Thứ Hai, 03/09/2018 08:08

"Vỗ béo" cho doanh nghiệp!?

Doanh nghiệp đầu tư các dự án theo hình thức BT ở tỉnh Quảng Nam có dấu hiệu được ưu ái bất thường

Tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có 2 tuyến đường đang xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Cả 2 tuyến đường này có chiều dài khiêm tốn nhưng vốn đầu tư cao bất thường và nhà nước phải trả cho nhà đầu tư hàng chục ha đất.

Hợp đồng béo bở

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 26-2-2016, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, đã giải thể đầu năm 2018) và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (gọi tắt là Công ty Bách Đạt; đóng tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ký hợp đồng thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT603 với ĐT607 (thuộc phường Điện Ngọc) theo hình thức BT. Tổng chiều dài tuyến đường là 1,9 km, được xây dựng với thiết kế đường đô thị tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104-2007, mặt cắt đường rộng 20 m. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 69,3 tỉ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư). Tỉnh Quảng Nam cam kết giao cho Công ty Bách Đạt 6 dự án với tổng diện tích 105,39 ha đất ngay tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc để có được 1,9 km đường này.

Tuyến đường 1,9 km có vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng dẫn từ đường ven biển vào các khu đất của Công ty Bách Đạt hiện vẫn đang dang dở

Hợp đồng nêu rõ, Công ty Bách Đạt sử dụng phần vốn hơn 13 tỉ đồng để giải ngân trong giai đoạn đầu thực hiện dự án (không tính lãi vay); 55,5 tỉ đồng còn lại nhà nước phải trả lãi từ thời điểm doanh nghiệp (DN) bỏ vốn để thực hiện công trình cho đến khi quyết toán với lãi vay 10%. Như vậy, DN chỉ cần bỏ ra 20% tổng chi phí, số còn lại huy động hay vay vốn đã có nhà nước trả lãi thay. Hợp đồng cũng nêu rõ thời gian thực hiện dự án là 730 ngày kể từ ngày Công ty Bách Đạt nhận bàn giao mặt bằng sạch để thi công, đến nay đã quá hạn nhưng công trình vẫn còn dở dang, nguyên nhân được cho là do địa phương chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng một số đoạn cho nhà đầu tư.

Dù công trình chưa hoàn thành nhưng Công ty Bách Đạt An (đơn vị được Công ty Bách Đạt chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư dự án trên) đã phân lô bán nền các khu đất DN này được giao. Thời điểm này, đất tại dự án khu đô thị 7B (tên thương mại Vision City, tên gọi khác Sentosa City) - một trong 6 dự án được tỉnh Quảng Nam cam kết giao cho Công ty Bách Đạt đang bán 1-3 tỉ đồng/lô. Với quy mô 29,8 ha, chỉ riêng khu đất này đã mang về cho DN hàng trăm tỉ đồng.

33,4 tỉ đồng làm 646 m đường

Hợp đồng giữa UBND tỉnh Quảng Nam với DN đầu tư tuyến đường trên khá bất thường. Ngày 20-8-2013, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nay là Chủ tịch UBND tỉnh), ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường nối tuyến ĐT603 với tuyến ĐT607 có tổng chiều dài hơn 4,3 km với tổng mức đầu tư hơn 209 tỉ đồng. Đến ngày 11-12-2014, cũng chính ông Thu ký quyết định phê duyệt đề xuất đầu tư dự án trên cho Công ty Bách Đạt với chiều dài chỉ 2,1 km (sau này hợp đồng chỉ 1,9 km). Tuyến đường này cũng là đoạn nối giữa đường ven biển vào các khu đất mà DN này được cấp để phân lô bán nền. Hơn 2,4 km còn lại đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Ngoài dự án trên, dự án đường trục chính đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc tại phường Điện Ngọc cũng dành nhiều ưu đãi cho DN. Theo hồ sơ, ngày 16-1-2018, UBND thị xã Điện Bàn ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Đất Quảng - Quảng Nam (gọi tắt là Công ty Đất Quảng, đóng tại thị xã Điện Bàn) đầu tư xây dựng dự án theo hình thức BT. Tuyến đường này chỉ dài 646 m, mặt cắt đường rộng 33 m nhưng trị giá hợp đồng trúng thầu lên đến hơn 33,4 tỉ đồng, chưa tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và hơn 3,1 tỉ đồng chi phí dự phòng. UBND thị xã Điện Bàn cam kết trả cho Công ty Đất Quảng 3 khu đất với diện tích lên đến 69,25 ha để DN khai thác phân lô bán nền. Điều đáng nói, để làm tuyến đường trên, DN chỉ bỏ ra gần 11 tỉ đồng, hơn 25,5 tỉ đồng còn lại là nguồn vốn vay và số tiền vay này nhà nước phải trả lãi suất 10% kể từ ngày thực hiện dự án cho đến khi quyết toán. 

 

Rà soát dự án BT trên toàn tỉnh

Để làm rõ thông tin liên quan đến các dự án BT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chúng tôi liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhưng ông Thu chỉ cho biết đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh rà soát các dự án BT trên địa bàn tỉnh, đến ngày 15-9 sẽ có báo cáo chính thức. Một lãnh đạo khác của tỉnh này cho hay đến nay 2 dự án BT nêu trên chưa được quyết toán. Trong hợp đồng các bên nêu rõ, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT, nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách; trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn thì nhà nước thanh toán phần chênh lệch bằng tiền hoặc bằng quỹ đất khác. Trên thực tế, giá đất do nhà nước quy định so với giá thị trường luôn chênh lệch một trời một vực nên các dự án BT dễ trở thành mồi ngon cho các DN.

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Người lao động

Các tin tức khác

>   Đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua internet: Rửa tiền 'bẩn' đầu tư vào bất động sản, BOT (02/09/2018)

>   Đề xuất tăng phí trước bạ gấp 3-4,5 lần với ôtô bán tải dưới 1,5 tấn (01/09/2018)

>   Giữ 5 tỷ đồng tiền thu hộ của khách, công ty giao hàng tuyên bố dừng hoạt động (01/09/2018)

>   Công ty du lịch lừa tiền tỉ của khách (01/09/2018)

>   Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng có nguy cơ tăng vốn (01/09/2018)

>   TP HCM: Cán bộ công chức có thể được vay 600 triệu đồng mua nhà (31/08/2018)

>   Cựu tổng cục trưởng cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị truy tố đến 10 năm tù (31/08/2018)

>   Từ bỏ quyền lực vì doanh nghiệp (31/08/2018)

>   Doanh nghiệp "tuồn" phế liệu vào Việt Nam sử dụng giấy tờ giả gì? (31/08/2018)

>   Tụt hạng, Việt Nam vẫn trong top 5 nước lạc quan nhất toàn cầu (31/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật