Thứ Ba, 02/10/2018 09:46

Cấp bách mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Chiều qua (1.10), Bộ GTVT phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo quyết định được duyệt, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791 ha - Ảnh: Độc Lập

Có thể khai thác tới 55 triệu khách/năm

Theo quyết định được duyệt, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất được quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng). Trong đó, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía nam hơn 35 ha, phía bắc hơn 171 ha. Bên cạnh cải tạo, mở rộng công suất nhà ga T1 và T2 hiện hữu đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm, quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía nam đáp ứng công suất 20 triệu lượt khách/năm để nâng công suất của toàn cảng đạt 50 triệu lượt khách/năm.

Sân bay Tân Sơn Nhất theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E (tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I. Tính chất sử dụng chung dân dụng và quân sự với 160 vị trí đỗ. Đồng thời, bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía tây nam đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106. Với khu bay, quy hoạch giữ nguyên 2 hệ thống đường cất hạ cánh (CHC) 25R/07L kích thước 3.050 m x 45 m và CHC 25L/07R kích thước 3.800 m x 45 m. Sân đỗ máy bay được bổ sung sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía tây nam đáp ứng 56 vị trí. Bổ sung thêm nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và khu xử lý logistics tại khu vực phía bắc trên diện tích đất 20,2 ha.

Con số 50 triệu hành khách/năm là công suất thiết kế, nếu tổ chức tốt vẫn có thể khai thác được 55 triệu hành khách/năm

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Về quy hoạch giao thông, đối với đường ra vào cảng sẽ sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4 - 6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám vào đường Thân Nhân Trung quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E quy mô 4 - 6 làn xe. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung cầu vượt trên cao kết nối khu vực trung tâm TP với nhà ga T3, bổ sung đường trên cao từ cuối sảnh ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi và một nhánh xuyên công viên Hoàng Văn Thụ để xuống đường Hoàng Văn Thụ... Cùng với đó là các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, hệ thống thoát nước và hồ điều hòa chống ngập cho sân bay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định nếu cố gắng sắp xếp, làm tốt khâu tổ chức sẽ không lo ùn tắc. “Theo lộ trình đến 2021 - 2022 sẽ có những giai đoạn quá tải nhưng không đến mức ùn tắc. Con số 50 triệu hành khách/năm là công suất thiết kế, nếu tổ chức tốt vẫn có thể khai thác được 55 triệu hành khách/năm”, ông Thọ nói.

Nhanh chóng tìm nguồn vốn đầu tư

Trình bày chi tiết điều chỉnh quy hoạch sân bay, đại diện Công ty tư vấn thiết kế và xây dựng công trình hàng không (ADCC) cho biết tổng chi phí xây dựng cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25.000 tỉ đồng, chưa bao gồm giải phóng mặt bằng. Cũng theo vị này, phần đất cần giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất quốc phòng nên sẽ “nhẹ” hơn nhiều so với các công trình xây dựng khác.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá việc triển khai thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, các đơn vị liên quan cần sớm lập kế hoạch đầu tư các hạng mục trong quy hoạch với các hình thức đầu tư, huy động vốn phù hợp, cố gắng để năm 2022 có thể đưa vào khai thác sân bay theo quy hoạch mới.

Cục Hàng không VN có trách nhiệm giao các cảng vụ tổ chức triển khai quy hoạch, gắn liền với kế hoạch xác định từng khu chức năng, từ đó mới tính toán được kế hoạch sử dụng đất, tìm ra hình thức huy động đầu tư phù hợp, gắn liền với trách nhiệm của từng đơn vị.

“Một loạt các hệ thống kết nối hạ tầng bao gồm giao thông, điện, thoát nước, khu bay... cũng cần tính toán thật kỹ. Đây là công trình lớn, cần có chính sách kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Thọ nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, việc quan trọng nhất cần phải làm ngay là xây dựng nhà ga hành khách T3. "Hạng mục này vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT, cần đề xuất lên cấp Chính phủ, xin Thủ tướng có chủ trương để đầu tư ngay công trình này. Bên cạnh đó, một loạt các công trình phụ trợ liên quan, sân đỗ cũng cần nhanh chóng thực hiện đấu thầu, lựa chọn tư vấn, cân đối nguồn lực để đầu tư", ông Thọ đề xuất.

Hà Mai

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Amazon, Alibaba dồn dập chiêu mộ nhà bán hàng Việt Nam (02/10/2018)

>   Trễ hẹn 1 tháng, Bộ Công Thương vẫn chưa quy được trách nhiệm ở vụ Con Cưng (01/10/2018)

>   Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu hồi dự án chung cư vi phạm xây dựng (01/10/2018)

>   Bộ GD-ĐT nói gì về việc chiết khấu hàng trăm tỉ phát hành sách giáo khoa? (01/10/2018)

>   'Siêu Ủy ban sẽ xoá bỏ tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi' (01/10/2018)

>   Kiến nghị bãi bỏ quy định chụp ảnh chính chủ thuê bao di động (01/10/2018)

>   “Tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp FDI” (01/10/2018)

>   'Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn sử dụng sai 1.900 ha đất công' (01/10/2018)

>   Những mô hình 'Siêu Ủy ban' của thế giới mà Việt Nam học tập (01/10/2018)

>   Thu nghìn tỷ, 'ông trùm' đường cao tốc ước lãi chưa đến 400 triệu (01/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật