Thứ Hai, 01/10/2018 21:39

Bộ GD-ĐT nói gì về việc chiết khấu hàng trăm tỉ phát hành sách giáo khoa?

Trước thông tin mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa hàng trăm tỉ đồng/năm (tương đương 25% doanh thu hằng năm 1.000 tỉ đồng), báo cáo Chính phủ, Bộ GD-ĐT khẳng định mức chiết khấu này là rất thấp.

Báo cáo Chính phủ, Bộ GD-ĐT khẳng định mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa 25% là rất thấp. ẢNH: BẢO NGỌC

Vì sao phải chiết khấu tới 25%?

Báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa giai đoạn 2012 - 2017 nêu rõ, về việc chiết khấu phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, việc phát hành sách giáo khoa thông qua hệ thống các công ty sách - thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước.

Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

Cũng như vậy, toàn bộ các công ty sách - thiết bị trường học, các đối tác phát hành, các đại lý, cửa hàng bán lẻ... trong kênh phân phối sách giáo khoa đều hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu tác động của các quy luật của thị trường. Các cấp đại lý (bán hàng) phải tự hạch toán, tự cân đối... không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc phát hành sách giáo khoa.

Bộ GD-ĐT giải thích, sách giáo khoa cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.

Cụ thể, chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các công ty sách - thiết bị trường học, các đối tác phát hành là 20% (đối tác chiến lược) và 18% (đối tác phát hành). Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lý cấp dưới, còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lý, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lý... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, để giảm chi phí vận chuyển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị công ty sách - thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu tại từng khu vực. Mức chiết khấu bán hàng dành cho các đơn vị này là 5%.

Phần phí phát hành để các đơn vị đầu mối này phải thực hiện các phần việc như đôn đốc, điều phối nhà in nhập kho đáp ứng tiến độ phát hành; tổng hợp kế hoạch đặt và cung ứng hàng hóa;... chi trả các chi phí thuê và vận hành kho bãi, bảo hiểm hàng hóa, bao bì, vận chuyển sách tới kho của đối tác, hao hụt (rách, hỏng do vận chuyển), chi phí hàng tồn kho, nhân công bốc xếp, chi phí quản lý, chi phí vốn vay ngân hàng; thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.

"Mức chiết khấu thấp gây khó khăn rất lớn"

Từ những phân tích trên, báo cáo của Bộ GD-ĐT khẳng định mức chiết khấu (phí phát hành) đối với sách giáo khoa hiện nay (18 - 20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35 - 40%).

Hơn nữa, giá sách giáo khoa hiện ở mức thấp, chỉ bằng (30 - 40%) đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành sách giáo khoa càng nhỏ, dẫn tới việc các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành sách giáo khoa do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.

Theo Bộ GD-ĐT, để kìm giữ được giá sách giáo khoa như hiện nay, đồng thời giảm bớt việc phải bù đắp khoản lỗ trong việc in và phát hành sách giáo khoa, trong 16 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty sách thiết bị trường học đồng thuận, cùng chia sẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành để giảm dần chiết khấu đối với sách giáo khoa.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT còn cho hay, trước năm 2008, mức chiết khấu sách giáo khoa được áp dụng từ 21 - 34%, tùy theo địa bàn có khó khăn về điều kiện đường xá (đồng bằng - biên giới, hải đảo), phương tiện vận chuyển (ô tô, xe thồ, xe ngựa) cũng như mức độ phát triển kinh tế.

“Mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa (18 - 20%) như hiện nay là một khó khăn rất lớn đối với các công ty sách - thiết bị trường học, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo”, báo cáo của Bộ GD-ĐT khẳng định.

Tuệ Nguyễn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   'Siêu Ủy ban sẽ xoá bỏ tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi' (01/10/2018)

>   Kiến nghị bãi bỏ quy định chụp ảnh chính chủ thuê bao di động (01/10/2018)

>   “Tạo cơ chế để doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp FDI” (01/10/2018)

>   'Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn sử dụng sai 1.900 ha đất công' (01/10/2018)

>   Những mô hình 'Siêu Ủy ban' của thế giới mà Việt Nam học tập (01/10/2018)

>   Thu nghìn tỷ, 'ông trùm' đường cao tốc ước lãi chưa đến 400 triệu (01/10/2018)

>   Bến du thuyền của Vũ 'nhôm' sẽ trở thành trung tâm thông tin du lịch? (01/10/2018)

>   Quảng Ninh sáp nhập 7 chi cục thuế thành 3 chi cục (01/10/2018)

>   Cao su Việt và những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (01/10/2018)

>   TP.HCM tăng phí giữ xe (01/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật