Thứ Tư, 03/10/2018 06:40

Nước ngoài "siết" truy xuất nguồn gốc nông sản

Các nước nhập khẩu, nhà bán lẻ ngày càng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc nông sản để chống gian lận xuất xứ và tăng khả năng kiểm soát hàng hóa

Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp (DN), nông dân cần nắm bắt thông tin kịp thời để tuân thủ, tránh đánh mất thị trường. Đây cũng là cơ hội để nông sản Việt xây dựng thương hiệu ở nước ngoài.

Thách thức và cơ hội

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi "thẻ vàng" của châu Âu (EU) đối với thủy sản, có thời điểm 100% lô hàng của công ty bị giữ tại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Để bảo đảm yêu cầu về nguồn gốc khai thác hợp pháp, công ty gặp nhiều khó khăn. Trong 10 tàu cá cung cấp nguyên liệu, công ty chỉ có thể mua được 3-4 tàu do đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Số còn lại không thể mua làm nguyên liệu do chủ tàu không ghi nhật ký khai thác, không thông báo thường xuyên vị trí đánh bắt.

Thanh long xuất khẩu sang Úc được thí điểm truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain.

Do nghề cá chủ yếu khai thác theo truyền thống nên việc ghi nhật ký khai thác chưa phải là thói quen hằng ngày của ngư dân. Lãnh đạo một cảng cá nhìn nhận do chưa quen, có trường hợp ngư dân ghi tọa độ khai thác ở trên đảo, xác định thời gian và quãng đường di chuyển không hợp lý nên không thể xác nhận được nguồn gốc nguyên liệu.

Các DN đang đề nghị nhà nước hỗ trợ ngư dân kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác điện tử nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý, khai thác hải sản, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.

Ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, những năm gần đây, các chuỗi bán lẻ ở nước ngoài còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe mà các DN xuất khẩu phải tuân theo nếu muốn bán được hàng.

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, cho biết Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới - vừa yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Lộ trình Walmart đưa ra cho các nhà cung cấp trực tiếp là cuối tháng 1-2019 và cuối tháng 9-2019 cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Sau Walmart, các chuỗi bán lẻ lớn tại châu Âu, Úc cũng đang chuẩn bị áp dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Trung, việc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn bởi các nhà bán lẻ muốn kiểm soát được thực phẩm "từng giây" để có phản ứng kịp thời khi xảy ra sự cố, không chờ rà soát hồ sơ, sổ sách như trước đây.

Mới đây, trong dự án "Hỗ trợ nông sản Việt Nam xây dựng nhận diện thương hiệu toàn cầu" do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ đã thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc chuỗi thanh long xuất khẩu sang nước này. Từ đó, người tiêu dùng tại Úc có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc quả thanh long và biết được thông tin đến tận người trồng ở Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thu Hằng, đại diện Quỹ châu Á, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng đòi hỏi thực phẩm nhập khẩu phải an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc. Xu hướng tiêu dùng này mang tới cho nông sản Việt Nam cơ hội xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng cao.

Phải làm thực chất

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong thời đại công nghiệp 4.0 nên vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng phải hướng đến số hóa, công nghệ cao. Việc nước ngoài yêu cầu truy xuất nguồn nông sản không phải là chuyện mới, đã làm khá lâu. Ngay cả thị trường Trung Quốc, trước giờ họ cũng có sự quản lý về nguồn gốc nhưng nay yêu cầu cao hơn, bài bản hơn. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chính thức gửi phía Trung Quốc để yêu cầu cùng phối hợp thực hiện truy xuất nguồn gốc vùng trồng trái cây của Việt Nam.

Ông Hoàng Trung nhận định đối với trái cây xuất khẩu, yêu cầu của thị trường là không nhiễm sâu bệnh, đạt các chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, có khả năng truy xuất nguồn gốc. Nhiều thị trường không yêu cầu phải áp dụng công nghệ cao miễn là chúng ta đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Do đó, DN và người sản xuất nên tiếp cận dần. Chưa nên áp dụng công nghệ quá cao dẫn đến đội giá thành, khó cạnh tranh.

Thường được gọi là "vua chuối" bởi xuất khẩu lượng lớn sản phẩm chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng: "Thị trường Nhật nổi tiếng khắt khe nhưng chúng tôi chỉ cần tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP và thêm các tiêu chuẩn riêng của họ là được. Vấn đề là mình phải làm thực chất, việc truy xuất nguồn gốc thông qua sổ nhật ký. Họ dùng các biện pháp kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu để đánh giá sản phẩm. Vừa qua, phía Nhật có đợt đánh giá nhà cung cấp và chúng tôi nhận được phản hồi rất tốt, sản phẩm tuân thủ quy định và được người tiêu dùng nước này ưa chuộng. Công ty có nhận được lời mời sử dụng dịch vụ ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc chuối xuất khẩu nhưng chưa thực hiện vì thị trường chưa cần" - ông Huy nói. 

Trong nước cũng đòi hỏi cao

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM) - DN xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ lớn nhất hiện nay, cho biết đang áp dụng số hóa trong việc truy xuất nguồn gốc từ nông hộ đến người tiêu dùng. Sản phẩm áp dụng công nghệ này dành cho thị trường trong nước còn hàng xuất khẩu công ty vẫn quản lý theo cách cũ. Lý do là thị trường trong nước người tiêu dùng đang rất thiếu niềm tin nên nhà sản xuất phải chứng minh bằng việc tăng sự minh bạch, đây cũng là cách để từng bước xây dựng thương hiệu trái cây trên sân nhà. Còn tại thị trường Mỹ, người tiêu dùng tin vào hệ thống quản lý chặt chẽ mà nước này đang áp dụng đối với chuỗi trái cây nhập khẩu nên chưa cần thiết phải triển khai.

Bài và ảnh: Vương Ngọc

NLĐ

Các tin tức khác

>   Cá tra nguyên liệu và cá giống khan hiếm (02/10/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 2/10: Giá vẫn ở mức cao, đâu là giải pháp cho nông hộ? (02/10/2018)

>   Cá da trơn Việt đón tin vui từ thị trường Mỹ (01/10/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 1/10: Giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh, Cục Chăn nuôi nói gì? (01/10/2018)

>   Bộ NN&PTNT thông tin thị trường nông sản cuối năm (28/09/2018)

>   Nghịch lý tiêu chuẩn hải sản vào siêu thị Việt khó hơn xuất châu Âu? (27/09/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 27/9: Liên tiếp trúng giá, bán 1 con lợn hơi lãi tới 2 triệu (27/09/2018)

>   Dịch bệnh hoành hành trên thế giới đẩy giá thịt lợn trong nước lên cao (26/09/2018)

>   Chuyện lạ: Tiêu chuẩn hàng thủy sản Việt Nam cao hơn châu Âu? (26/09/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 26/9: Giá lợn hơi hạ nhiệt, Mỹ tìm cửa xuất khẩu thịt vào Việt Nam (26/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật