Thứ Hai, 01/10/2018 11:00

Cá da trơn Việt đón tin vui từ thị trường Mỹ

Đề xuất của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây về việc công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ là tin vui lớn với cá da trơn Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự thảo quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn ở Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ của Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) sẽ tạo nhiều cơ hội cho cá da trơn Việt Nam rộng đường vào thị trường tiềm năng này

Rộng đường vào Mỹ

Mới đây, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Mỹ.

Theo đề xuất này, FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn (thuộc họ Siluriformes) ở Việt Nam, tương đương với hệ thống của Mỹ. Đề xuất đã được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày.

Mức thuế mới được áp dụng bắt buộc là 0,00 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg, thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13).

Cả ba quốc gia trên đã gửi đầy đủ tài liệu cho FSIS nhằm đánh giá và công nhận quá trình kiểm soát hệ thống chất lượng tương đương và đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Mỹ. FSIS đã xem xét tài liệu, tiến hành kiểm tra thực địa tại các quốc gia này và đưa ra kết luận trong bản dự thảo: Khi được triển khai, hệ thống kiểm tra của ba quốc gia trên tương đương với hệ thống kiểm tra của Mỹ.

Nếu Dự thảo đề xuất này là quyết định cuối cùng của Mỹ thì Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan sẽ đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Mỹ. Toàn bộ quy tắc kèm theo bản đề xuất sẽ được đưa vào Quy tắc Liên bang Mỹ (CFR).

Mỹ là thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam. Mặc dù khó khăn tại thị trường này là khá lớn, đặc biệt liên quan đến thuế chống bán phá giá rất cao mà Mỹ đã áp dụng là từ 2,39-7,74 đô la Mỹ/ki lô gam nhưng xuất khẩu cá tra đi Mỹ vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ. Trong tháng 7-2018, Mỹ vượt Trung Quốc để một lần nữa trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn nhất từ Việt Nam, với kim ngạch 58,5 triệu đô la Mỹ, cao hơn kim ngạch của Trung Quốc 38,4 triệu đô la Mỹ. Tính chung trong bảy tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 255,3 triệu đô la Mỹ, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá việc nuôi, sản xuất cá tra của Việt Nam tương đồng với các điều kiện sản xuất và giám sát chất lượng tại Mỹ sẽ giúp hình ảnh cá tra của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.

Bài toán giành thị phần

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không ngừng nóng lên đang mang đến cơ hội cho những quốc gia trong vai trò xuất khẩu các mặt hàng thay thế sang cả hai thị trường rộng lớn và tiềm năng này. Ngành thủy sản của Việt Nam mà điển hình là sản phẩm cá da trơn được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ - Trung nếu như biết nắm bắt cơ hội.

Cụ thể, trong gói đánh thuế của Tổng thống Donald Trump, các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp mức thuế là 10%. Theo thống kê của Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), cá rô phi đứng đầu cả về khối lượng (133.700 tấn) và giá trị (426,4 triệu đô la Mỹ) nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017. Trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm 75% tổng lượng cá rô phi nhập khẩu. Cá rô phi Trung Quốc cũng chi phối phần lớn thị phần cá thịt trắng nhập khẩu của Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, ba sa chỉ chiếm gần 25%. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ áp thuế, doanh số cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ ước tính đã giảm 20-30% so với trước. Diễn biến này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng (cá tra, cá ba sa) sang Mỹ để lấp vào thị phần sụt giảm từ cá rô phi của Trung Quốc.

Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn cần phải thực sự chú trọng tới chất lượng sản phẩm mới mong đứng vững được trên thị trường quốc tế và cạnh tranh với các đối thủ mạnh.

Theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, bây giờ chúng ta không còn “một mình một chợ” nữa, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi theo hướng tích cực để cạnh tranh, phải biết rằng mình đứng ở vị trí nào, cải thiện tất cả mọi mặt từ nuôi, chế biến, xuất khẩu, kể cả phải tính toán lại cách thức tổ chức sản xuất...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành cá tra với diện tích khoảng 5.000ha nhưng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,8 tỷ USD và còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam còn những điều chưa yên tâm, đó là chuỗi giá trị chưa cao, tính cạnh tranh, liên kết yếu... Do đó, yêu cầu các địa phương phát triển mặt hàng cá tra cần xem khâu giống là khâu “yết hầu”. Cùng với đó, phải tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ...

Nha Trang

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIÊP

Các tin tức khác

>   Giá heo hơi hôm nay 1/10: Giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh, Cục Chăn nuôi nói gì? (01/10/2018)

>   Bộ NN&PTNT thông tin thị trường nông sản cuối năm (28/09/2018)

>   Nghịch lý tiêu chuẩn hải sản vào siêu thị Việt khó hơn xuất châu Âu? (27/09/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 27/9: Liên tiếp trúng giá, bán 1 con lợn hơi lãi tới 2 triệu (27/09/2018)

>   Dịch bệnh hoành hành trên thế giới đẩy giá thịt lợn trong nước lên cao (26/09/2018)

>   Chuyện lạ: Tiêu chuẩn hàng thủy sản Việt Nam cao hơn châu Âu? (26/09/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 26/9: Giá lợn hơi hạ nhiệt, Mỹ tìm cửa xuất khẩu thịt vào Việt Nam (26/09/2018)

>   Có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá heo hơi (25/09/2018)

>   Rau quả lọt top hàng xuất khẩu chủ lực (24/09/2018)

>   Thực hư thông tin tư thương mua lá càphê với giá cao bất thường (23/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật