Giảm rủi ro xuất khẩu cao su và đồ gỗ bằng cách nào?
Tình hình xuất khẩu cao su trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề được nhiều công ty, doanh nghiệp quan tâm tại hội thảo "Chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững" do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM.
Trong tháng 9/2018, giá cao su tự nhiên tại các thị trường chủ chốt giảm do lo ngại dự trữ cao su tại các nước tiêu thụ gia tăng, cũng như căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt.
|
Năm 2017, xuất khẩu cao su đạt 1,3 triệu tấn, với kim ngạch trên 2 tỷ USD, tăng 10,16% về lượng và 34,68% về giá trị so với năm 2016. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1629,09 USD/tấn, tăng 22,26%. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu cao su đạt 1,032 ngàn tấn, với kim ngạch đạt 1,425 tỷ USD. tăng 7,98 % về lượng nhưng giảm 12,1 về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc vẫn là thị trường số 1
Ngành cao su có các chuỗi cung ứng 3 nhóm mặt hàng chủ yếu, gồm: cao su thiên nhiên; sản phẩm cao su; gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su. Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ - cố vấn cao cấp của Forest Trends, ngành cao su có 2 nguồn cung là cao su đại điền và cao su tiểu điền. Lượng cao su tiểu điền cực kỳ lớn đang tham gia vào cung ứng cao su và sau này cao su tiểu điền sẽ trở thành nguồn cung gỗ rất quan trọng cho ngành gỗ.
Số liệu thống kê cho thấy, lượng cung của cao su tiểu điền ra thị trường chiếm khoảng 61,1%. Lượng cung gỗ cao su tiểu điền đang nhỏ nhưng trong tương lai do diện tích cao su tiểu điền lớn hơn cao su đại điền nên lượng cung gỗ cũng sẽ là trở thành nguồn cung cực kỳ quan trọng.
Đến nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành cao su vẫn là sản phẩm thô, với lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu chiếm trên 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Sản phẩm chế biến chỉ chiếm khoảng 17 – 18%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận trong việc xuất khẩu các sản phẩm của ngành cao su Việt Nam.
Ông Phúc nhận xét: "Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chế biến và xuất khẩu cao su và mang về giá trị gia tăng cao nhất. Dường như các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa chú trọng đến điều này".
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động rất lớn đến hầu hết các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, và càng có ý nghĩa hơn đối với ngành cao su cũng như gỗ cao su bởi Trung Quốc là thị trường số 1 của xuất khẩu cao su Việt Nam.
Chưa lường hết tác động với ngành cao su
Trong tháng 9/2018, giá cao su tự nhiên tại các thị trường chủ chốt giảm do lo ngại dự trữ cao su tại các nước tiêu thụ gia tăng, cũng như căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt. Giá cao su trong nước giảm so với cuối tháng 8/2018 theo xu hướng thị trường thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, nước này nhập khẩu 45,14 triệu tấn cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, trị giá 7,43 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng, nhưng giảm 15,2% trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với khối lượng xuất khẩu đạt 560,57 ngàn tấn, trị giá 770 triệu USD, tăng 10% về lượng, nhưng giảm 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt bình quân 1.374 USD/tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Tô Xuân Phúc, khi khối lượng hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị đánh thuế tương đương 267 tỷ USD, chiếm khoảng 47% tổng khối lượng hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, một khối lượng vô cùng lớn thì chắc chắn nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị rúng động. Điều đó có ý nghĩa gì đối với ngành sản xuất và kinh doanh của Việt Nam bao gồm cả ngành cao su?
Theo phân tích, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung những ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị tác động nhiều nhất có thể kể đến, gồm: máy tính, đồ gỗ, những sản phẩm ô tô, săm lốp ô tô. Những sản phẩm Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ có liên quan đến ngành cao su của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng bao nhiêu và ảnh hưởng như thế nào cho đến lúc này chúng ta chưa biết hết.
Để có thể giảm thấp nhất rủi ro do tác động từ cuộc chiếm thương mại Mỹ - Trung lên ngành gỗ và cao su, ngày 27/9/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức có yêu cầu Forest Trends đánh giá tác động của cuộc chiến Mỹ - Trung đối với ngành gỗ của Việt Nam. Nhìn vào các sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, sản phẩm gỗ có một danh sách rất dài. Do vậy, ngành cao su của Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động. Tác động như thế nào thì ngành hàng cao su nên tiến hành đánh giá ngay lập tức, nếu để chậm sẽ rất khó có biện pháp giảm rủi ro.
Khôi Nguyên
VNEconomy
|