Đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua internet: Rửa tiền 'bẩn' đầu tư vào bất động sản, BOT
Sau khi thu được hàng ngàn tỉ đồng từ hoạt động tổ chức đánh bạc, những đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc ngàn tỉ đã rửa tiền bằng cách đầu tư vào doanh nghiệp, bất động sản, thậm chí cả dự án BOT.
Sau khi được chọn là nhà đầu tư dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang Lạng Sơn, UDIC đã chuyển nhượng cổ phần cho doanh nghiệp khác. Ảnh: bgls.vn
|
Như Thanh Niên đã thông tin, trong vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua internet, Viện KSND tỉnh Phú Thọ tống đạt cáo trạng truy tố 92 bị can với các tội danh “sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc”, “mua bán trái phép hóa đơn”, “rửa tiền”, “đưa hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị truy tố tội rửa tiền có 4 bị can, gồm Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC); Đoàn Thị Thu Hà, Kế toán trưởng Công ty CNC; Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online) và Phan Thu Hương (dì ruột của Phan Sào Nam).
Đường đi của tiền “bẩn”
Căn cứ hồ sơ tài liệu thu thập được, các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác định đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club được điều hành bởi Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.
Nguyễn Văn Dương (trái) và Phan Sào Nam. Ảnh Cơ quan công an cung cấp.
|
Trong thời gian từ tháng 4.2015 đến tháng 8.2017, đường dây này đã phát triển thành một mạng lưới tại nhiều tỉnh, TP với 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 và 42.956.718 tài khoản tham gia đánh bạc.
Số tiền thu từ tổ chức đánh bạc trực tuyến chứng minh được là hơn 9.800 tỉ đồng. Sau khi chi trả thưởng cho con bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709 tỉ đồng, các cá nhân trong vụ án hưởng lợi trên 4.713 tỉ đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Dương hưởng 1.655 tỉ đồng, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.475 tỉ đồng, số còn lại được chia cho một nhóm khác nhưng đang trốn truy nã.
Trước khi thành lập Công ty CNC, vào năm 2010, Nguyễn Văn Dương đã thành lập và làm giám đốc Công ty cổ phần đầu tư UDIC có trụ sở ở Q.Đống Đa (Hà Nội), với số vốn điều lệ 45 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2015, Công ty cổ phần đầu tư UDIC bỗng nhiên tăng vọt vốn điều lệ lên 500 tỉ đồng, trong đó Dương góp vốn hơn 85,5%. Việc tăng vốn điều lệ này là nhằm mục đích để đủ điều kiện về tài chính tham gia dự án đấu thầu đường cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tiếp đó, đến năm 2016, vốn điều lệ của UDIC tăng lên thành trên 925 tỉ đồng, trong đó Dương đóng góp trên 99,5%. Trong giai đoạn từ tháng 6.2015 đến đầu năm 2017, Công ty cổ phần đầu tư UDIC của Dương đã góp vốn vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn trên 329 tỉ đồng, với 33 lần nộp tiền có chứng từ.
Các cơ quan tố tụng đã chứng minh, khoản tiền mà Nguyễn Văn Dương đầu tư vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực chất là hoạt động rửa tiền đánh bạc. Cụ thể, sau khi thu được một số lợi nhuận trong giai đoạn vận hành mạng lưới Rikvip, Dương đã chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào UDIC rồi mượn tên một số người khác, mở doanh nghiệp để góp vốn khống vào UDIC. Mặt khác, Dương chỉ đạo Hà và cấp dưới đứng tên danh nghĩa các doanh nghiệp, đối tác chuyển tiền cho UDIC nhằm hợp thức hóa tiền bẩn có được từ việc tổ chức đánh bạc.
Từ năm 2017, Dương tách Công ty cổ phần đầu tư UDIC thành 2 công ty và bán cổ phần sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư UDIC cho Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư cầu đường Sài Gòn, Công ty cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân... được gần 330 tỉ đồng, sử dụng số tiền này để mua tầng 5 và 6 của tòa nhà Icon 4 ở Q.Đống Đa (Hà Nội) làm trụ sở Công ty CNC, một phần gửi tiết kiệm ngân hàng khoảng 150 tỉ đồng.
Gửi hàng triệu USD ở nước ngoài
Nếu như dòng tiền của Nguyễn Văn Dương luân chuyển tương đối phức tạp thì hoạt động của các bị can còn lại khá dễ phát hiện. Phan Sào Nam sau khi có nguồn tiền thu lợi bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc đã nhờ dì ruột là Phan Thu Hương (ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) cất giấu.
Cụ thể, Nam chỉ đạo cấp dưới nhiều lần chuyển vào tài khoản tiết kiệm của Phan Thu Hương tiền mặt tổng cộng 236 tỉ đồng để nhờ Hương kinh doanh kiếm lời. Ban đầu, Hương đem gửi tiết kiệm ngắn hạn và mua vàng, USD bán kiếm lời, sau đó sử dụng mua một thửa đất rộng gần 1.000 m2 tại Q.7 (TP.HCM). Ngoài ra, Hương còn mua 5 căn hộ tại TP.HCM và nhờ Phí Quang Hưng (bạn của Nam) đứng tên. Đáng chú ý, khi cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, Hương khai các khoản tiền nhận từ Nam là tiền trả nợ từ trước đó, nhưng không có căn cứ để chứng minh. Sau đó, bị can này đã thú nhận hành vi che giấu cho Nam vì thương cháu vướng vào vòng lao lý.
Ngoài khoản tiền gửi trên, Phan Sào Nam đã chuyển cho cấp dưới 50 tỉ đồng để gửi tiết kiệm; đầu tư gần 100 tỉ đồng vào 4 công ty; nhờ bạn là Nguyễn Thị Hồng Nhung ở TP.HCM gửi tiết kiệm 384 tỉ đồng; nhờ Nguyễn Mạnh Hùng ở TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cất giữ hơn 146 tỉ đồng cùng USD và vàng trị giá 142 tỉ đồng. Nam còn nhờ Phí Quang Hưng gửi tiết kiệm 101 tỉ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ tại khu đô thị Villa Park ở TP.HCM trị giá hơn 111 tỉ đồng. Ngoài ra, Nam gửi tiết kiệm tại một ngân hàng ở Singapore 3,5 triệu USD và chuyển hàng trăm tỉ đồng cho người khác cất giữ. Tuy nhiên, hiện một số người đang bỏ trốn nên chưa thể xác minh.
Đến nay, Cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ cũng tạm giữ 5 ô tô của Phan Sào Nam, gồm: Ford Mustang, Kia Rondo, Kia Sedona, Audi Q5 và chiếc LandRover; 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gần 800 tỉ đồng bị can tự nguyện giao nộp. Cơ quan điều tra còn phong tỏa 5 tài khoản tổng số tiền hơn 76 tỉ đồng; phong tỏa nhà P2, P3 do Nam thanh toán mua của Công ty TNHH MTV Sàn giao dịch bất động sản Sài Gòn Anpha - tài sản đứng tên Hoàng Thành Trung; phong tỏa 11 căn nhà tại khu dân cư Villa Park. Phan Sào Nam còn bị kê biên ngôi nhà M9, M10 đường 1A khu phố 2, P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM...
|
Thái Sơn
Thanh niên
|