Từ bỏ quyền lực vì doanh nghiệp
"Có dám từ bỏ quyền lực vì doanh nghiệp, có chống được lợi ích nhóm, thì mới có thể xây dựng thành công Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động"...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
|
Có lẽ trong lịch sử, chưa có thời kỳ nào mà Chính phủ lại đi kêu gọi các bộ, ngành, địa phương từ bỏ quyền lực để rộng đường cho doanh nghiệp phát triển như Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng đó, thành lập riêng một Tổ công tác chuyển lời kêu gọi thành hành động…
"Có dám từ bỏ quyền lực vì doanh nghiệp, có chống được lợi ích nhóm, thì mới có thể xây dựng thành công Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đó là con đường chỉ được phép tiến, lùi là thất bại", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nêu quan điểm.
Biết đưa phong bì cho ai?
Thực thi nhiệm vụ Thủ tướng giao, có lúc nào ông "ớn lạnh" vì các Bộ trưởng hay lãnh đạo địa phương đều là Ủy viên Trung ương, tức là những người có trong tay "lá phiếu", kêu gọi họ từ bỏ quyền lực, liệu họ có còn bỏ phiếu cho Thủ tướng?
Thủ tướng kêu gọi từ bỏ quyền lực, "quyền lực" ở đây là sự co kéo lợi ích cục bộ, là lợi ích nhóm. Thực thi thế nào để cho mọi người đều tâm phục, khẩu phục, nỗ lực vì việc chung, vì sự phát triển chung của đất nước, đương nhiên là rất khó. Nếu Thủ tướng chỉ nghĩ đến những lá phiếu cho mình, thì các Bộ trưởng, hay lãnh đạo các địa phương cũng đều như vậy, vì có câu mà chúng ta hay nói với nhau là, "nhìn nhau để hành xử". Một khi tất cả đều như vậy, thì lấy động lực nào để tạo chuyển biến? Lấy động lực nào để thúc đẩy cải cách toàn bộ máy?
Nhưng cũng vẫn câu nói, "nhìn nhau mà hành xử", khi Thủ tướng không còn quan tâm đến lá phiếu mà chỉ quyết tâm đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới, thì lãnh đạo các cấp cũng sẽ như vậy và Thủ tướng không còn đơn độc. Thực tế đã chứng minh, mặc dù sự chuyển động của cả hệ thống nhìn chung còn chậm nhưng ở người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, đều đã thế hiện rất rõ quyết tâm.
So với đầu nhiệm kỳ của Chính phủ đến nay mới hơn 2 năm thôi, nhưng từ tư tưởng đến thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương đã có sự chuyển đổi rất mạnh về vấn đề này. Đặc biệt, khi xây dựng thể chế, đã có sự thay đổi rõ về nhận thức của người đứng đầu các bộ, vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ xuất hiện ngay từ khi xây dựng thể chế chứ không phải đợi đến quá trình thực hiện.
Quá trình xây dựng các dự luật, pháp lệnh, xây dựng cơ chế chính sách hay xây dựng những văn bản trình Chính phủ hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh và ngay ở những văn bản thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ trưởng, tôi muốn nói lại là, đã chuyển động rất mạnh.
Ông có thể dẫn ra một vài ví dụ?
Như tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Xây dựng, lĩnh vực theo đánh giá của Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2018), có chi phí cao nhất, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại Bộ này trong xây dựng chính sách, đừng để người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng làm thủ tục phải xếp hàng lên Bộ xin, điều chỉnh tí xíu cũng phải lên xin, trong quản lý quy hoạch, đừng để cho các nhà đầu tư luồn lách…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã tự nhận thấy còn một loạt công việc phải làm để không còn tồn tại lợi ích nhóm trong lĩnh vực này và thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng lòng cùng Thủ tướng tuyên chiến với lợi ích nhóm. Chứng minh cho sự sẵn sàng này là tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hoá của Bộ Xây dựng đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu của Thủ tướng.
Đối với lãnh đạo địa phương, nhiều địa phương chủ động mời Tổ công tác của Thủ tướng đến kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương mình như Cà Mau, một tỉnh ở tận cùng cực nam của Tổ quốc, hay như Bắc Ninh với sự đoàn kết, đồng lòng rất cao, Bắc Ninh luôn có tốc độ phát triển tốt, góp phần quan trọng tạo tăng trưởng GDP cho cả nước và được nhiều địa phương học theo.
Cả Cà Mau và Bắc Ninh đều có nhiều sáng tạo, đổi mới khi họ đều đã thành lập Trung tâm Hành chính công để loại bỏ các quyền lợi cục bộ của các đơn vị. Khi khảo sát tại các Trung tâm này, tôi có hỏi người dân nếu phải kẹp phong bì vào hồ sơ thì đưa cho ai, họ nói không cần phải có phong bì, nhưng nếu có cũng không biết đưa cho ai…
Chặn cho được "ghẻ ruồi"
Dường như có hơi lạc quan quá không khi chúng ta tin là có phong bì nhưng không biết đưa cho ai, thưa ông?
Lúc này thì điều đó có vẻ khó tin và nói thật là tôi cũng không dám khẳng định tất cả nơi nào cũng vậy. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng và cũng có nhiều cơ sở để hy vọng rằng với đà này, thì chúng ta sẽ có được nền hành chính công trong sạch và người dân không còn phải ám ảnh với phong bì, doanh nghiệp không còn phải ám ảnh vì chi phí lót tay. Các quốc gia láng giềng của chúng ta như Singapore đều đã thực hiện được và chúng ta cũng sẽ thực hiện được.
Tất nhiên, đây là cả cuộc chiến. Chúng ta yên tâm khi đã có chỉ đạo của Tổng bí thư tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là, "không chỉ đánh tham nhũng lớn, mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt vì đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý, tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu, chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn".
Còn Thủ tướng, thì ngay khi được Quốc hội bầu vào tháng 4/2016 đã có cuộc đối thoại với doanh nghiệp và tại cuộc đối thoại này, Thủ tướng cũng ra thông điệp rất rõ là bằng mọi giải pháp phải giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí "gầm bàn" vì doanh nghiệp, người dân phải chịu cảnh chung chi, cưa đôi, cưa ba thế nào, Thủ tướng đều biết hết.
Thủ tướng đã có thời gian làm lãnh đạo doanh nghiệp ở mảnh đất nghèo và giờ đây doanh nghiệp đó đã rất thành công với cái tên là Khu du lịch Furama Đà Nẵng và mảnh đất đó cũng đã trở thành nơi đáng sống nhất cả nước, Thủ tướng rất thấm thía và thấu hiểu những thách thức doanh nghiệp phải đối mặt trên con đường phát triển.
Nhân chuyện cưa đôi, cưa ba, khi tiến hành hàng chục cuộc kiểm tra từ các Bộ, ngành, địa phương trong năm qua, ông thấy gì về những nỗi trần ai của doanh nghiệp?
Vẫn còn nhiều lắm những nỗi trần ai khi doanh nghiệp còn phải mất đến 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỷ đồng/năm chỉ vì chi phí kiểm tra chuyên ngành trong các hoạt động xuất nhập khẩu, kiểm dịch, kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất... Nếu cứ như vậy thì các doanh nghiệp của chúng ta làm sao cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước?
Đã thế, doanh nghiệp còn phải chịu tình trạng độc quyền trong đánh giá hàng hoá xuất nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra độc quyền của cơ quan giám định, kiểm định, chứng nhận, phải vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định.
Có những Bộ chỉ giao cho một cơ quan kiểm định, giám định, như vậy cả nước tập trung vào một cơ quan kiểm định, giám định. Có mặt hàng thuộc các hàng thuộc nhóm đầu thế giới nhưng vẫn phải kiểm tra, trong khi kiểm tra lại thủ công là chính, quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm rất thấp khi chỉ có tỷ lệ 0,1%.
Vẫn còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Cùng đó, là tình trạng "cài cắm" giấy phép như một điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Hoặc có Bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng yêu cầu này kia, tạo ra điều kiện, rào cản khác biệt.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau Bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, hôm nay yêu cầu một thủ tục, hôm sau lại thêm thủ tục khác và bắt buộc doanh nghiệp cứ phải chạy theo…
Không thể cam tâm
Và câu hỏi mà ông đặt ra cho các Bộ ngành địa phương là gì? Họ đã hồi đáp lại ra sao, thưa ông?
Tôi có đặt ra câu hỏi rằng, các Bộ, ngành, địa phương thấy có cam tâm không khi cứ để doanh nghiệp mò mẫm như đi lạc vào rừng rậm? Các Bộ, ngành, địa phương cũng thấy đúng là không thể cam tâm và họ đã trả lời bằng hành động. Mặc dù để đi đến hành động trong thực tế quả thật không dễ dàng.
Nhớ lại mới chỉ hồi tháng 5 thôi, tôi đã phải rất gay gắt về việc phải công bố rõ những Bộ đã rà soát, đã công bố cắt giảm về điều kiện kinh doanh thì đến bao giờ thực hiện việc này? Bởi thời điểm đó, việc cắt giảm với nhiều Bộ, chỉ toàn nói dối nhau, chưa đúng thực chất, chưa đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo và chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Nếu cứ như vậy thì sự nghi ngờ của doanh nghiệp, của người dân, thậm chí ngay giữa các bộ cũng có thông tin nghi ngờ có sự "tô vẽ", làm mất niềm tin vào Chính phủ…
Đáng mừng là đến nay, đã có sự chuyển động đồng đều và tương đối thực chất. Với những kết quả tích cực, có thể nói đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, chúng ta mang lại niềm tin cho doanh nghiệp và đó là động lực để chúng ta tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn, có những kết quả rõ ràng hơn.
Nhưng tôi vẫn phải nói rằng, chiến dịch cắt giảm rất gian khó. Khó bởi ngay bản thân người đứng đầu là các Bộ trưởng, nếu không quyết liệt thì không dẹp được rào cản ở ngay trong chính Bộ đó.
ĐOÀN TRẦN
VNECONOMY
|