Quốc đưa tới Nhật Bản trong giai đoạn những năm 1880.

Ở hình thức đơn giản và cơ bản nhất, mỳ ramen truyền thống làm từ bột mỳ sẽ được bỏ vào bát, chan đầy bằng một thứ nước dùng khá sánh, điểm thêm vài lát thịt hoặc đậu phụ. Trước kia, mỳ ramen là đồ ăn của dân lao động Nhật Bản. Họ ăn những tô mỳ lớn để có sức cho một ngày làm việc vất vả. Nhưng Thế chiến thứ 2 đã thay đổi mọi thứ. Nhiều vùng đất trồng cây nông nghiệp ở Nhật Bản bị bom hủy diệt. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, những người sống sót lập tức phải đối mặt với cái đói.

Đó là khi người hùng xuất hiện: Một doanh nhân thất bại có tên Momofuku Ando. Công bằng mà nói thì Ando đã từng thành công, trước khi trắng tay trở lại vài lần, kể cả ở quê hương gốc của ông tại Đài Loan cũng như ở Nhật Bản. Thời chiến tranh, Ando kiếm được nhiều tiền nhờ sản xuất phụ kiện công nghiệp, nhưng rồi lại vỡ nợ. Đã có lúc ông còn phải ngồi tù vì lừa đảo. Sau đó ông lãnh đạo một ngân hàng, nhưng nó cũng không trụ được lâu trước khi phá sản.

Bất chấp những biến cố đó, Ando không nản chí. Ông quyết gây dựng lại danh tiếng và gia sản. Một thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, những người Ando quen tại Bộ Nông nghiệp Nhật Bản nói rằng họ đang không biết phải làm thế nào để người Nhật ăn nhiều hơn bột mỳ nhập từ Mỹ - thành phần chủ chốt trong các mặt hàng viện trợ của Mỹ khi đó.

Ando mới hồi tưởng lại một hình ảnh mà ông chứng kiến khi chiến tranh kết thúc: Những hàng dài người lao động mệt mỏi, nhẫn nại xếp hàng chờ đợi được ăn một tô mỳ ramen nóng. Ando nghĩ rằng thứ người ta cần là một phiên bản hiện đại của món mỳ đó và quan trọng là họ có thể ăn nó thật nhanh, thay vì phải chờ đợi trong lúc đang đói rã họng. Thật tiện khi mỳ ramen mới này sẽ dùng rất nhiều bột mỳ của Mỹ.

Vậy là ở tuổi 48, Ando biến đổi bản thân trở thành một nhà phát minh về đồ ăn. Ông lui vào ở ẩn trong một căn lều gỗ nằm ở sân sau của nhà ông trong suốt 1 năm trời. Khi trở ra, ông đã giới thiệu sản phẩm trông vô cùng lạ mắt khi ấy: Các sợi mỳ ramen ăn liền khô cứng, được ép thành bánh với hình chữ nhật. Người ta chỉ cần chế nước sôi vào là có một bát mỳ nóng hổi, thật tiện lợi vô cùng.

Momofuku Ando, cha đẻ của mỳ gói hiện đại.

Phát minh vĩ đại nhất của người Nhật

Cho tới nay, mì gói đã được bầu chọn - tới vài lần - là phát minh số một của Nhật Bản, hơn cả tàu cao tốc hay máy nghe nhạc Walkman, vượt xa máy tính xách tay và karaoke.

Để tưởng nhớ công lao của Ando, người Nhật đã tái tạo căn lều gỗ của ông tại một trong ba bảo tàng về mỳ gói đang tồn tại ở nước này. Bảo tàng mới nhất và lớn nhất trong số đó nằm ở thành phố biển Yokohama. Nơi này thuộc sở hữu của công ty thực phẩm Nissin, do Ando thành lập.

Du khách ghé thăm sẽ được mời tham quan “khối cầu lịch sử mỳ gói”, thực tế là một căn phòng sáng rực, bên trong được xếp vô số sản phẩm mỳ gói, bắt đầu bằng những gói mỳ Chikin Ramen do Ando tạo ra và kết thúc là các loại mỳ ăn liền cao cấp được bán tại những nhà hàng gắn sao Michelin.

Giữa 2 thái cực ấy là hàng nghìn gói mỳ được bán trên toàn cầu. Khi ngắm nghía chúng, người ta không khỏi thán phục trước khả năng sáng tạo của các nhà kinh doanh. Mỳ gói sinh ra tại Nhật Bản, nhưng để dễ dàng được chấp nhận khi đi ra bên ngoài, nó phải biến đổi liên tục, thêm vào các loại mùi vị mà ngay cả Ando cũng không tưởng tượng ra nổi.

Đơn cử như một số nước đã bổ sung thêm húng tây và dầu olive vào hương vị của mỳ gói. Các nước khác thì thêm vị phô mai hoặc vị hải sản béo mượt. Ở Mexico, người ta lại thích ăn mỳ gói với sốt salsa và một lát chanh.

Ở Nhật Bản, mỳ gói hiện cũng liên tục thay đổi để có thể hấp dẫn người tiêu dùng. Kasura Suzuki, nhân viên của công ty Nissin, cho biết: “Mỗi năm chúng tôi tung ra thị trường 300 loại sản phẩm. Tất cả chỉ để bán ở Nhật Bản và đây mới chỉ là con số của công ty chúng tôi. Nhưng chỉ 1% trong số đó trụ lại được trên thị trường. Các sản phẩm mỳ gói có vòng đời ngắn, bởi khách hàng luôn tìm kiếm sự mới mẻ. Vì thế chúng tôi phải rất sáng tạo”.

Trong bảo tàng mỳ gói mới khai trương, Nissin thậm chí đã đưa vào đó sản phẩm mỳ gói không gian. “Đây là phát minh cuối cùng mà người sáng lập Momofuku Ando của chúng tôi đã tạo ra”, Suzuki nói. “Sản phẩm này được dành riêng cho các phi hành gia, trong những chuyến bay lên vũ trụ”.

Khi được phóng viên hỏi lại rằng có đúng là ở tuổi 95, Ando vẫn làm việc và phát minh ra mỳ gói không gian, Kasura không hề ngập ngừng mà khẳng định luôn: “Đúng vậy. Ông ấy muốn vượt ra khỏi bầu khí quyển và đưa phát minh của mình vào không gian”.

Nhân viên bảo tàng và các du khách của nó cho thấy một cảm giác rõ ràng về niềm tự hào quốc gia. Dù Ando sinh ra ở Đài Loan nhưng phát minh của ông lại diễn ra và phát triển ở Nhật Bản. Mỳ gói có mặt vào thời điểm bước ngoặt trong lịch sử Nhật Bản, đồng hành với quá trình đi lên từ vị trí một quốc gia gặp khó khăn, tới chỗ một cường quốc kinh tế.

Chúng xuất hiện vào thời kỳ các gia đình Nhật đang bắt đầu sắm đầy những đồ gia dụng mới như ấm đun nước và TV liên tục chiếu các đoạn quảng cáo bắt mắt, khó quên về đồ ăn nhanh tiện lợi của thời hiện đại. Và như thế, mỳ gói dần chen vào đời sống xã hội, có chỗ đứng vững chắc.

Ngày hôm nay thậm chí đã xuất hiện cả một dạng văn hóa thưởng thức quanh những gói mỳ ăn liền ở Nhật Bản. Trung tâm của phong trào văn hóa này là một người đàn ông có tên Toshio Yamamoto, biệt danh Ton Tan Tin. Đây là người đã ăn và đánh giá nhiều loại mỳ gói nhất thế giới. “Tôi rất thích mỳ gói”, Yamamoto nói. “Tôi đã ăn mỳ gói từ năm lên 10 tuổi. Có thể nói vui rằng tôi sống nhờ mỳ gói”.

Yamamoto từng là một kỹ sư, nhưng các đoạn video đánh giá mỳ gói của anh đặc biệt thu hút nhiều fan. Dần dần anh bỏ việc để dành toàn bộ thời gian làm video về mỳ gói. Các công ty thi nhau gửi sản phẩm mới nhất tới nhờ anh xem xét. Người hâm mộ thì chuyển hàng xe mì gói đến làm quà. Tới nay anh đã đánh giá hơn 6.200 loại mỳ gói khác nhau.

Trên mạng, video của Yamamoto trông na ná nhau. Người xem sẽ chứng kiến gói mỳ từ khi còn nguyên vẹn, cho tới khi được đổ vào bát, chế nước và ăn thử. Sau quy trình này, anh sẽ cho điểm từng gói mỳ, theo thang điểm từ 1 tới 5.

"Tới nay tôi vẫn chưa tìm thấy loại mỳ gói nào đủ sức đạt 5 sao", anh nói. "Tôi vẫn đang trong hành trình tìm ra gói mỳ tuyệt hảo này. Gói mỳ đó sẽ phải chứa những sợi mỳ hoàn hảo. Nước dùng phải có chất lượng cao và hương vị phải cân bằng, hài hòa".

Yamamoto lướt nhanh qua các đoạn video của anh, được chiếu qua một chiếc màn hình lớn. Phần lớn các gói mỳ chỉ nhận được điểm 3. Tuy nhiên trong đó có 1 gói mỳ nhận được 0,1 điểm. "Những loại mỳ nhận điểm thấp như thế là do chúng có sợi quá dày và nước dùng thì quá đặc. Hương vị thì không tự nhiên. Những loại mỳ đó rất khó nuốt".

Mỳ gói đã vượt qua thuốc lá để trở thành mặt hàng được trao đổi nhiều nhất trong nhà tù Mỹ.

Khi mỳ gói giá trị như tiền

Nếu Nhật Bản là đất nước sinh ra mỳ gói, Trung Quốc lại là nơi giúp loại đồ ăn này trưởng thành. Trong số 100 tỉ gói mỳ được tiêu thụ vào năm ngoái, người Trung Quốc ăn tới 38 tỉ gói. Nhưng người Trung Quốc không hề thi vị hóa mỳ gói, như người ta đã làm ở Nhật Bản. Chẳng có bảo tàng mỳ gói nào ở đây cả, điều có thể gây sốc cho Ton Tan Tin.

Bên trong một ga tàu đông người qua lại ở trung tâm Bắc Kinh, du khách đang bận rộn chuẩn bị cho hành trình dài phía trước. Tại phòng chờ, các hành khách dù tay xách nách mang đủ loại hành lý vẫn không quên kẹp theo những túi nylon chứa vào cốc mỳ.

"Mỳ ăn liền là thứ rác rưởi", một cô gái trẻ nói với BBC khi ăn lẩu nóng trong lúc chờ lên tàu. “Ai cũng biết rằng ăn mỳ gây hại cho sức khỏe. Tôi không thích ăn mỳ. Người ta dùng nó chỉ vì tiện lợi mà thôi".

Trên con tàu, phóng viên BBC đã gặp gỡ Huan Zhuo Ming và Wang Li, một cặp vợ chồng đã 50 tuổi rất thân thiện. Cả hai đang về quê để thăm mộ cha mẹ. Tàu vừa rời bánh, ông Huan đã chế nước vào cốc mỳ của mình. "Chả còn gì khác để xơi cả nên ông ấy đành ăn mỳ", bà Wang Li phân trần.

Một máy nước nóng được đặt tại phía đuôi mỗi toa tàu và ở đó luôn có hàng dài người đang đứng chờ rót nước vào cốc mỳ của họ như ông Huan. Huan Zhuo Ming là một bảo vệ ở Bắc Kinh còn Wang Li là một người tạp vụ. Họ cưới nhau cách đây nhiều thập kỷ, nhưng không sống cùng nhau nữa mà ở riêng trong các khu tập thể của 2 công ty. Con gái của họ, người hành nghề y tá, sống trong một nhà tập thể thứ 3.

Những con người như thế này đã giúp Trung Quốc giàu hơn. Họ là lao động tỉnh lẻ, đã rời quê nhà ở vùng nông thôn để tới làm việc tại các nhà máy, các đô thị lớn ở Trung Quốc. Nhưng cuộc sống tạm bợ trong các căn nhà tập thể, xa người thân và xa hàng xóm, cũng khiến họ trở thành những đối tượng tiêu thụ mỳ gói lớn nhất tại Trung Quốc.

Dù sao thì "phong cách sống mỳ gói" đang dần trở thành chuyện của quá khứ. Doanh số bán mỳ gói ở Trung Quốc đạt đỉnh là 50 tỉ gói vào năm 2010, ngay sau khi nền kinh tế nước này chạm mốc tăng trưởng kỷ lục. Kể từ đó tới nay, doanh số đã tụt giảm đều đặn mỗi năm và riêng năm ngoái tụt mất 16%.

Các con số của chính quyền cho thấy tới năm 2011, một nửa số lao động tỉnh lẻ vẫn sống trong các khu nhà tập thể. Nhưng 5 năm sau, chỉ còn 13% lao động tỉnh lẻ ở nhà tập thể. 60% đã chuyển ra ở nhà thuê, những nơi có căn bếp để họ nấu nướng đồ ăn mình thích và không phải dùng tới mỳ gói nữa.

Ngày hôm nay, người lao động Trung Quốc ít dùng mỳ gói hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa các nhà sản xuất mỳ gói phải rời khỏi cuộc chơi. Nhiều người trẻ Trung Quốc hiện không biết nấu nướng và họ phụ thuộc vào các đồ ăn tiện lợi như mỳ gói hay đồ mang tới tận cửa.

Trở lại Mỹ, năm ngoái báo chí nước này lan truyền tin tức chấn động: Mỳ gói đã vượt qua thuốc lá để trở thành mặt hàng được buôn bán nhiều nhất trong các nhà tù. Đây là một sự vượt mặt đáng chú ý, bởi Mỹ đang giam giữ lượng tù nhân lớn hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, với 2,2 triệu người. Và sự thay đổi, từ thuốc lá sang mỳ gói, có lý do vì tiền.

Ngân sách liên bang bị cắt giảm khiến phần lớn các nhà tù chỉ cho phạm nhân ăn số calorie tối thiểu mỗi ngày. Nhiều nhà tù chỉ cho tù nhân ăn 2 bữa một ngày vào dịp cuối tuần. Trong cảnh thiếu thốn đồ ăn, tù nhân buộc phải xì tiền ra mua và mỳ gói được lựa chọn, đơn giản vì nó rẻ tiền.

Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Theo thời gian, mỳ gói dần có giá trong tù tới mức nó trở thành một dạng tiền tệ. Tù nhân dùng mỳ gói để trao đổi nhiều thứ với nhau. Cựu tù nhân Chandra Bozelko, người có 6 năm thụ án tại Connecticut vì phạm tội công nghệ cao, kể rằng trong tù người ta dùng mỳ gói để trao đổi nhiều thứ. "Tôi tin chắc rằng mỳ gói còn được dùng để trao đổi tình dục", cô nói.

Chandra nói rằng mỳ gói có thể giúp giảm căng thẳng trong tù: "Mỳ gói được dùng như một dạng tiền boa. Ví dụ như khi một người giặt đồ trong tù đưa đồ đã giặt sạch và là phẳng cho một phạm nhân, anh ta sẽ boa cho người đó một gói mỳ, dù không bị yêu cầu phải làm vậy".

Tương tự, bạo lực có thể xuất hiện nếu một tù nhân không trả món nợ mỳ gói cho người khác. Một cựu tù nhân cho BBC biết rằng, nhà tù Mỹ có luật ngầm của nó liên quan tới việc vay nợ mỳ gói. Nếu một phạm nhân vay 2 gói mỳ, trong 1 tuần anh ta phải trả 4 gói mỳ. "Tôi đã chứng kiến có người bị đâm dao vì không trả nợ mỳ gói. Vấn đề không phải vì những gói mỳ giá 30 xu. Vấn đề là mỳ đã trở thành một dạng tiền tệ trong tù", Chandra nói. Một thứ tiền tệ có thể ăn được.

Ngày hôm nay, đang có những sự vận động nhằm giúp tù nhân Mỹ được ăn uống lành mạnh hơn và không phải dựa vào những thứ như mỳ gói. Xu hướng này cũng xuất hiện trên quy mô toàn cầu. Các nhà sản xuất mỳ gói ở Trung Quốc và Nhật Bản nói rằng họ chịu áp lực lớn từ khách hàng trong việc thay đổi sản phẩm, theo hướng giảm muối và tăng dinh dưỡng trong gói mỳ.

Ở đây có một câu hỏi đặt ra: Chuyện gì sẽ xuất hiện nếu bạn chỉ ăn mỳ gói và không dùng thứ gì khác?

Kieran “Danger” Dooley có thể trả lời câu hỏi này. Anh đã ép mình ăn mỳ gói suốt một tháng trong một thí nghiệm cá nhân để phục vụ một dự án nghiên cứu thời còn sinh viên. Sau 30 ngày, Danger sút mất 11kg. Vốn là một người dễ gần nhưng trong giai đoạn làm thí nghiệm, anh đã trở thành một kẻ có tâm tính bất thường. Đã có lúc anh tự hỏi vì sao mình phải tự hành hạ bản thân như thế? Cuộc thử nghiệm kết thúc, Danger được điểm số cao hàng đầu tại trường để bù lại những khổ sở anh phải trải qua. Vậy kết luận của anh sau thử nghiệm là gì?

"Con người ta không thể sống chỉ bằng mỗi mỳ gói. Có lẽ họ vẫn sống, tồn tại thì đúng hơn là một cuộc sống có ý nghĩa", anh đánh giá.

Dĩ nhiên kết luận này của Danger không đời nào được những người còn tôn thờ cha đẻ mỳ gói Momofuku Ando chấp nhận. Nhưng đôi bên có thể thống nhất được một điều: Mỳ gói quả thực là món ăn tiện lợi của thế giới và các bát mỳ nóng hổi luôn sẵn sàng phục vụ những không dư dả tiền bạc chỉ sau vài phút chế biến. Như thế, chừng nào thế giới vẫn còn cảnh người lao động sống chen nhau trong các tòa nhà tập thể chật chội, hay các bữa ăn khó nuốt tại các nhà tù, chừng đó mỳ gói vẫn sẽ sống mãi.

Hương Giang (theo BBC)

Lao Động

Các tin tức khác

>   Những thương hiệu nổi tiếng không còn của Mỹ (13/10/2018)

>   Internet toàn cầu có thể bị gián đoạn trong 48 giờ tới (12/10/2018)

>   Hồng Kông tính xây đảo nhân tạo để giải quyết khủng hoảng nhà ở (12/10/2018)

>   Mập mờ vé tàu Tết (10/10/2018)

>   Sinh viên và những công việc thâu đêm (08/10/2018)

>   Vietnam Airlines mở bán vé máy bay Tết từ hôm nay 8-10 (08/10/2018)

>   Đường sắt Việt Nam triển khai thanh toán vé tàu bằng QR Code (08/10/2018)

>   Giá vé tàu Tết 2019 ở đâu so với vé máy bay? (08/10/2018)

>   Nhật Bản: Người lao động từ 65 tuổi trở lên có thể vẫn được tuyển dụng (06/10/2018)

>   Nhà kinh tế học đề xuất phát cho mỗi trẻ em Mỹ 60.000 USD (05/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật