Vì sao ngành ngân hàng châu Âu vẫn chưa giải quyết được nạn rửa tiền?
Đầu tiên là HSBC. Sau đó là ING. Và bây giờ là Danske Bank. Các ngân hàng châu Âu vẫn đang phát hiện ra những vụ rửa tiền với quy mô lớn.
Vào hôm thứ Tư vừa qua, Danske Bank, ngân hàng lớn nhất Đan Mạch, thừa nhận một cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện ra một số lượng lớn các tài khoản và giao dịch đáng ngờ tại chi nhánh của họ ở Estonia.
Ngân hàng này cho biết chi nhánh đó đã xử lý khoảng 200 tỷ Euro (235 tỷ USD) cho khoảng 15,000 khách hàng nước ngoài, một số trong đó đến từ Nga, từ năm 2007-2015. Theo lời họ, "đại đa số" trong 6,200 khách hàng mà họ đã điều tra cho đến nay là "đáng ngờ”.
CEO Thomas Borgen tuyên bố ông sẽ từ chức khi tổ chức này tìm được người thay thế, và cơ quan điều hành của Đan Mạch cho biết sẽ mở lại cuộc điều tra riêng.
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không biến mất với sự ra đi của một CEO, vì đó không phải là do những quy định chống rửa tiền của Liên minh châu Âu (EU) yếu kém, mà do chúng không được thực hiện tốt.
Chẳng hạn, hồi năm 2012, HSBC đã đồng ý nộp 1.92 tỷ USD cho các cơ quan điều hành Mỹ để giải quyết những cáo buộc rửa tiền. Nhà chức trách cho rằng HSBC đã cho phép các tập đoàn ma túy quốc tế khét tiếng nhất rửa hàng tỷ USD xuyên biên giới.
Vụ việc đó đã châm ngòi cho một làn sóng các chiến dịch chống rửa tiền và cải cách trên khắp thế giới, kể cả ở EU.
Tuy vậy, nhiều trường hợp hơn vẫn tiếp tục xuất hiện. Hồi đầu tháng này, ING đã đồng ý nộp 775 triệu Euro (900 triệu USD) cho các cơ quan điều hành Hà Lan sau khi thừa nhận những biện pháp kiểm soát kém cỏi đã cho phép bọn tội phạm rửa tiền thông qua tài khoản của họ.
Quy định phân mảnh và không nhất quán
"Có rất ít biện pháp trừng phạt được thực thi ở một số nước và các cơ quan giám sát cấp quốc gia không phải lúc nào cũng làm công việc của họ", Laure Brillaud, chuyên gia về rửa tiền của tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết.
Vấn đề chính là châu Âu không có một tổ chức nào phụ trách việc loại bỏ hình thức phạm tội này. Ba cơ quan quản lý tài chính châu Âu chính chỉ có tổng cộng hai cán bộ làm việc toàn thời gian về việc phòng chống rửa tiền.
Phần lớn trách nhiệm nằm ở các cơ quan giám sát quốc gia, và một số trong đó hiện không đáp ứng được đòi hỏi của công việc này.
"Các trường hợp rửa tiền gần đây trong ngành ngân hàng cho thấy họ không phải lúc nào cũng được giám sát và thực thi với các tiêu chuẩn cao như nhau ở khắp mọi nơi trên toàn EU”, Vĕra Jourová, quan chức tư pháp hàng đầu của châu Âu, cho biết. "Hệ thống của chúng tôi rất yếu", bà nói thêm.
Do cách thức hoạt động của EU nên một khi tiền bẩn xâm nhập vào hệ thống ngân hàng tại một trong 28 quốc gia ở đây, nó có thể dễ dàng di chuyển xung quanh khối liên minh này.
Ủy ban châu Âu hiện đang đề xuất các quy định mạnh hơn nhằm kiểm soát công việc của các cơ quan giám sát quốc gia.
Ủy ban này muốn các nước thành viên EU chia sẻ thêm thông tin, và cho các nhà quản lý và ngân hàng được lên tiếng nhiều hơn.
Các cảnh báo đã bị phớt lờ
Brillaud cho rằng nếu áp dụng hình phạt dành cho những nước thành viên EU không giám sát việc rửa tiền một cách rốt ráo thì có thể dẫn đến sự giám sát tốt hơn, và đây là điều mà Ủy ban này vẫn chưa thực hiện.
Các nhà quản lý ở châu Âu và Mỹ cũng đang hối thúc các ngân hàng làm tốt hơn nữa trong việc thu thập thêm thông tin về khách hàng và nguồn tài sản của họ.
Jonathan Peddie, chủ sở hữu của Baker & McKenzie, nói rằng các ngân hàng cũng đang phải “vật lộn” để thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả trong vấn đề rửa tiền - đặc biệt là khi có liên quan đến khách hàng nước ngoài.
"Mọi người đều hiểu những gì luật pháp quy định và hiểu được thái độ mà họ cần phải có liên quan đến vấn đề rủi ro, nhưng luôn luôn rất khó cho họ để đáp ứng được những kỳ vọng", ông nói.
Vào hôm thứ Năm, ngân hàng Danske thừa nhận rằng đội ngũ quản lý ngân hàng này đã không hành động sau khi có những cảnh báo do Ngân hàng trung ương của Nga và các cơ quan điều hành ở Đan Mạch và Estonia đưa ra trong những năm qua.
Nhã Thanh (Theo CNN)
FILI
|