Sinh viên và những công việc thâu đêm
Phục vụ quán nhậu, cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ,... là công việc làm thêm ban đêm của nhiều sinh viên. Dù biết rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học, sức khỏe, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn lựa chọn vì lý do khác nhau.
Lê Mỹ Hạnh làm việc trong ca đêm của mình. H.S
|
Chọn ca đêm để không trùng lịch học
Theo chia sẻ của nhiều sinh viên lựa chọn làm thêm ca đêm là vì vừa không trùng với lịch học ở trường, vừa có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Bạn Trần Tài Khánh Hưng, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, làm thêm ban đêm tại một cửa hàng tiện lợi (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thường học từ sáng đến chiều nên chọn làm ca đêm tại cửa hàng tiện lợi để không trùng lịch học".
Tương tự, bạn Phạm Ngọc Hậu, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết các công việc khác rảnh giờ nào mình làm giờ đó có thu nhập không ổn định, riêng làm đêm tại quán nhậu, mình không bị trùng lịch học và có thu nhập ổn định hơn. Từ số tiền kiếm được, mình có thể lo tiền ăn, tiền ở để ba mẹ đỡ gánh nặng kinh tế.
"Mình từng làm nhân viên bảo vệ cho một công ty trên đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TP.HCM, với ca từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Mình làm vì muốn kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống", bạn Huỳnh Thanh Hưng, sinh viên Trường đại học Thể dục, thể thao TP.HCM, bộc bạch.
Tuy nhiên, cũng có bạn lựa chọn làm ca đêm vì hoàn cảnh gia đình. Lê Mỹ Hạnh, sinh viên năm cuối Trường đại học Nguyễn Tất Thành, kể rằng: “Mình có hai em nhỏ đang trong tuổi ăn học, nếu làm ca ngày thì không thể đưa, đón các em đến trường, lại phải kèm cặp các em sao cho học hành thật tốt nữa. Vì vậy, mình đã chọn làm ca đêm ở một cửa hàng tiện lợi”.
Sắp xếp sao cho hợp lý?
"Không ít lần chóng mặt vì thiếu ngủ", Hưng nói và kể thêm rằng: lúc đầu, chưa sắp xếp được thời gian khi làm đêm nên nhiều lần mình có nhiều việc trong ngày không làm xong vì chỉ muốn ngủ bù cho đêm qua. Lâu dần rồi cũng quen”.
Hồ Thị Diễm, sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2, phục vụ ca đêm một quán cà phê trên đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: “Mỗi khi hết ca, mình thường ngủ tới tận trưa chiều hôm sau nếu không có lịch học. Có hôm đi học vì mệt nên mình đã ngủ trên giảng đường”.
“Hiện mình vẫn sắp xếp được việc học và đi làm thêm, tuy nhiên việc làm thêm thâu đêm nhiều sẽ dẫn đến những tác hại không ngờ”, Lê Mỹ Hạnh bày tỏ quan điểm.
Luôn ủng hộ sinh viên trong những quyết định của chính mình, trong đó có cả việc đi làm thêm, nhưng cô Nguyễn Thị Diễm Phương, giảng viên khoa báo chí và truyền thông Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2, lại khá lo lắng bởi nhiều sinh viên hiện nay thường tập trung quá nhiều vào việc kiếm tiền, bằng các công việc khác nhau, trong đó có cả việc làm thêm ban đêm, công việc ảnh hưởng rất nhiều đến việc học và sức khỏe của các bạn.
“Với 100% quỹ thời gian, hãy dành cho việc làm thêm 30% và còn lại là thời gian học tập, nghỉ ngơi. Các bạn nghỉ học để làm thêm có thu nhập nhưng bạn nợ môn, rồi đóng tiền học lại. Vòng luẩn quẩn ấy khiến bạn tốn thêm nhiều thời gian, công sức. Vậy tại sao các bạn không sắp xếp thời gian hợp lý, ưu tiên việc học nhiều hơn việc làm thêm, vừa đảm bảo kết quả học tập, tốt cho sức khỏe lại vừa được trải nghiệm”, cô Phương chia sẻ.
Hoài Sương
Thanh niên
|