Thứ Sáu, 19/10/2018 08:38

Bỏ sổ hộ khẩu: Sao phải chần chừ!

Việc bỏ sổ hộ khẩu để quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội

Ngày 17-10, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng. Theo dự thảo này, Bộ Công an đưa ra 2 phương án: giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Không phiền hà người dân

Với phương án 1, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Nhà nước không phải tốn kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.

Người dân làm chứng minh nhân dân tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu… dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh, khối lượng hồ sơ giấy tờ lưu trữ là rất lớn, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc quản lý, bảo quản.

Đối với phương án 2, sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân và doanh nghiệp đang phải chi trả.

Bộ Công an đánh giá hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như: CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe… Thậm chí, học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Hiện việc xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được những kết quả bước đầu như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hạ tầng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 địa phương thông qua cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh...

Bên cạnh đó, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. "Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi" - Bộ Công an cho biết.

Đúng tinh thần của Hiến pháp

Đại diện Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia từ nhiều nguồn khác nhau như: Tàng thư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an quản lý… Ngoài ra, thông qua việc tổ chức đăng ký cư trú tại công an các xã/ phường/thị trấn sẽ dần dần cập nhật đầy đủ thông tin đối với mỗi công dân.

Theo đại diện Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân có quyền được khai thác thông tin của mình trong đó để giải quyết thủ tục hành chính và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Để bảo đảm thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kịp thời, mỗi người dân cũng có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định.

Đánh giá về dự thảo này, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cho rằng việc Chính phủ thông qua đề xuất của Bộ Công an về bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, rất đáng hoan nghênh. Ngoài ra, điều này bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp, Luật Cư trú là công dân có quyền tự do đi lại, cư trú, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp.

"Sổ hộ khẩu chỉ phù hợp với thời kỳ bao cấp, nó liên quan đến chế độ vùng miền, ví dụ: ở Hà Nội sẽ được hưởng trợ cấp bao nhiêu, ở các tỉnh khác là bao nhiêu… Tuy nhiên đến nay, việc quản lý này lại tạo một số hạn chế liên quan đến quyền đi học, quyền làm việc của công dân" - ông Toàn nhấn mạnh

TS Nguyễn Ngọc Kỷ (cựu cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an - một chuyên gia về căn cước công dân), cho rằng cần phải tập trung điện tử hóa và hợp nhất các hệ thống quản lý dân cư hiện hành (căn cước công dân, hộ khẩu và hộ tịch) làm Cơ sở dữ liệu dân cư gốc và phát triển các dịch vụ trên mạng, tạo điều kiện kết nối các hệ thống chuyên ngành khác. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào năm 2020 là khó khả thi. "Theo tôi, phải ít nhất khoảng gần 10 năm mới có thể làm xong" - ông Kỷ nói.

Thẩm phán TRƯƠNG VIỆT TOÀN, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội:

Công bằng khi hưởng các dịch vụ công

Bỏ sổ hộ khẩu là bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân của mình, cũng như chính quyền thực hiện tốt công việc quản lý về dân cư. Việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính cho công dân cũng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Cán bộ thực hiện công vụ cũng không thể đưa ra những lý do liên quan đến sổ hộ khẩu để đòi hỏi, sách nhiễu hay cản trở việc người dân.

Thượng tá NGUYỄN ĐỨC HÙNG, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP Đà Nẵng:

Nhẹ gánh

Bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương đúng đắn và cần phải được thực hiện ngay. Khi bỏ sổ hộ khẩu sẽ dẫn đến nhiều tiện ích cho người dân, cơ quan chức năng và cả những cơ quan khác có liên quan. Rất nhiều tiện ích khác mà chắc hẳn khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân và cơ quan quản lý sẽ nhẹ gánh đi nhiều thủ tục; không còn rườm rà, rắc rối. Người dân mua nhà, đất hay đăng ký xe máy, thậm chí là đăng ký học cho con cũng không còn phải kè kè theo sổ hộ khẩu như trước nữa. Cơ quan công an cũng nhẹ gánh đi phần nhiều các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu mà bấy lâu nay phải thực hiện như cấp sổ, tách sổ…

Thượng tá HỒ VĂN LE, Phó Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh An Giang:

Hết phiền hà

Đến nay, tỉnh An Giang đã triển khai đồng loạt việc thu thập thông tin công dân với quyết tâm sẽ hoàn chỉnh trong năm 2020. Riêng đối với trường hợp công dân đã có hộ khẩu thường trú thì sẽ hoàn thành trong năm 2018. Các dữ liệu thu thập cũng tương tự như trong giấy CMND theo mẫu có sẵn để phát cho người dân tự ghi vào với 17 thông tin liên quan. Lẽ ra việc thu thập thông tin này đã được triển khai từ năm 2013 nhưng đến nay mới chính thức thực hiện sau khi Hải Phòng làm thí điểm thành công. Theo tôi được biết thì những trang thiết bị tuy rất tốn kém nhưng cái lợi cho người dân và cơ quan quản lý lại rất lớn.

Khi người dân muốn làm thủ tục hành chính như vay vốn ngân hàng, làm giấy tờ về đất đai thì không phải photocopy sổ hộ khẩu, giấy CMND… Khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân chỉ cần nói họ tên, số định danh là sẽ có đầy đủ các nguồn thông tin liên quan khác. Còn đối với các cơ quan, ban ngành muốn thu thập thông tin một người nào đó thì cũng rất dễ dàng thông qua đầu mối là Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin cá nhân phải bảo đảm theo quy định pháp luật với sự phối hợp chặt chẽ của các bên có liên quan. Nói cách khác, khi có đầy đủ dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân sẽ không còn gặp cảnh phiền hà đối với các thủ tục hành chính như từ trước đến nay. Việc này cũng giúp người dân tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cũng như thời gian đi lại.

B.Vân - T.Nốt- N.Hưởng ghi

 

Nguyễn Hưởng

Người Lao động

Các tin tức khác

>   Bộ Công an: Bỏ hộ khẩu giấy tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm (17/10/2018)

>   Nhổ đinh dưới thảm (17/10/2018)

>   Ngày 23/10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước (16/10/2018)

>   GDP bình quân đầu người của Việt Nam lên 2.540 USD (15/10/2018)

>   Sau 3 năm liên tục xuất siêu, 2019 sẽ nhập siêu? (15/10/2018)

>   Kìm cương lạm phát cuối năm (15/10/2018)

>   Thương mại tăng tốc, xuất siêu của Việt Nam vượt 6 tỷ USD (15/10/2018)

>   Lần đầu công bố chỉ tiêu đo "sức khỏe" của doanh nghiệp Việt Nam (13/10/2018)

>   Luật Đất đai 2013: Kinh tế học đất đai - những vấn đề cốt lõi (13/10/2018)

>   PMI tháng 10 tăng lên 53.9 điểm, tăng trưởng sản lượng đạt mức cao của 3 tháng (01/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật